|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ông chủ 'tay trắng lập nghiệp' của Evergrande đỏ mắt tìm lối thoát khi bị Bắc Kinh bỏ mặc

16:04 | 11/10/2021
Chia sẻ
Khả năng chính phủ Trung Quốc sẽ giải cứu Evergrande là rất mong manh. Chủ tịch Hui Ka Yan đang phải bán bớt tài sản của công ty để lấy tiền trả cho hàng triệu chủ nợ lớn nhỏ.
Nhà sáng lập táo bạo của Evergrande săn lùng lối thoát khi bị Bắc Kinh bỏ mặc - Ảnh 1.

Ông Hui Ka Yan, Chủ tịch Evergrande. (Ảnh: Bloomberg).

4 năm sau khi tranh giành ngôi vị người giàu nhất châu Á với Jack Ma, gia sản của ông Hui Ka Yan, Chủ tịch Evergrande đang trên đà lao dốc và đế chế bất động sản khổng lồ bên bờ vực sụp đổ.

Trong những lần gặp rắc rối trước kia, ông Hui dựa vào sự giúp đỡ của những người bạn tài phiệt và hỗ trợ của chính quyền địa phương. Lần này, có vẻ như ông chỉ còn lại một mình.

Ông Desmond Shum, tác giả cuốn sách "Red Roulette" kể về quá trình giao du với giới tinh hoa chính trị của Trung Quốc, nhận xét: "Không ai thu được lợi ích trong việc giải cứu ông Hui. Trong tình thế hiện nay, tôi không nghĩ bất kỳ mối quan hệ chính trị nào sẽ dang tay ra cứu ông ấy".

Điều gì sẽ xảy ra với ông Hui là câu hỏi vẫn chờ được trả lời. Lãnh đạo của những công ty thất bại khác đã phải chịu số phận thê thảm, từ bị bắt giữ cho đến tử hình.

Những người bạn lâu năm của ông Hui cũng đang mất kiên nhẫn. Chinese Estates Holdings, công ty của trùm bất động sản Joseph Lau, cho biết có thể thoái sạch vốn khỏi Evergrande.


Nhà sáng lập táo bạo của Evergrande săn lùng lối thoát khi bị Bắc Kinh bỏ mặc - Ảnh 2.

Việc thiếu sự hỗ trợ công khai từ Bắc Kinh và tài sản hao hụt – giảm 15 tỷ USD chỉ trong năm nay – đang buộc ông Hui đẩy mạnh nỗ lực cứu đế chế của mình, ví dụ như bán bớt tài sản đáng giá của Evergrande. Đơn cử, có tin rằng ông Hui đang bán phần lớn cổ phần trong đơn vị dịch vụ bất động sản cho gia tộc tỷ phú họ Chu.

"Tất cả là nhờ vào nhà nước và xã hội" 

Ông Hui thành lập Evergrande vào năm 1996 tại thành phố Quảng Châu. Trong những năm tiếp theo, ông biến Evergrande thành một trong những công ty bất động sản lớn nhất đất nước. Không chỉ dừng lại ở nhà đất, ông Hui còn vươn tới sở hữu các câu lạc bộ bóng đá, bóng chuyền, công ty sản xuất nước đóng chai, giải trí trực tuyến, ngân hàng và bảo hiểm.

Ông Hui đảm bảo rằng các doanh nghiệp trong đế chế Evergrande phù hợp với ưu tiên của giới lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt là Chủ tịch Tập Cận Bình - từ việc đưa đất nước trở thành người dẫn đầu công nghệ toàn cầu cho đến chiến thắng tại World Cup.

Ông Hui là thành viên của Ủy ban Hiệp thương Chính trị Trung Quốc, tư vấn cho chính phủ về chính sách. Năm 2018, ông được đưa vào danh sách 100 doanh nhân xuất sắc toàn quốc.

Ông Hui nhấn mạnh hàng triệu việc làm mà công ty tạo ra và hàng tỷ nhân dân tệ nộp thuế. Ông nổi danh là nhà từ thiện hào phóng, đứng đầu danh sách của Forbes về những người quyên góp nhiều nhất tại Trung Quốc.

Ông Hui phát biểu trong cùng năm 2018: "Mọi thành công của Evergrande đều là nhờ đảng, nhà nước và xã hội. Do đó chúng ta nên gánh vác trách nhiệm xã hội". 

Thời đại mới

Ngay cả khi Evergrande trên đỉnh thành công, nhiều người vẫn tỏ ra lo ngại về khối nợ khổng lồ của tập đoàn này. Năm 2018, ngân hàng trung ương Trung Quốc chỉ đích danh Evergrande là một trong 4 công ty có nguy cơ gây ra rủi ro hệ thống cho hệ thống tài chính, Bloomberg cho biết. Thời đại mở rộng vũ bão thông qua nợ vay của doanh nghiệp Trung Quốc đang đến hồi kết.

Giống như nhiều lần trong quá khứ, ông Hui tìm đến bạn hữu và các mối quan hệ doanh nghiệp để huy động tiền. Các công ty của ông Hui đã nhận được khoảng 3,6 tỷ USD đầu tư kể từ năm 2018 từ các đế chế bất động sản do ba ông trùm Trung Quốc khác điều hành.

