|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chứng khoán Mỹ vừa có quí tăng mạnh nhất nhiều thập kỉ

06:56 | 01/07/2020
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ phiên 30/6 tiếp tục khởi sắc và khép lại quí tăng điểm mạnh mẽ nhất của các chỉ số chính trong hàng chục năm trở lại đây.

Ngày 30/6, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 217 điểm, tương đương 0,9%, kết phiên ở 25.813 điểm. S&P 500 và Nasdaq Composite vượt trội hơn khi tăng lần lượt 1,5% và 1,9%. Các chỉ số lập đỉnh của ngày trong khoảng gần một tiếng trước khi thị trường đóng cửa.

Tính chung cả quí II, Dow Jones tăng 17,8% - mức đi lên mạnh mẽ nhất kể từ quí I/1987 khi chỉ số này nhảy vọt 21,6%. Chỉ số S&P 500 tăng gần 20%, lớn nhất kể từ quí IV/1988. Tương tự, Nasdaq Composite vọt lên 30,6%, kỉ lục kể từ năm 1999.

Chứng khoán Mỹ vừa có quí tăng mạnh nhất nhiều thập kỉ - Ảnh 1.

CNBC dẫn lời ông Tom Essaye, người sáng lập công ty tư vấn The Sevens Report nhận định: "Thị trường chứng khoán quí II khởi sắc nhờ 4 yếu tố là kích thích kinh tế, tình hình dịch bệnh cải thiện, nền kinh tế mở cửa trở lại và hi vọng có vắc xin".

Ông nói thêm: "Bước vào quí III, chỉ một nhân tố tích cực còn sót lại, đó là biện pháp kích thích kinh tế. Nói vậy không có nghĩa là thị trường sẽ điều chỉnh nhưng cũng đừng hi vọng quá nhiều vào việc thị trường tăng trưởng, trừ khi có thêm lực đẩy hỗ trợ cho giá chứng khoán. Chỉ cần một biện pháp kích thích gây thất vọng là thị trường sẽ có một ngày tồi tệ".

Cổ phiếu Facebook và Amazon cùng tăng 2,9% và dẫn dắt đà đi lên của thị trường phiên 30/6, Netflix cũng tăng 1,7%. Hãng sản xuất chip Micron công bố kết quả kinh doanh tích cực vượt kì vọng và dự báo doanh thu khả quan, cổ phiếu tăng gần 5%.

Tính chung cả tháng 6, Dow Jones tăng 1,7%, S&P 500 và Nasdaq tăng lần lượt 1,8% và 6%. Đây là tháng đi lên thứ ba liên tiếp của các chỉ số chứng khoán này.

CNBC dẫn lời bà Quincy Krosby – Giám đốc chiến lược thị trường tại Prudential Financial nhận xét: "Thị trường khó có thể tiếp tục đà tăng này trong suốt mùa hè". Bà cho rằng thị trường sẽ biến động rất thất thường nếu số ca nhiễm mới COVID-19 tiếp tục đi lên mà vẫn chưa có thuốc điều trị hay vắc xin hiệu quả.

Trong một diễn biến khác, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin ngày 30/6 đã ra điều trần trước Hạ viện Mỹ về phản ứng của Fed và Bộ Tài chính trước đại dịch COVID-19.

"Sản lượng kinh tế và việc làm vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch. Con đường phía trước của nền kinh tế Mỹ là cực kì bất định, phụ thuộc phần lớn vào thành công trong việc ngăn chặn đại dịch COVID-19", Chủ tịch Fed nói trước Hạ viện. "Nền kinh tế Mỹ khó có thể phục hồi hoàn toàn cho đến khi người dân tin tưởng đất nước đã an toàn để quay lại cuộc sống thường ngày".

Trong khi đó, Bộ trưởng Mnuchin khẳng định với quốc hội rằng nền kinh tế Mỹ đang ở trong vị thế thuận lợi để hồi phục từ đại dịch.

Đức Quyền