|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chuỗi nhà hàng Món Huế sụp đổ vì tăng trưởng quá nóng?

21:18 | 29/10/2019
Chia sẻ
Ngành thực phẩm và dịch vụ ăn uống đầy tiềm năng nhưng hết sức khắc nghiệt, bởi chỉ cần một chiến lược sai lầm sẽ dẫn đến đổ bể hệ thống kinh doanh.

Trước việc chuỗi nhà hàng Món Huế tại TPHCM đồng loạt đóng cửa khiến nhiều nhà cung cấp nguyên liệu, nhân viên lo lắng vì số tiền nợ mua nguyên liệu và tiền lương chưa được trả. Nhưng dư luận thắc mắc đây chỉ là sự cố tạm thời hay là sự thất bại trong kinh doanh dẫn đến sẽ sự biến mất của chuỗi nhà hàng này trên thương trường?

Cách đây 1 tuần, chuỗi nhà hàng Món Huế đồng loạt đống cửa, người đứng đầu chuỗi kinh doanh này “bặt vô âm tín” khiến những nhà cung cấp nguyên liệu bất an vì hiện tại hàng chục tỷ đồng tiền nguyên liệu có khả năng không thể thu hồi, còn người làm thuê cho nhà hàng thì đứng ngồi không yên, bởi gần 2 tháng tiền lương họ chưa được thanh toán.

Chuỗi nhà hàng Món Huế sụp đổ vì tăng trưởng quá nóng? - Ảnh 1.

Thời điểm hiện tại, toàn bộ hệ thống của chuỗi nhà hàng Món Huế tại TPHCM đồng loạt đóng cửa.

Anh N.H, một nhà cung cấp cá hồi cho chuỗi nhà hàng Món Huế ở TPHCM cho biết, trước thời điểm Món Huế đột ngột đóng cửa thì mọi giao dịch buôn bán giữa hai bên vẫn diễn ra bình thường, thậm chí còn tăng cao. 

Ngày 19/10 vừa qua, phía nhà hàng cũng chốt công nợ với đơn vị của anh với nội dung bắt đầu từ tháng 11 sẽ trả 140 triệu vào mùng 10 hàng tháng đến khi hết số tiền nợ hàng. 

Thế nhưng, đến ngày 21/10, thì anh N.H mới biết thông tin là chuỗi nhà hàng Món Huế tại TPHCM đóng cửa hàng loạt, tiếp đó là các chi nhánh khác ở Hà Nội.

Đơn vị cung cấp cá hồi cho Món Huế cũng cho hay, anh có nhận được thông tin từ phía đối tác là trong vòng từ 25 – 28/10 sẽ trả tiền cho anh, nhưng khi anh liên lạc lại để xác nhận thì không có phản hồi từ phía nhà hàng. 

Điều này khiến anh lo lắng, bởi không biết số tiền hơn 1,4 tỷ đồng có đòi được không nên đã nhờ pháp luật can thiệp.

“Họ hẹn mình 25 là chuyển tiền mà, nhưng mà mới 21 mình thấy trên mạng đăng là kéo băng zôn ở trụ sở, tìm tới thì thấy đóng cửa, chưa trả đã đóng cửa giờ biết tìm ai, nguồn tiền nó lớn quá mình sợ nó đóng cửa mình không biết tìm ở đâu mà lấy” - anh N.H nói.

Anh Nguyễn Mạnh Hà, ngụ tại phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TPHCM, cho biết, trong gia đình có hai người đang là nhân viên của chuỗi nhà hàng Món Huế. 

Với tình hình thực tế hiện nay thì anh lo rằng khả năng trả nợ lương của chuỗi nhà hàng này cho người lao động là rất thấp.

Chuỗi nhà hàng Món Huế sụp đổ vì tăng trưởng quá nóng? - Ảnh 2.

Nhiều nhà cung cấp tố chuỗi nhà hàng Món Huế thiếu tiền hàng của họ lên tới cả chục tỉ đồng.

Mô hình kinh doanh chuỗi thực phẩm là lĩnh vực đầy tiềm năng. Tuy nhiên, việc hàng loạt nhà hàng Món Huế đóng cửa khiến nhiều người lo ngại về một hiệu ứng không tốt. 

Phân tích về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Thị Hằng cho rằng, ngành thực phẩm và dịch vụ ăn uống đầy tiềm năng nhưng cũng hết sức khắc nghiệt, bởi chỉ cần một chiến lược sai lầm sẽ dẫn đến đổ bể hệ thống kinh doanh. 