Nhưng giới chức trách tiếp tục siết chặt tín dụng trong thị trường bất động sản với việc trấn áp các ngân hàng ngầm (shadow banking) và đặt ra "ba lằn ranh đỏ" để hạn chế đòn bẩy.

Những biện pháp này đã góp phần kích hoạt khủng hoảng thanh khoản của ông Hui vào năm 2020. Một lá thư mà Evergrande gửi chính quyền tỉnh Quảng Đông cảnh báo rằng công ty phải đối mặt với một vụ vỡ nợ tiềm ẩn có thể gây xáo trộn hệ thống tài chính. Evergrande khẳng định bức thư này là giả mạo.

Ngay sau đó, một thỏa thuận để tạm hoãn hầu hết các khoản trả nợ đã được đưa ra, với sự hậu thuẫn của các quan chức địa phương. Ông Hui tránh được vực thẳm – nhưng chỉ trong chốc lát.

Tranh cãi với nhà cung cấp về các hóa đơn chưa thanh toán bắt đầu gây xôn xao dư luận. Một số người tìm cách đóng băng tài sản của Evergrande, số khác tạm dừng các dự án.

Hỗ trợ của chính quyền địa phương giảm dần – ít nhất là các khoản công khai - khi ông Tập thắt chặt kiểm soát ngành bất động sản và khởi động chiến dịch "thịnh vượng chung". Trong những buổi nói chuyện kín đáo, các quan chức thúc giục ông Hui giải quyết các vấn đề nợ của công ty càng nhanh càng tốt.

Bất chấp quy mô của Evergrande, có rất ít dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ giúp đỡ công ty.

Tháng trước ông Hồ Tích Tiến, tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu viết trên Weibo rằng những bom nợ như Evergrande không thể "quá lớn để sụp đổ" một khi chúng phát nổ. "Doanh nghiệp phải có năng lực tự cứu lấy mình thông qua thị trường", ông viết.

Nhà sáng lập táo bạo của Evergrande săn lùng lối thoát khi bị Bắc Kinh bỏ mặc - Ảnh 3.

Ông Donald Low, Giám đốc Viện nghiên cứu thị trường mới nổi tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong cho biết một cuộc giải cứu doanh nghiệp khổng lồ sẽ phát đi thông điệp sai lầm khi mà ông Tập đang cố chấn chỉnh giới tài phiệt và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.

Ông Low giải thích: "Giải cứu Evergrande sẽ tạo ra rủi ro đạo đức, tăng khả năng tạo ra nhiều bom nợ như Evergrande. Quan trọng nhất, hành động này sẽ làm tổn hại nỗ lực của Chủ tịch Tập nhằm thúc đẩy thịnh vượng chung do giải cứu sẽ được nhìn nhận là gói bơm tiền khổng lồ cho kẻ giàu".

Thay vào đó, ông Hui đã đẩy mạnh rao bán tài sản để có tiền mặt hoàn trả cho chủ nợ - từ nhà đầu tư nhỏ lẻ mua sản phẩm cam kết lợi suất cao của công ty cho đến 1,6 triệu người mua nhà đã đặt cọc và các trái chủ. Evergrande là nhà phát hành "trái phiếu rác" lớn nhất châu Á.

Tháng trước, Evergrande đồng ý bán bớt cổ phần trong một ngân hàng Trung Quốc cho chính quyền địa phương. S&P Global Ratings gọi đây là bước đầu tiên hướng đến giải quyết khủng hoảng thanh khoản của công ty. Evergrande cũng đã đàm phán bán 51% cổ phần của công ty dịch vụ bất động sản cho Hopson Development Holdings.

Ông Kenny Ng, chuyên gia tại Sun Hung Kai nhận xét: "Nếu Evergrande bán được công ty con này thì sẽ có tiền thanh toán các khoản nợ ngắn hạn, nhưng khả năng tăng trưởng trong tương lai sẽ bị hạn chế".

Áp lực chồng lên Evergrande đang ngày càng nặng nề. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy Evergrande đã trả lãi cho hai lô trái phiếu USD tới hạn gần đây, bất chấp cơ quan tài chính khuyến khích công ty tránh vỡ nợ đối với trái phiếu USD. Evergrande đã lỡ hạn thanh toán lãi cho ít nhất hai ngân hàng lớn. Cổ phiếu Evergrande– hiện đang tạm ngừng giao dịch – đã cắm đầu giảm 80% trong năm nay, trong khi đó giá trái phiếu USD rơi xuống mức kỷ lục.

Chỉ thời gian mới có thể trả lời liệu Chủ tịch Hui có thể tìm ra cách thoát khỏi thử thách hiện tại hay không.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Giang

Nhóm cổ phiếu nào được dự báo hưởng lợi từ kết quả bầu cử tổng thống Mỹ?
Dựa trên những điểm nhấn về chính sách, Agriseco cho rằng có nhiều điểm đối lập trong cách điều hành nền kinh tế của hai ứng cử viên tổng thống. Nhóm phân tích nêu sự tác động của cuộc bầu cử đến một số nhóm ngành trên thị trường chứng khoán Việt Nam.