|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ông Biden đã phải đánh đổi những gì để đạt được thỏa thuận trần nợ với Đảng Cộng hoà?

15:04 | 29/05/2023
Chia sẻ
Những thỏa hiệp mà Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy và Tổng thống Joe Biden phải chấp nhận trong thỏa thuận sơ bộ về việc đình chỉ trần nợ có thể vấp phải sự phản đối từ một số đảng viên ở cả phe Cộng hòa lẫn Dân chủ.

Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy bắt tay hôm 7/2/2023. (Ảnh: Reuters).

Theo Financial Times, Tổng thống Joe Biden đã cố gắng đạt được thỏa thuận tốt nhất khi đàm phán với Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy vào cuối ngày 27/5 nhằm ngăn chặn khả năng Mỹ vỡ nợ.

“Thỏa thuận là một sự thỏa hiệp, nghĩa là không phải ai cũng đạt được điều mình mong muốn”, Tổng thống Mỹ nói. “Đó là trách nhiệm của những người quản lý”.

Thỏa thuận sẽ củng cố danh tiếng về khả năng đàm phán của ông Biden, nhưng Tổng thống Mỹ cũng sẽ phải trả giá. Trong nhiều tháng qua, ông Biden đã yêu cầu Quốc hội nâng trần nợ mà không có ràng buộc nào. Tuy nhiên, cuối cùng, ông vẫn bị kéo vào cuộc đàm phán ngân sách tại Washington và phải rút ngắn chuyến công du tại châu Á.

Nhiều đảng viên Đảng Dân chủ, đặc biệt những người thiên tả, ngày càng không hài lòng về những điều khoản trong thỏa thuận và lo lắng rằng Tổng thống Biden đã nhượng bộ quá nhiều.

“Tôi nghĩ Nhà Trắng đang cố gắng làm tốt công việc, và chắc chắn Tổng thống Biden có ý tốt”, ông Sheldon Whitehouse, Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ, cho biết.

“Câu hỏi đặt ra là, khi bạn đàm phán với một kẻ không còn gì để mất, tình hình có thể trở nên rất bấp bênh”, ông nói thêm. 

Ông Biden có thể đã đạt được một số chiến thắng trong chính sách và chịu một số thất bại. Đảng Cộng hòa đã đề xuất nâng trần nợ trong một năm, với các hạn chế chi tiêu được áp dụng trong một thập kỷ.

Qua đàm phán, ông Biden đã đảm bảo việc đình chỉ trần nợ cho tới sau cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo (thêm một năm so với đề xuất của phe Cộng hòa). Chi tiêu phi quốc phòng gần như sẽ không đổi trong năm tài chính 2024 và sau đó tăng 1% trong những năm tiếp đó. Ngân sách quốc phòng của Nhà Trắng vẫn không đổi.

Khi những chi tiết về thỏa thuận được tiết lộ, nhà kinh tế trưởng tại Moody's Analytics Mark Zandi cho biết kế hoạch này sẽ giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế.

“Chúng tôi ước tính [thỏa thuận] sẽ làm giảm hơn 120.000 việc làm khi tác động đạt đỉnh vào cuối năm 2024”, ông Zandi nói. “Đây không phải là thời điểm tốt nhất để thắt lưng buộc bụng bởi nền kinh tế còn yếu và rủi ro suy thoái cao, nhưng vẫn có thể kiểm soát được”.

Trong năm tài chính 2023 (từ tháng 10/2022 tới nay), chính phủ Mỹ đã thu được 2.687 tỷ USD, trong khi chi 3.611 tỷ USD và chịu mức thâm hụt là 925 tỷ USD. Doanh thu thuế thấp đi và chi tiêu tăng đã khiến thâm hụt so với cùng kỳ nhảy vọt.

Sự phản đối ở cả hai đảng

Ông Biden cũng cần phải tin tưởng rằng ông McCarthy sẽ đạt được sự ủng hộ cần thiết để thông qua dự luật trong một cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện, có thể diễn ra vào ngày 31/5.

Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa khác và những người thuộc phe trung dung trong Hạ viện nhiều khả năng sẽ chấp thuận dự luật đình chỉ trần nợ. Nhưng mối đe dọa lớn nhất sẽ đến từ các nghị sĩ bảo thủ, những người tin rằng ông McCarthy đã nhượng bộ quá mức.

“Tôi không thích ‘thỏa thuận’”, ông Chip Roy, Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa, viết trên Twitter. Ông Ken Buck, một hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa khác, cảm thấy “kinh khủng trước việc [Chủ tịch Hạ viện] đầu hàng vì trần nợ”.

“Điểm mấu chốt là Mỹ sẽ gánh khoản nợ 35.000 tỷ USD vào tháng 1/2025. Điều này là hoàn toàn không thể chấp nhận được”, ông Buck viết trên Twitter.

Chủ tịch McCarthy gần như chắc chắn sẽ cần sự giúp sức của Đảng Dân chủ để thông qua thoả thuận trần nợ tại Hạ viện, nơi Đảng Cộng hòa chiếm ưu thế không quá lớn. Vì vậy, Tổng thống Biden sẽ đóng một vai trò quan trọng trong những ngày tới.

Mặt khác, phe cánh tả trong Đảng Dân chủ đã không hài lòng với những sự thỏa hiệp của ông Biden về chính sách nhập cư và năng lượng.

Ngoài giới hạn về chi tiêu, các đảng viên Dân chủ đã phản đối việc bổ sung các hạn chế mới về điều kiện tham gia một số chương trình an sinh xã hội, chủ yếu là viện trợ lương thực. Phe cấp tiến trong Đảng Dân chủ vẫn coi thỏa thuận là một sự nhượng bộ có hại.

 

Ông Biden cũng không có lựa chọn thay thế cho thỏa thuận này. Nếu đề xuất bị Quốc hội bác bỏ, thị trường tài chính có thể sẽ rơi vào hỗn loạn, đe dọa thị trường lao động và giáng một đòn nặng vào vai trò lãnh đạo nền kinh tế toàn cầu của Mỹ.

Ông Jay Campbell, một nhà thăm dò ý kiến ​​tại Hart Research, cho biết: “Nếu có một cuộc suy thoái kinh tế do hậu quả của việc [thỏa thuận trần nợ không được thông qua], thì Tổng thống và Đảng Cộng hòa sẽ bị chỉ trích nặng nề”.

Tổng thống Biden đã bị Đảng Dân chủ thúc ép bỏ qua trần nợ, và tiếp tục vay tiền bằng cách viện dẫn Tu chính án thứ 14 trong Hiến pháp Mỹ. Tuy nhiên, Washington đã nhấn mạnh rằng một giải pháp đơn phương sẽ không khả thi và kèm nhiều rủi ro về mặt pháp lý.

 Bất chấp những tuyên bố trên, một số người cho rằng ông Biden nên mạnh tay hơn với phe Cộng hòa để buộc Chủ tịch Hạ viện McCarthy lùi bước.

Minh Quang