Món Huế đã thể hiện đầy đủ của một thương hiệu đạt được sự thành công sớm nhưng cũng nhanh chóng lụi tàn.

Cụ thể là thời gian đầu, chiến lược kinh doanh này đã đạt được sự thành công nhất định. Sau khi vượt qua được giai đoạn khắc nghiệt của lĩnh vực nhà hàng, Món Huế nhanh chóng mở rộng quy mô chuỗi. 

Chỉ trong hai năm 2014 và 2015, chuỗi nhà hàng Món Huế đã gọi vốn thành công với tổng giá trị 30 triệu USD từ các nhà đầu tư Malaysia, Hong Kong, Hàn Quốc và Mỹ. Trước đó, chuỗi nhà hàng này cũng được nhiều quỹ đầu tư khác nhau “bơm” tổng số vốn lên đến con số 65 triệu USD (khoảng 1.500 tỉ đồng).

Chính vì vậy doanh nhân Huy Nhật - ông chủ của chuỗi nhà hàng Món Huế đã đặt mục tiêu sẽ phát hành cổ phiếu để nâng vốn lên đến 100 triệu USD.

 Nhờ có nguồn lực cực lớn trong tay, Món Huế nhanh chóng tăng độ phủ trên thị trường lên đến con số 100 cửa hàng, tọa lạc hầu hết ở các vị trí đắc địa, trung tâm thương mại của hai thành phố lớn là TPHCM và Hà Nội.

 Tuy nhiên, đến thời điểm này, những tham vọng của Món Huế có dấu hiệu sẽ hoàn toàn sụp đổ khi đồng loạt đóng cửa toàn bộ và vị doanh nhân này đang bị các nhà cung cấp tố nợ tiền hàng.

“Theo tôi sự thất bại của Món Huế là cho dù đã thành công trong thời gian đầu bằng việc mở rộng quy mô, nhưng mà tốc độ tăng trưởng quá nóng dẫn đến chính các nhà hàng này lại cạnh tranh nhau, đồng thời chi phí mặt bằng và để vận hành chuỗi nhà hàng này lại cao hơn thu nên dẫn đến sự thất bại là điều sớm muộn thôi” - TS. Nguyễn Thị Hằng nhận xét.

Còn chuyên gia kinh tế TS. Đinh Thế Hiển thì cho rằng, một trong những nguyên nhân gây nên khủng hoảng của Món Huế còn do thị hiếu khách hàng thay đổi rất nhanh, người kinh doanh phải tương tác nhanh với xu thế mới để thỏa mãn nhu cầu của khách, nghĩa là phải luôn tươi mới trong mắt khách hàng. 

Đáng tiếc là Món Huế không bắt kịp và thích nghi được với xu hướng tiêu dùng mới. Nói cách khác, sức hấp dẫn ẩm thực của Món Huế đã nhạt dần so với xu hướng mới nổi khác nên không thể cạnh tranh được.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân quan trọng nữa là món ăn tại chuỗi nhà hàng Món Huế không đạt so với các quán ăn nhỏ lẻ do chính người Huế làm ở TPHCM, vì chất lượng sản phẩm luôn mang yếu tố quyết định. 

Bởi vậy, chỉ chú trọng phát triển bề rộng nhưng không chú trọng vào chiều sâu thì tan vỡ là điều hiển nhiên.

TS. Đinh Thế Hiển phân tích: “Hư trương thanh thế, tạo bề rộng để huy động vốn, để có được nhiều tiền để làm mục đích khác, là cái hướng rất dễ lý giải cho cái chuyện là tại sao một cái chuỗi Món Huế rất là to lớn đã có bề dày vài năm nay, có nguồn vốn lớn mà tự nhiên âm thầm sụp đổ, đó là cái chuyện lý giải cho chuyện đó.”

Để tránh rơi vào khủng hoảng, thậm chí nguy cơ sụp đổ như chuỗi Nhà hàng Món Huế, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong xây dựng chuỗi kinh doanh ngoài đồng bộ về sản phẩm thì cần phải đồng bộ trong vận hành quản lý, nhân viên phục vụ…

Đồng thời, việc sử dụng tài chính cũng phải được tính toán rất khéo léo. Trong trường hợp không có nguồn tài chính dồi dào, thì chỉ nên tập trung phát triển thương hiệu và hoàn thiện quản lý chuỗi cung ứng. Việc mở rộng điểm bán thì nên dùng cách chia sẻ thương hiệu nhượng quyền như cách mà nhiều thương hiệu khác đang làm thành công.

Hoàng Dương