Shark Hưng lý giải vì sao Món Huế sụp đổ
Hệ thống Món Huế đã đóng cửa hầu hết chi nhánh trên toàn quốc, các chuỗi Cơm Thố Cháy, Phở Ông Hùng, TP Tea cũng ngừng hoạt động tại nhiều địa điểm.
Tính đến chiều 31/10, số tiền Công ty Huy Việt Nam đang nợ hơn 60 nhà cung cấp được thống kê lên đến hơn 40 tỷ đồng.
Nói trên báo Diễn đàn doanh nghiệp, ông Phạm Thanh Hưng (Shark Hưng), Phó chủ tịch tập đoàn Cen Group, khẳng định giá trị sản phẩm cốt lõi của Món Huế không còn được như ban đầu.
Ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch tập đoàn Cen Group. Ảnh: Shark Tank Việt Nam.
Món Huế không còn giữ được giá trị sản phẩm cốt lõi
“Giá trị của sản phẩm cốt lõi, trong đó có giá trị hữu hình là món và giá trị tinh thần là tinh thần, cốt cách của người Huế truyền đạt vào trong món ăn không còn giữ được. Một vấn đề nữa là bản thân các món ăn mang tính địa phương, dân tộc, cổ truyền thực sự rất khó nhân rộng ở quy mô chuỗi”, Shark Hưng nhìn nhận.
Trong câu chuyện của Món Huế, Shark Hưng chỉ ra khi nhân rộng chuỗi thì việc quản lý và điều hành bắt đầu có vấn đề. Cụ thể, bếp trung tâm có đảm bảo chất lượng thực phẩm không hay phong cách phục vụ của nhân viên có tốt hay không.
Theo Phó chủ tịch tập đoàn Cen Group, chính việc thay đổi cơ cấu chủ sở hữu có thể đã làm mất toàn bộ bản chất của hệ thống Món Huế.
Theo Shark Hưng, giá trị hữu hình và giá trị tinh thần của Món Huế không còn giữ được. Ảnh: Hữu Phúc/DealStreetAsia.
“Tức là hệ thống Món Huế sập, các cổ đông có thể mất tiền nhưng chủ Món Huế chưa chắc đã mất tiền vì ít nhất những người tôi biết, người sáng lập đầu tiên, họ bán lại hệ thống Món Huế với một giá rất tốt, mấy triệu USD”, Shark Hưng nói.
Tuy nhiên, khi Món Huế được bán lại với giá 70 triệu USD, Shark Hưng đặt câu hỏi những người mua lại sẽ làm gì với chuỗi cửa hàng này. Vị “cá mập” ngồi ghế cả 3 mùa Shark Tank Việt Nam cho rằng khi con người, linh hồn của một thương hiệu rút ra rồi thì những nhà đầu tư tài chính không còn gì nữa.
Với trường hợp của Món Huế, các nhà đầu tư đã tham lam, thích đầu tư chiếm tỷ lệ chi phối, thậm chí là chi phối tuyệt đối tới trên 75%.
“Tôi nghe nói hiện nay các nhà đầu tư tài chính thuần túy của Món Huế đang chiếm tới 90% cổ phần, còn 10% thì động lực của người vận hành không còn nữa. Các anh đầu tư tài chính đến mà quản lý, vận hành, chúng tôi chỉ làm được thế thôi, người sáng lập không còn quyền lợi gắn kết nữa. Tôi nghĩ đó là nguyên nhân sâu xa nhất", Shark Hưng nói.
Thoái vốn bằng cách bán lại cổ phần dẫn đến nhiều hệ lụy
Báo cáo gần đây của một quỹ đầu tư từ Singapore cho biết tại Việt Nam, trong các mô hình khởi nghiệp, cách để thoái vốn phổ biến nhất là bán lại cổ phần. Shark Hưng đánh giá đây là cách thoái vốn để lại nhiều hậu quả, đặc biệt với những hệ thống quá phụ thuộc vào con người.
Như câu chuyện của Phở 24, khi bán lại thương hiệu cho doanh nghiệp nước ngoài, người bán thành công nhưng người mua lại hỏng.
Hay một số mô hình kiểu dịch vụ, sau khi chuyển nhượng xong, người chủ mới chỉ thuần túy đầu tư tài chính, không nắm giữ được giá trị cốt lõi, mô hình kinh doanh cốt lõi, dần dần sẽ sụp đổ.
Đối với mô hình mang tính chất truyền thống, việc đầu tư phát triển chuỗi đã khó, vấn đề quản trị còn khó hơn rất nhiều khi tính chất nó phụ thuộc lớn vào con người. Theo Shark Hưng, Món Huế, Phở Hùng,... đều gặp phải vấn đề tương tự.
Thoái vốn bằng cách bán lại cổ phần để lại nhiều hậu quả, nhất là với những hệ thống quá phụ thuộc vào con người. Ảnh: Lê Quân.
“Món Huế là một hệ thống, chuỗi nhà hàng rất truyền thống, khả năng kiểm soát bằng công nghệ không cao mặc dù có thể dùng công nghệ để quản lý chuỗi cung cấp, thực đơn, tài chính, thanh toán… nhưng tất cả điều đó không tạo nên cái cốt lõi của vấn đề. Nó không tự vận hành”, Shark Hưng nói.
Món Huế gặp vấn đề ở hệ thống vận hành ngay sau khi thay đổi cơ cấu chủ sở hữu. Người quản trị đã không tỉnh táo nhận ra những dấu hiệu đầu tiên như việc doanh số sụt giảm, đặc biệt tỷ lệ khách quay trở lại rất thấp.
“Tôi nghĩ rằng sở hữu dàn hàng ngang, không ai chịu trách nhiệm cho nên dẫn đến điều này. Mới đây, tôi cũng có tuyên bố rằng tôi chỉ đầu tư vào những doanh nghiệp nào mà founder nắm tỷ lệ chi phối. Nếu có 3-4 founder dàn hàng ngang mỗi người 20% tôi không đầu tư”, Shark Hưng nêu quan điểm.
Phó chủ tịch tập đoàn Cen Group chia sẻ trong quản trị doanh nghiệp có khái niệm “Tam đối”: đối nhân, đối vốn, và đối tác. Đối nhân là quan trọng nhưng đối vốn quan trọng hơn bởi tất cả vấn đề liên quan đến quản trị là liên quan đến đối vốn. Ai vốn lớn là người có quyền quyết định, có quyền chi phối.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/