|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chứng khoán Mỹ hụt hơi khi nền kinh tế không phục hồi như kì vọng

14:27 | 21/06/2020
Chia sẻ
Nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ giờ đây đang dần phải chấp nhận rằng viễn cảnh nền kinh tế hồi phục theo hình chữ V gần giống với ảo tưởng hơn là thực tế.
Chứng khoán Mỹ hụt hơi khi nền kinh tế không phục hồi như kì vọng - Ảnh 1.

Nền kinh tế Mỹ có thể phải mất đến hàng năm trời để phục hồi hoàn toàn. Ảnh: CNBC

Với số ca nhiễm COVID-19 tăng vọt trong thời gian gần đây và sự biến động của dữ liệu kinh tế, thị trường chứng khoán Mỹ có vẻ đang bị mắc kẹt trong các biến động. Theo CNBC, các nhà phân tích cho rằng nhà đầu tư nên chuẩn bị cho các đợt sóng gió phía trước vì quá trình hồi phục kinh tế khó có thể diễn ra êm đẹp.  

Ông Brian Levitt, chuyên gia đầu tư của Invesco cho biết: "Chứng khoán Mỹ đã được định giá theo trường hợp tình hình tiếp tục được cải thiện nhưng tôi nghĩ điều này sẽ khó có thể xảy ra. Chúng ta sẽ có thêm nhiều ngày số ca nhiễm tăng cao. Thị trường việc làm sẽ phục hồi rất chậm chạp và gặp nhiều trắc trở".

Sau khi nhảy vọt hơn 40% so với mức đáy hồi tháng 3, chỉ số S&P 500 đã chao đảo trong suốt hai tuần qua. Thị trường chứng khoán Mỹ, vốn từng nhắm mắt làm ngơ trước những tin tức tai hại vì nghĩ rằng nền kinh tế đã chạm đáy, nay đã trở nên dễ bị tổn thương hơn trước những dữ liệu tiêu cực về triển vọng hồi phục.

Chứng khoán Mỹ hụt hơi khi nền kinh tế không phục hồi như kì vọng - Ảnh 2.

Đầu tuần này, chứng khoán Mỹ đã phải chịu áp lực sau khi dữ liệu cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần tăng cao hơn so với kì vọng. Trong 13 tuần liên tiếp, số người nộp đơn xin trợ cấp của Mỹ đều vượt quá con số 1 triệu.

Các bang California, Texas, Florida và Arizona đồng loạt báo cáo số ca nhiễm mới tăng cao. Hôm 19/6, Apple thông báo sẽ đóng các cửa hàng ở Florida, North Carolina và Arizona do tình hình dịch bệnh xấu đi, khiến thị trường xảy ra bán tháo, đặc biệt là giữa những nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Chứng khoán Mỹ hụt hơi khi nền kinh tế không phục hồi như kì vọng - Ảnh 3.

Ông Matt Miskin, Giám đốc đầu tư tại John Hancock Investment Management cho biết: "Nền kinh tế sẽ cần thêm nhiều sự trợ giúp để có thể hồi phục trong các tháng tới. Hiện tại, nhận định cơ bản của chúng tôi là thị trường sẽ tiếp tục biến động trong bối cảnh quá trình hồi phục bấp bênh nhiều khả năng sẽ xảy ra".

"Lắc lư"

Giá các cổ phiếu được cho là sẽ hưởng lợi trong quá trình mở cửa nền kinh tế - hàng không, du thuyền và khách sạn – đang dần mất đi động lực. Cổ phiếu American Airlines và Delta ghi nhận tuần đi xuống thứ hai liên tiếp. Cổ phiếu Carnival, Norwegian Cruise và MGM Resorts cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Các cổ phiếu này từng rất được ưa chuộng khi nhà đầu tư đặt cược rằng quá trình mở cửa kinh tế sẽ diễn ra thành công.

Bà Liz Ann Sonders, Giám đốc đầu tư tại Charles Schwab viết trong lưu ý: "Dù thị trường chứng khoán gợi ý nền kinh tế sẽ hồi phục theo hình chữ V, kịch bản khả dĩ hơn là những chữ W lắc lư".

Từ góc độ kĩ thuật, ông Matthew Maley, Giám đốc đầu tư tại Miller Tabak đang quan sát liệu chỉ số S&P 500 có thể phá ngưỡng 3.232 điểm hay sẽ rơi xuống ngưỡng 3.000 điểm hoặc xuống dưới đường trung bình động MA 200 ngày là 3.018 điểm tính đến phiên 19/6.

"Dù chỉ số S&P 500 phá ngưỡng nào… đó cũng sẽ là bước ngoặt rất quan trọng trong việc xác định xem thị trường chứng khoán sẽ đi theo hướng nào", ông Maley viết.

Fed không thể ngăn chặn biến động

Các biện pháp kích thích chưa từng có tiền lệ của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) là một trong những động lực chủ chốt kéo giá chứng khoán đi lên khỏi vũng lầy COVID-19.

Trong tuần này, Fed tiếp tục tung ra động thái hỗ trợ mới là trực tiếp mua vào trái phiếu từng doanh nghiệp cụ thể. Nhưng Fed không thể hoàn toàn xóa bỏ sự sợ hãi của nhà đầu tư.

Bà Lindsey Bell, Giám đốc đầu tư tại Ally Invest viết trong lưu ý: "Fed không thể ngăn chặn những biến động mà chúng ta đang chứng kiến trong thị trường chưng khoán hiện nay. Nhiều khả năng nền kinh tế sẽ cần đến hàng năm trời để phục hồi hoàn toàn và vẫn còn nhiều bất định phía trước".

"Do vậy, nhà đầu tư có thể sẽ phải tiếp tục vật lộn với sự chênh lệch giữa thị trường và nền kinh tế".

Trong tuần này, Chủ tịch Fed Jerome Powell một lần nữa nhắc nhở nhà đầu tư tại phiên điều trần trước Thượng viện rằng "vẫn còn độ bất định đáng kể về thời gian và sự mạnh mẽ của cuộc phục hồi".

Nhiều chuyên gia Phố Wall cũng cảnh báo các chính sách mở rộng bao gồm rót hàng nghìn tỉ USD vào thị trường sẽ dẫn tới rắc rối trong tương lai, ví dụ như siêu lạm phát.

Giang

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.