|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Quá tập trung vào tiến trình mở cửa kinh tế, chứng khoán Mỹ ngoảnh mặt làm ngơ trước tin xấu

11:01 | 05/06/2020
Chia sẻ
Nhà đầu tư Mỹ quá lo sợ sẽ bỏ lỡ đợt phục hồi của thị trường nên không còn chú ý đến những tin tức tiêu cực như lợi nhuận sụt giảm hay định giá thị trường đang quá cao.
a - Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán đi lên dù nền kinh tế rơi vào suy thoái. Ảnh: Bloomberg

Lợi nhuận đi lên. Kinh tế tăng trưởng. Các món hời. Rất nhiều yếu tố những tưởng mọi nhà đầu tư đều coi trọng đều vắng bóng trong đợt phục hồi của thị trường chứng khoán Mỹ kể từ cuối tháng 3.

Các chương trình mua cổ phiếu quĩ cũng bị cắt giảm. Đại dịch COVID-19 khiến cho giới doanh nghiệp đặt ưu tiên hàng đầu lên việc bảo toàn tiền mặt.

Theo dữ liệu từ TrimTabs Investment Research, giá trị các chương trình mua cổ phiếu quĩ và thương vụ thâu tóm được công bố trong tháng trước rơi xuống còn 12 tỉ USD, mức thấp thứ hai trong thập kỉ qua.

Trong khi đó, các đợt chào bán cổ phiếu lại đang bùng nổ, với tổng giá trị lên đến mức kỉ lục là 94 tỉ USD.

Đây là một ví dụ khác cho thấy thị trường chứng khoán Mỹ hiện giờ chỉ chăm chăm tập trung vào diễn biến mở cửa nền kinh tế. Đồng thời, kích thích từ Cục dữ trữ liên bang (Fed) khiến nhà đầu tư lờ đi dự báo doanh thu và lợi nhuận sụt giảm do chính doanh nghiệp phát hành.

Theo Bloomberg, chỉ trong 10 tuần qua, vốn hóa thị trường Mỹ đã tăng thêm 9.000 tỉ USD. Kết phiên 3/6, chỉ số Nasdaq 100 đã tăng 38% kể từ đáy hồi tháng 3 và có lúc đã vượt qua mức đóng cửa cao nhất mọi thời đại.

a - Ảnh 2.

Ông Jerry Braakman, Giám đốc đầu tư tại First American Trust cho biết: "Tất cả những điều này cho thấy mọi chuyện không ổn. Chỉ số S&P 500 thì cứ đi lên liên tục".

"Thị trường không quan tâm tới định giá nữa. Với việc Fed tiếp tục can thiệp vào thị trường, nhà đầu tư đã đúng khi đặt cược cùng với Fed. Xu hướng đang là bạn với nhà đầu tư, họ chỉ cần tiếp tục cưỡi sóng. Có vẻ như điều mọi người cần làm là ngoảnh mặt làm ngơ trước các tin xấu".

Hiện tượng chỉ số S&P 500 bật tăng không ngừng kể từ mức đáy tháng 3 đi ngược lại rất nhiều nguyên tắc cơ bản. Kinh tế Mỹ đang hướng đến cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập kỉ, hàng loạt nhà máy và cửa hàng phải đóng cửa để hạn chế lây lan COVID-19.

Trong một quí mà lợi nhuận doanh nghiệp dự kiến sẽ lao dốc 44%, chỉ số chính của thị trường lại đi lên 21%, trên đường đạt được thành tích ấn tượng nhất kể từ 1975.

Để đối phó với tai ương từ COVID-19, khoảng 1/5 các doanh nghiệp niêm yết thuộc S&P 500 đã hoãn mua cổ phiếu quĩ. Theo số liệu Goldman Sachs tổng hợp, số lượng các chương trình mua cổ phiếu quĩ bị hoãn trong năm nay tương đương với hơn 40% tổng số chương trình được thực hiện năm 2019.

