Ông Huy Nhật: 'Nhóm nhà đầu tư muốn gạt tôi khỏi Món Huế'
Ông Huy Nhật hẹn gặp phóng viên Zing.vn tại một khu vực cao cấp và kín đáo tại quận 2, TP.HCM. Đây là lần đầu tiên ông xuất hiện trước truyền thông kể từ thời điểm Món Huế đóng cửa.
- Ông đã ở đâu trong những ngày qua khi Món Huế đột ngột đóng cửa, nhà cung cấp truy nợ? Tại sao ông không lên tiếng?
- Từ khi xảy ra sự việc đến nay, tôi vẫn ở TP.HCM. Lý do tôi không xuất hiện cũng như không trả lời báo chí là vì tôi không biết phải nói gì trước tình hình này.
Với tôi, đây cũng là một cú sốc rất lớn.
Ông Huy Nhật trong buổi phỏng vấn với Zing.vn. Ảnh: Quỳnh Trang.
- Trong tâm thư gửi Zing.vn, ông cho biết giữa ông và nhóm các nhà đầu tư có xảy ra tranh chấp. Vậy tranh chấp này là gì và diễn ra từ khi nào?
- Tranh chấp diễn ra từ khoảng tháng 5-6 năm 2019. Huy Việt Nam với các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài từ 2012-2013, tương đương 6-7 năm. Trong thời gian đầu, sự hợp tác giữa hai bên diễn ra rất tốt, nhờ đó mà chúng ta mới chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của Món Huế và các thương hiệu khác.
Tuy nhiên, đi cùng với việc thành công trong huy động vốn là áp lực phát triển hệ thống cửa hàng mới với số lượng tăng từ 100 lên 200, bài toán quản lý vận hành, nhân sự, kiểm soát chi phí, chất lượng tạo nên một áp lực rất lớn.
Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt của ngành F&B trong 2 năm qua, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng, giá thuê mặt bằng tăng, cạnh tranh nhân lực cũng ngày càng gay gắt.
Nhằm thích ứng với thay đổi của thị trường, tôi và và đội ngũ điều hành không ngừng phát triển những thương hiệu mới, mở rộng thị trường mới. Tuy vậy, áp lực và mâu thuẫn vẫn bị các NĐT đẩy lên cao.
- Áp lực mà phía NĐT đặt ra cho ông là gì?
- Xung đột xảy ra đỉnh điểm là khi nhóm này có kế hoạch giành lấy quyền điều hành và gạt tôi ra khỏi Huy Việt Nam. Đây là vấn đề mà tôi không thể thỏa hiệp.
Trong 6 ghế của hội đồng quản trị (HĐQT) thì có 3 ghế của phía NĐT, 3 ghế còn lại là người của Huy Việt Nam. Khi có xung đột, nhóm này yêu cầu tăng lên 4 ghế trong HĐQT nhưng tôi không đồng ý. Chính vì tranh chấp này, hai bên đã đưa nhau ra trọng tài kinh tế ở Hong Kong để giải quyết.
- Tiến độ của vụ kiện ở Hong Kong đã được giải quyết đến đâu, thưa ông?
- Vụ việc vẫn đang được trọng tài kinh tế Hong Kong phân định và chưa có kết quả cuối cùng. Tuy nhiên, ngay trong khi đợi phán quyết cuối cùng, nhóm NĐT đã đơn phương lập Nghị quyết Hội đồng quản trị không hợp pháp, không có sự tham gia của 3 thành viên Hội đồng quản trị đại diện cho tôi, không có chữ ký của tôi với vai trò chủ tịch, không có con dấu của công ty.
Họ đã dùng chính văn bản này, mang về Việt Nam và nộp lên Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM để thay đổi người đại diện pháp nhân Huy Việt Nam mà tôi không hề hay biết. Tình cờ bộ phận pháp lý của tôi làm việc mới phát hiện ra tôi không còn là đại diện pháp nhân của công ty. Khi đó chúng tôi mới ngỡ ngàng và đến Sở Kế hoạch và Đầu tư hỏi về sự việc và công an để khai báo.
- Hiện tại đại diện pháp luật của Huy Việt Nam là ông Nguyễn Quỳnh Anh, ông biết gì về người này?
- Tôi chưa từng gặp mặt ông Nguyễn Quỳnh Anh. Lần duy nhất người này đến công ty là ngày 5/10, khi ông ta dẫn theo khoảng 20 người đến công ty. Đối với tôi, nhân vật này là một người được thuê để làm đại diện pháp luật.
- Ông có thể kể rõ hơn về vụ việc ngày 5/10 được không?
- Ngày 5/10, khi đang đi công việc riêng ở Vũng Tàu, tôi nhận được cuộc điện thoại báo cáo về việc người đại diện pháp luật mới của công ty cùng với hàng chục người bảo vệ người nước ngoài bất ngờ tìm đến trụ sở công ty, xâm chiếm trụ sở văn phòng và bếp trung tâm của công ty Huy Việt Nam, uy hiếp tinh thần toàn bộ nhân viên, đồng thời liên tục nhắn tin đe doạ một số nhân viên của công ty.
Trước vụ việc đó, tôi đã gọi công an phường Cô Giang đến để giải quyết. Tôi chưa từng gặp nhóm người này, không biết họ là ai và cũng không biết trong thời gian họ chiếm đoạt công ty, họ đã lấy đi những tài sản, giấy tờ gì. Rất nhiều nhân viên vì sự việc này đã không còn niềm tin vào công ty và nghỉ việc, dẫn đến sụp đổ hệ thống.
