|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chứng khoán Mỹ hồi hộp chờ đợi bài kiểm tra lớn trong nửa cuối năm

14:02 | 27/06/2020
Chia sẻ
Nửa cuối năm 2020 đã gần kề, và giờ nền kinh tế Mỹ cần chứng tỏ rằng thị trường chứng khoán đã đúng khi dự đoán rằng sự phục hồi sẽ diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ.
Chứng khoán Mỹ hồi hộp chờ đợi bài kiểm tra lớn - Ảnh 1.

Bên ngoài Sàn giao dịch chứng khoán New York ngày 26/5/2020. Ảnh: Getty Images

Bài kiểm tra lớn đầu tiên sẽ là báo cáo việc làm tháng 6 được công bố vào ngày 2/7. Theo Refinitiv, các nhà kinh tế kì vọng sẽ có 3 triệu việc làm được tạo ra, sau khi mức tăng bất ngờ của 2,5 triệu việc làm trong tháng 5 khiến giới chuyên gia bẽ mặt.

Ông Kevin Cummins, nhà kinh tế trưởng tại NatWest Markets cho biết: "Nếu báo cáo việc làm tháng 6 mạnh mẽ hơn tháng 5 thì chúng ta có thể đưa ra giả thuyết là sự hồi phục đang diễn ra nhanh hơn. Những gì chúng ta đã chứng kiến trong tháng 5 cũng tương tự: doanh số bán lẻ và ô tô được cải thiện, niềm tin quay trở lại".

Quí II sắp kết thúc trong bối cảnh nhà đầu tư lạc quan vào sự phục hồi của nền kinh tế nhưng vẫn thận trọng đề phòng số ca nhiễm COVID-19 tăng ở một số tiểu bang.

Theo CNBC, tính chung trong cả tuần qua, các chỉ số chứng khoán chính như Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq đều giảm điểm. Nhà đầu tư lo ngại dịch bệnh bùng phát trở lại sẽ đe dọa sự phục hồi của nền kinh tế. Tiến trình mở cửa ở một số bang đã bị đình trệ.

Tính từ đầu quí II đến nay, chỉ số S&P 500 đã đi lên 16% và thấp hơn 7% so với đầu năm. Kết phiên 26/6, chỉ số S&P 500 sụt 2,4%, xóa bỏ thành tích thu được trong những ngày đầu tháng 6.  

Chứng khoán Mỹ hồi hộp chờ đợi bài kiểm tra lớn - Ảnh 2.

Ông Sam Stovall, Giám đốc đầu tư tại CFRA cho biết: "Tôi nghĩ thị trường chứng khoán Mỹ đang kì vọng một cuộc hồi phục theo mô hình chữ V và triển vọng doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp khả quan trong năm 2021".

Ông Stovall dự đoán trong năm sau, thu nhập của doanh nghiệp vốn hóa lớn sẽ hồi phục 30% và lợi nhuận của doanh nghiệp vốn hóa nhỏ bật tăng 140%.

"Trong nửa cuối năm, nền kinh tế cần phải chứng minh được rằng sự lạc quan của chúng ta là đúng đắn. Chúng ta sẽ cần phải thấy dữ liệu kinh tế tiếp tục được cải thiện và ước tính lợi nhuận của doanh nghiệp được điều chỉnh theo hướng tích cực hơn".

Bà Liz Ann Sonders, Giám đốc đầu tư tại Charles Schwab cho rằng sự phục hồi của nền kinh tế sẽ không diễn ra suôn sẻ như một số người kì vọng, đặc biệt là khi xét đến các ca nhiễm tái bùng phát ở một số tiểu bang như California.

"Tôi cho rằng kịch bản hợp lí hơn là nền kinh tế sẽ không hồi phục theo hình chữ V mà là những chữ W lắc lư. Đây không phải là dự đoán dựa trên làn sóng lây nhiễm thứ hai. Tôi không chắc làn sóng thứ nhất đã kết thúc hay chưa".