Các doanh nghiệp thiếu thốn tiền mặt đua nhau bán cổ phiếu nhằm nâng đỡ tình hình tài chính.

Nhiều doanh nghiệp vội vã phát hành cổ phiếu công khai lần đầu để huy động tiền, chớp thời cơ định giá thị trường lên đến mức cao nhất trong vòng 20 năm qua. Kết quả, giá trị các đợt chào bán cổ phiếu trong tháng 5 cao hơn gấp ba lần trung bình 12 tháng, hãng nghiên cứu TrimTabs cho biết.

Ông Winston Chua, nhà phân tích tại TrimTabs cho rằng: "Nhà đầu tư nên thấy lo ngại trước khối lượng đáng kinh ngạc của các đợt chào bán cổ phiếu. Giả định rằng những yếu tố khác không đổi, số lượng cổ phiếu trên thị trường càng lớn, các cổ phiếu cùng tồn tại càng khó tăng giá hơn".

a - Ảnh 3.

Bất chấp những xu hướng tiêu cực trên, đà tăng của thị trường vẫn không hề chấm dứt. Sau đợt bán tháo lịch sử tháng 3, các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp từ Fed đã giúp nhà đầu tư Mỹ vững tâm trở lại. Họ nhanh chóng mua vào cổ phiếu dược phẩm và các công ty công nghệ vốn hóa siêu lớn.

Khi tiến trình mở cửa trở thành tâm điểm chính trong những tuần gần đây, nhà đầu tư đã mua thêm cả cổ phiếu rủi ro hơn, bao gồm cổ phiếu ngân hàng và cổ phiếu vốn hóa nhỏ. Nhà đầu tư nhận định rằng đây là những doanh nghiệp được hưởng lợi nhiều nhất từ sự hồi phục kinh tế.

Quĩ đầu cơ và nhà đầu tư nhỏ lẻ nổi lên với tư cách là những người mua kiên định. Theo dữ liệu Goldman Sachs tổng hợp, hoạt động giao dịch giữa các nhà đầu tư cá nhân đã tăng gần gấp ba trong năm nay. Thay vì bán khống, các quĩ đầu cơ lại mua vào cổ phiếu.

Các nhà phân tích của Goldman chỉ ra mối nguy tiềm tàng là những nhà đầu tư này có thể sẽ thay đổi lập trường và bán ra cổ phiếu.

Hiện tại, vai trò nâng đỡ giá cổ phiếu của doanh nghiệp Mỹ đã chấm dứt, nên thị trường chứng khoán rất dễ bị tổn thương trước những cú sốc, các nhà phân tích lập luận. Còn trong quá khứ, các chương trình mua lại cổ phiếu quĩ đã phần nào chống đỡ cho giá cổ phiếu khi thị trường lao dốc.

Ít nhất là cho đến hiện nay, các nhà đầu tư vẫn đang mải lo lắng về việc bỏ lỡ đợt phục hồi của thị trường, nên họ chưa bận tâm đến việc số cổ phiếu doanh nghiệp bán ra tăng vọt.

Mô hình của Citigroup cho thấy tâm lí chung của nhà đầu tư hiện tại là hưng phấn.

Ông Michael Ball, Giám đốc Weatherstone Capital Management cho biết: "Cam kết từ Fed và từ các quan chức chính phủ rằng họ sẵn sàng làm mọi thứ để đưa nền kinh tế trở lại đúng hướng khiến nhà đầu tư cảm thấy rằng thị trường chứng khoán không có mối rủi ro đáng kể nào cả".

"Đối với nhà đầu tư, những thứ như nguyên tắc cơ bản và mua lại cổ phiếu quĩ không quan trọng cho tới khi chúng trở thành vấn đề. Nhà đầu tư muốn mình đúng, nhưng thực chất lại đang sai lầm", ông Ball nói tiếp.

Giang