- Còn bà Ngô Thị Mỹ Hạnh có vai trò gì trong Huy Việt Nam?
- Bà Ngô Thị Mỹ Hạnh là đại diện pháp lý của Món Huế và là người đã đồng hành với tôi từ lâu, có nhiều đóng góp quan trọng cho công ty tại thị trường Hà Nội.
Thực sự, ngay từ trong quá trình đàm phán với các nhà đầu tư, họ đã ép tôi sa thải bà Hạnh. Tuy nhiên, ngay cả khi bà Hạnh đã bị sa thải thì pháp nhân của công ty vẫn đứng tên bà Hạnh.
"Điều đáng buồn nhất là khi mình làm tốt, họ đưa mình lên đỉnh, nhưng khi khó khăn xảy ra, mình trở thành vật thế thân của các quỹ", ông Huy Nhật nói. Ảnh: Quỳnh Trang.
- Khi vụ việc xảy ra, các nhà đầu tư ngoại cho rằng họ không nắm được tình hình tài chính, công nợ của công ty. Ông nói sao?
- Bất cứ một chuyện gì xảy ra, nó là cái sai của cả tập thể. Tôi là người đại diện, tôi là người sai, nhưng sự việc được thông qua bởi tất cả thành viên trong hội đồng quản trị. Chúng tôi đã làm việc với nhau trong suốt 6-7 qua, những cáo buộc mà họ đưa ra cho tôi, nếu đúng, thì nó đã xảy ra từ lâu chứ không thể chờ đến hôm nay.
Bên cạnh đó, tất cả vị trí chủ chốt như giám đốc tài chính, kiểm tra tài chính, thu mua… đều là người do nhóm nhà đầu tư đề cử. Tôi có trách nhiệm quản lý và phối hợp với họ cùng vận hành hệ thống, tuy nhiên, không thể nào hoàn toàn một tay che cả bầu trời.
Tôi là cổ đông lớn nhất trong Hội đồng cổ đông, là người chịu mất mát lớn nhất khi công ty dừng hoạt động, chưa kể đến vai trò là người sáng lập ra đứa con tinh thần này. Họ có các nhà đầu tư thứ cấp và cùng vận hành công ty với tư cách thành viên HĐQT.
Điều đáng buồn nhất là khi mình làm tốt, họ đưa mình lên đỉnh, nhưng khi khó khăn xảy ra, mình trở thành vật thế thân của các quỹ.
- Vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm với các nhà cung cấp và các nhân viên của Huy Việt Nam, là ông Huy Nhật hay nhóm các NĐT?
- Tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm với công ty của mình nhưng hiện nay tôi không còn điều hành, không còn là đại diện pháp lý thì tôi biết lấy tư cách gì để thanh toán cho người ta. Hiện tại bản thân tôi cũng rất muốn thanh toán công nợ cho những nhà cung cấp làm việc lâu năm với Món Huế và có những khoản nợ công xác thực.
Nhóm NĐT sẵn sàng muốn giành lấy công ty nhưng lại không sẵn sàng muốn giải quyết các vấn đề của nó. Công ty vẫn còn tài sản, tôi là cổ đông và tôi sẽ chịu trách nhiệm dựa trên số cổ phần của mình.
Điều khiến tôi đau lòng là vì tôi đang trong tình thế bị treo lơ lửng, không có quyền về mặt pháp lý để làm việc với các công ty và các đối tác làm ăn lâu nay của Huy Việt Nam.
- Ông có cho rằng mâu thuẫn của Món Huế với các nhà đầu tư cũng giống như trường hợp của The KAfe?
- Đây không phải là câu chuyện hoàn toàn giống. Quy mô khi đó của The KAfe nhỏ hơn Món Huế rất nhiều. Thời gian tôi dành cho Món Huế là toàn bộ tuổi trẻ, thế nhưng, tôi tin rằng Đào Chi Anh sẽ đồng cảm được tình thế của tôi. Với nhà sáng lập thì đây là một cú sốc rất khủng khiếp.
- Vậy ông có kỳ vọng gì về tình hình của Món Huế và Huy Việt Nam hiện tại trong sự mâu thuẫn với phía các NĐT?
- Phía các nhà đầu tư đang cố gắng hạ bệ uy tín của tôi ở Việt Nam để tốt hơn cho việc tranh chấp tại Hong Kong. Trong khi ở vị trí của tôi, tôi chỉ mong muốn có sự cân bằng.
Tôi sẵn sàng chấp nhận rút về vị trí cổ đông nếu có người khác phù hợp và có đủ khả năng thay thế. Ngay trong quá trình tranh chấp, tôi vẫn đi tìm một giám đốc điều hành mới để làm hài hòa mối quan hệ giữa founder và NĐT.
Tôi không thể nào cứ giữ vị thế đối đầu với họ bởi tranh chấp sẽ phá hỏng Món Huế, tranh chấp là mất tất cả.
Nếu giành lại được pháp nhân của mình, tôi sẵn sàng làm lại Món Huế và giải quyết các vấn đề của công ty. Ngay cả khi Món Huế không còn được yêu thích như trước nữa, chúng tôi cũng có thể đổi hướng sang các con đường khác phù hợp với xu thế hơn.
- Cảm ơn ông về những chia sẻ.