Kể cả nếu nước Mỹ không đóng cửa trở lại, COVID-19 có thể khiến hoạt động kinh tế chậm lại. "Doanh nghiệp có thể tự đóng cửa hoặc người tiêu dùng sẽ càng trở nên thận trọng hơn", bà Sonders nói.

Bầu cử tổng thống

Trong nửa cuối năm, thị trường chứng khoán Mỹ sẽ chú ý nhiều hơn đến cuộc bầu cử tổng thống. Kết quả trung bình của các cuộc thăm dò của RealClearPolitic cho thấy ứng viên Joe Biden đang dẫn trước Tổng thống Donald Trump 10 điểm phần trăm, và khả năng ông Biden giành chiến thắng đang ngày càng tăng.

Một số nhà phân tích cho rằng nếu ông Biden thành tổng thống thì giá chứng khoán sẽ gặp bất lợi do ông Biden đã hứa tăng thuế đối với doanh nghiệp và chính quyền của ông sẽ đặt ra nhiều qui định kiểm soát hơn.

Ông Trump được cho là sẽ tiếp tục áp đặt thuế quan nếu giành được nhiệm kì thứ hai và điều này sẽ khiến thị trường bất ổn. Tuy nhiên, cả hai ứng viên tổng thống được cho là sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc.

Bà Sonders nói: "Nếu Đảng Cộng hòa giữ được Thượng viện thì thị trường sẽ bớt lo lắng về những thay đổi trong chính sách".

Kích thích kinh tế

Thị trường chứng khoán Mỹ đi lên mạnh mẽ trong quí II sau khi Cục dự trữ liên bang (Fed) và Quốc hội Mỹ nhanh chóng hành động để bơm hàng nghìn tỉ USD vào nền kinh tế. Các biện pháp kích thích đã "phá băng" cho thị trường tín dụng và kích hoạt làn sóng các công ty tái cơ cấu hoặc phát hành nợ.

Chủ tịch Fed Jerome Powell và Bộ trường Tài chính Steven Mnuchin đều sẽ tham gia phiên điều trần trước Hạ viện vào ngày 30/6 về cách phản ứng đối với COVID-19.

Sự kiện này sẽ đóng vai trò quan trọng do thị trường đang trông đợi Quốc hội sẽ thông qua gói kích thích tài khóa mới trong mùa hè. Gói kích thích mới được kì vọng sẽ viện trợ cho các bang và chính quyền địa phương, kéo dài thời hạn cho trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp.

Các nhà phân tích dự kiến Quốc hội Mỹ sẽ tranh cãi về qui mô và nội dung của gói cứu trợ nhưng sẽ đạt được thỏa thuận trước khi gói trợ cấp thất nghiệp vì COVID-19 hết hạn vào cuối tháng 7.

Chính quyền ông Trump đã ám chỉ rằng báo cáo việc làm tháng 6 có thể sẽ giúp định hình cho gói kích thích tài khóa mới, tùy thuộc vào nội dung trong báo cáo.

Tỉ lệ thất nghiệp được kì vọng sẽ giảm từ 13,3% trong tháng 5 xuống 12,2% trong tháng 6. Nhà kinh tế Cummins của NatWest Markets dự đoán tỉ lệ thất nghiệp là 11,8% và sẽ có thêm 7,2 triệu việc làm.

Tính đến cuối tuần trước, Mỹ có khoảng 20 triệu người nhận trợ cấp thất nghiệp và hàng triệu người khác tham gia chương trình cứu trợ đại dịch của liên bang.

Trước đây, các nhà kinh tế thường coi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp là dữ liệu thời gian thực tốt hơn để phán đoán về tình trạng việc làm, nhưng giờ lại cho rằng số liệu này có thể bị tác động bởi sự chậm trễ trong ghi nhận hoặc các đơn bị trùng lặp.

Ông Chris Rupkey, nhà kinh tế trưởng về tài chính của MUFG Union Bank nói: "Không có cách rõ ràng nào để xác định tình hình thất nghiệp trong thời COVID-19. Nếu số người đang nhận trợ cấp là 30 triệu, tỉ lệ thất nghiệp chắc sẽ phải trên 20%".

Giang