|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nông dân trồng đậu nành Argentina đặt cược tương lai vào kết quả chiến tranh thương mại

10:53 | 01/06/2019
Chia sẻ
Đối mặt với sự sụt giảm giá do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nông dân trồng đậu nành Argentina có rất ít lựa chọn trong năm nay ngoài chịu thua lỗ hoặc dự trữ hàng để chờ đợi một thỏa thuận thương mại.
Nông dân trồng đậu nành Argentina đặt cược tương lai vào kết quả chiến tranh thương mại - Ảnh 1.

Nông dân trồng đậu nành Argentina đặt cược tương lai vào kết quả chiến tranh thương mại. (Ảnh: Getty Images)

Thu hoạch bội thu, giá đậu nành tại Argentina vẫn sụt giảm

Trung tâm giao dịch ngũ cốc Rosario tại Argentina ước tính, mặc dù thu hoạch bội thu, giá đậu nành giảm xuống mức thấp nhất trong một thập kỉ vào đầu tháng 5 này sẽ "thổi bay" 1,4 tỉ USD từ lợi nhuận dự kiến cho ngành đậu nành của đất nước Nam Mỹ trong mùa này.

Argentina, một trong những nhà xuất khẩu đậu nành hàng đầu thế giới, đang ở giữa mùa thu hoạch đậu nành. Xuất khẩu đậu nành đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Argentina thoát khỏi suy thoái kinh tế sâu sắc và hỗ trợ Tổng thống Mauricio Macri trước thềm tổng tuyển cử vào tháng 10 tới, theo CNBC.

Theo ghi nhận trên sàn giao dịch ngũ cốc Buenos Aires, giá bán đậu nành tại trung tâm ngũ cốc Rosario hiện ở mức 230 USD/tấn, giảm từ con số 280 USD đạt được vào giữa năm ngoái khi nông dân đang bắt đầu lên kế hoạch gieo trồng mùa vụ mới. Giá đã phục hồi từ mức thấp nhất trong thập kỉ hồi đầu tháng này là 210 USD.

Nông dân Argentina hối tiếc vì đã không bán nhiều đậu nành hơn 

"Tác động của việc giảm giá là rất lớn", ông Lucas Elizalde, nông dân ở tỉnh Salta (phía bắc Argentina) nói với Reuters. Đồng thời, ông bổ sung thêm biên lợi nhuận thấp hơn đã ảnh hưởng nhiều đến lợi ích của nông dân.

Ông Elizalde là một trong những người may mắn hơn. Ông đã bán được 60% lượng đậu nành thu hoạch cho thị trường hợp đồng tương lai ở mức giá 300 USD/tấn trước khi đậu nành rớt giá.

"Chúng tôi đã bán đậu nành với mức giá trung bình, nhưng hôm nay tôi tự hỏi tại sao lại không bán thêm vào lúc đó?"

Các nông dân khác đang trữ đậu nành. Theo dữ liệu chính thức tính đến ngày 22/5, 60% trong số này chưa được bán hết, so với mức 47% vào cùng kì năm ngoái.

Ông Juan Minvielle, nhà sản xuất từ tỉnh Buenos Aires (phía bắc Argentina), nhận thấy vụ đặt cược vào chiến tranh thương mại của mình trước đây gây ra phản ứng ngược, bất chấp thời tiết tốt và sản lượng đậu nành khá. Ông đang tích trữ đậu nành và chờ đợi giá tăng trở lại. 

 "Tôi sống nhờ vụ thu hoạch ngô trước đó, nhưng chẳng còn nhiều nữa", ông Minvielle nói.

"Vì vậy, bây giờ tôi phải bắt đầu bán một số đậu nành trong khi cố gắng chờ đợi giá phục hồi".

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến nguồn cung đậu nành dư thừa

Giá đậu nành bị ảnh hưởng bởi tình trạng thừa nguồn cung tại Mỹ do cuộc chiến tranh thương mại giữa với Trung Quốc, với việc Bắc Kinh áp thuế quan lên đậu nành từ Mỹ.

Việc Trung Quốc tiêu hủy đàn heo do dịch tả heo châu Phi cũng khiến giá đậu nành sụt giảm. 

 "Nhu cầu đậu nành của Trung Quốc, quốc gia thu mua đậu nành lớn trên thế giới, đã giảm sốc, từ đó gây ra hiện tượng dư nguồn cung trên thị trường", ông Agustin Tejeda, nhà phân tích kinh tế trưởng tại sàn giao dịch ngũ cốc Buenos Aires, cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

Argentina, nền kinh tế lớn hai Nam Mỹ, chế biến phần lớn lượng đậu nành trong nước, ngày càng trở nên phụ thuộc vào xuất khẩu đậu nành thô do các nhà máy nghiền đậu nành đối thủ tại Mỹ đã chiếm thị phần đậu nành qua chế biến.

Công suất của các nhà máy nghiền tại Argentina đã giảm mạnh do chiến tranh thương mại đẩy bã đậu nành Mỹ sang các thị trường thu mua truyền thống như Việt Nam và Indonesia, trong khi cơ quan thuế ở quốc gia Nam Mỹ lại tăng thuế đối với đậu nành đã qua chế biến xuất khẩu.

Argentina vẫn chuẩn bị cho một vụ thu hoạch lớn về khối lượng sau khi đợt hạn hán vào năm ngoái đã cản trở vụ mùa. Trung tâm ngũ cốc Rosario ước tính vụ thu hoạch đậu nành này sẽ đạt 57 triệu tấn, lớn thứ ba trong lịch sử Argentina.

Tuy nhiên, doanh thu từ các sản phẩm đậu nành tăng là điều không thể xảy ra do rớt giá.

Ông Arnaldo Rearte, một nông dân ở tỉnh Chaco (phía đông bắc Argentina), hi vọng tranh chấp giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ không khiến giá sụt giảm vào mùa vụ mới.

Trần Nam Thi