|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ông Trịnh Văn Quyết: Doanh nghiệp dù khó khăn vì COVID-19 cũng không nên xin Nhà nước hỗ trợ tiền

07:55 | 06/05/2020
Chia sẻ
Theo tin từ Tập đoàn FLC, Chủ tịch Trịnh Văn Quyết cho rằng FLC là một trong những doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch COVID-19 bởi những ngành bị tác động tiêu cực nhất do dịch bệnh thời gian qua như hàng không, du lịch hay bất động sản nghỉ dưỡng… đều là những lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của FLC.
Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết phát biểu sáng 5/5. Ảnh: FLC.

Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết phát biểu sáng 5/5. Ảnh: FLC.

"Hàng nghìn phòng khách sạn phải tạm dừng hoạt động, còn hàng không chỉ bay được 1% công suất trong giai đoạn 2 tuần cao điểm phòng chống COVID hồi đầu tháng 4. Chúng tôi vẫn kiểm soát được tình hình, nhưng nhiều mục tiêu tăng trưởng phải hoạch định lại", ông Trịnh Văn Quyết phát biểu tại buổi thảo luận "Định hướng mới thời kì hậu COVID" do CLB Doanh nhân Sao Đỏ tổ chức ngày 5/5.

Ông Quyết lấy ví dụ trong năm 2020, Tập đoàn FLC dự kiến tuyển mới từ 5.000 – 7.000 lao động phục vụ cho hãng hàng không Bamboo Airways và các khu nghỉ dưỡng, nhưng kế hoạch này đến nay phải điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới.

Tuy nhiên, ông Quyết cho rằng doanh nghiệp dù gặp khó khăn thách thức thì việc "xin" Nhà nước hỗ trợ tiền là không nên.

"Tôi xin đề xuất với các doanh nhân trong CLB Doanh nhân Sao Đỏ: Chúng ta không nên kiến nghị Nhà nước hỗ trợ tiền, mà chỉ nên kiến nghị về cải cách mạnh mẽ thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh, chính sách (có thể bao gồm các chính sách về thuế, phí…), để tạo nên những đột phá mới thời hậu COVID-19. Đây chính là sự hỗ trợ quan trọng và khả thi nhất mà Chính phủ cũng như ban, ngành các cấp có thể dành cho cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn rất đặc biệt hiện nay", ông nói.

"Đây là những vấn đề chung nếu được giải quyết thì tất cả doanh nghiệp lớn, nhỏ sẽ được hưởng lợi. Ví dụ, cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, thủ tục pháp lí theo hướng giải quyết nhanh hơn, thoáng hơn. Bởi thực tế, dù cấp trên đã tháo gỡ, thông suốt về chủ trương nhưng cấp dưới vẫn xuất hiện nhiều khó khăn, vướng mắc, và đây chính là một nút thắt lớn ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi của doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại", ông Quyết dẫn chứng.

Đồng thuận với ông Quyết, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco nói: "Tinh thần chỉ đạo "chống dịch như chống giặc" của Thủ tướng Chính phủ đã phát huy hiệu quả tích cực thời gian vừa qua. Nhưng lúc này chúng ta cũng cần "cứu doanh nghiệp như cứu hoả". Cái doanh nghiệp thiếu nhất hiện nay là dòng tiền, nhưng doanh nghiệp cũng không nên tìm cách "xin" tiền Nhà nước. Vì vậy, cái doanh nghiệp cần nhất lúc này là những quyết sách, cơ chế từ Chính phủ".

Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco. Ảnh: Tập đoàn FLC.

Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco. Ảnh: Tập đoàn FLC.

Ông Tiền lấy ví dụ, với những dự án đang triển khai trước dịch, phải cho khởi động lại. Thậm chí có cơ chế vừa làm vừa hoàn thiện thủ tục nếu chưa hoàn thiện. Phải hành động quyết liệt như thời chiến. Chính phủ cũng cần xem xét từng lĩnh vực đặc thù và có chính sách đặc thù cho từng lĩnh vực như hàng không, du lịch, nghỉ dưỡng…

Ông Tiền cũng cho rằng cần phải kỉ luật những quan chức không làm được việc, tạo ra cơ chế mới trong hành động của Chính phủ. Truyền thông cũng phải tham gia trong việc thông tin để truyền cảm hứng và nhiệt huyết tới người dân và doanh nghiệp.

Nhận định về thách thức của đại dịch, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Công ty cổ phần FPT nhắc đến sự nguy hiểm của ba loại virus: virus gây bệnh COVID-19, virus sợ hãi và virus tiêu dùng tối thiểu đang bóp chặt chi tiêu của người dân.

Chính vì vậy, lúc này phải chiến đấu trên cả ba mặt trận: chống dịch, chống suy thoái doanh nghiệp và chống thất nghiệp.

"Chúng ta đã có Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch hoạt động rất hiệu quả, vì vậy rất cần có Ban Chỉ đạo quốc gia về chống suy thoái kinh tế và thất nghiệp. Ban này nên có sự tham gia của Chính phủ, doanh nghiệp và người lao động. Ban chỉ đạo sẽ đưa ra các quyết sách đặc thù và đặc biệt không hồi tố, hành động như thời chiến", ông Bình kiến nghị.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Công ty cổ phần FPT. Ảnh: Tập đoàn FLC.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Công ty cổ phần FPT. Ảnh: Tập đoàn FLC.

Theo ông Nguyễn Cảnh Hồng, Chủ tịch CLB Doanh nhân Sao Đỏ, CLB sẽ sớm tập hợp kiến nghị của các doanh nhân để đề xuất với Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về chống suy thoái kinh tế cũng như các giải pháp tháo gỡ khó khăn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp.

Đại dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng lớn đến hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam. Trong 4 tháng đầu năm, có 22.700 doanh nghiệp trong nước tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 33,6% so với cùng kì năm trước.

Trong quí I vừa qua, Tập đoàn FLC (sở hữu hãng hàng không Bamboo Airways) lỗ sau thuế gần 1.900 tỉ đồng, Vietnam Airlines lỗ hơn 2.600 tỉ đồng, Vietjet Air lỗ 989 tỉ đồng, Lọc hóa dầu Bình Sơn lỗ gần 2.350 tỉ đồng, Petrolimex lỗ gần 1.900 tỉ đồng.

Chính phủ đã và đang đưa ra nhiều gói hỗ trợ nhằm khắc phục các thiệt hại từ dịch bệnh, trong đó, các gói hỗ trợ dành cho doanh nghiệp được đặc biệt quan tâm. Theo nhận định chung của nhiều doanh nhân CLB Doanh nhân Sao Đỏ, sự hỗ trợ doanh nghiệp vượt "bão" COVID-19 không chỉ liên quan đến sự tồn vong của các doanh nghiệp, mà quan trọng hơn, đây chính là sự bảo vệ nội lực kinh tế quốc gia. 

Với những doanh nghiệp qui mô lớn, đang tạo ra hàng nghìn công ăn việc làm, sự phục hồi của những doanh nghiệp này có khả năng dẫn dắt chuỗi giá trị và tạo động lực phục hồi cũng như phát triển kinh tế trong giai đoạn sắp tới.

Đức Quyền