|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Vì sao làn sóng dịch bệnh thứ 2 cũng khó phá hoại sự phục hồi của kinh tế Mỹ?

06:12 | 24/06/2020
Chia sẻ
Ông Jim Paulsen, Giám đốc đầu tư của Leuthold Group tin rằng các điểm nóng COVID-19 trên toàn nước Mỹ sẽ không tàn phá sự phục hồi của nền kinh tế. Theo ông, sự gia tăng của số ca nhiễm mới sẽ không có tác động rộng rãi tới tiến trình mở cửa.
Jim Paulsen: Số ca nhiễm COVID-19 gia tăng sẽ không phá hủy sự phục hồi của kinh tế Mỹ - Ảnh 1.

Ông Jim Paulsen. Ảnh: CNBC

Trả lời phỏng vấn với CNBC hôm 22/6, ông Paulsen nhận định: "Dù các khu vực khác có điểm nóng COVID-19 nhưng New York vẫn đang hồi sinh. Các báo cáo kinh tế sẽ tiếp tục được cải thiện. Các điểm nóng sẽ không quyết định nền kinh tế tăng trưởng hay không, mà chỉ là tăng trưởng nhanh hay chậm".

Dù có cái nhìn lạc quan nhưng ông Paulsen vẫn cảnh báo rủi ro từ COVID-19 sẽ không sớm biến mất. Ông cho rằng nhà đầu tư sẽ còn phải chịu đựng với các biến động của thị trường mỗi lần số ca nhiễm mới tăng vọt cho tới khi có vắc xin ngừa COVID-19.

"Thị trường chứng khoán Mỹ sẽ phản ứng trước những tin tức nổi bật. Chúng có thể khiến giá cổ phiếu thoái lui hoặc gây ra điều chỉnh", ông Paulsen nói.

Nhưng ông Paulsen vẫn kiên định với các dự báo của  mình, bao gồm khả năng thị trường chứng khoán lên tới đỉnh lịch sử trong năm nay.

Ông liệt kê ba yếu tố chứng minh cho quan điểm của mình: Tâm lí sợ hãi tràn ngập khắp thị trường, các động thái chưa từng có tiền lệ của Cục dự trữ liên bang (Fed) nhằm giảm thiểu tác động của COVID-19 và nhiều khả năng cuộc suy thoái đã chấm dứt.

"Thời kì tăng trưởng mới" 

Ông Paulsen suy đoán rằng nước Mỹ sẽ không thể đóng cửa lần nữa vì biện pháp này quá tốn kém. 

"Sẽ rất khó để đóng cửa nền kinh tế lần nữa. Tôi không nghĩ rằng người Mỹ sẽ chịu đựng các lệnh phong tỏa sau khi họ vừa mới lấy lại được công việc. Nước Mỹ sẽ tiến lên phía trước. Tôi nghĩ chúng ta đang ở trong thời kì tăng trưởng mới và thị trường giá lên mới".

Ông Paulsen đang tập trung vào nhóm các cổ phiếu tăng trưởng và cổ phiếu có tính chu kì.

Ông cho biết: "Tôi sẽ tiếp tục nắm giữ một vài cổ phiếu đang được ưa chuộng, mà tôi gọi là "cổ phiếu của thời đại mới". Những cổ phiếu này có khả năng tăng trưởng dài hạn vượt trội nhờ nhiều yếu tố và không chỉ phụ thuộc vào nền kinh tế".

"Nhà đầu tư nên duy trì tỉ trọng cao cho các cổ phiếu này trong danh mục đầu tư dù định giá của chúng có thể hơi cao. Tôi nghĩ chúng có thể mang lại sự phòng vệ tốt trong trường hợp xảy ra thoái lui giá".

Mặt khác, ông Paulsen cũng nắm giữ các cổ phiếu nhạy cảm với tình hình kinh tế, đặc biệt là cổ phiếu vốn hóa nhỏ và cổ phiếu quốc tế.

"Những loại cổ phiếu này sẽ dẫn dắt thị trường nếu nền kinh tế toàn cầu tiếp tục cải thiện. Nhưng rất nhiều cái tên trong số chúng sẽ biến động mạnh".

Chỉ số S&P 500 kết phiên 22/6 ở 3.117,86 điểm, thấp hơn 9% so với mức cao nhất mọi thời đại .

Giang