Nông dân Mỹ chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất từ cuộc chiến thương mại
Trang trại đậu nành của ông Aaron Lehman, một nông dân ở trung tâm bang Iowa, có vẻ như vẫn là một ốc đảo yên bình giữa những biến động trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump. Nhưng tất cả có thể thay đổi chỉ trong vài tuần tới, theo Financial Times.
Lehman đang chuẩn bị đối mặt với tác động của một cuộc chiến thương mại tiềm tàng được khởi xướng từ Washington, mà theo ông có thể giáng một đòn mạnh vào vùng Trung Tây nước Mỹ và làm tổn hại nghiêm trọng đến vị thế của Mỹ đối với các nước láng giềng. “Nông dân hiểu rằng mối quan hệ thương mại được xây dựng từng bước một, nhưng có thể sụp đổ trong chớp mắt,” Lehman nói: “Hậu quả lâu dài là các nước trên thế giới sẽ không còn xem chúng ta là một đối tác đáng tin cậy.”
Chính sách thương mại của Mỹ đã trải qua một tuần đầy biến động. Cuối tuần trước, ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico và Canada, với lý do hai nước này chưa làm đủ để ngăn chặn dòng người nhập cư và tình trạng buôn lậu fentanyl vào Mỹ. Nhưng sau các cuộc đàm phán vào phút chót với lãnh đạo hai nước, ông đã đồng ý cho họ thời hạn hoãn 30 ngày.
Tuy nhiên, điều tương tự không áp dụng với Trung Quốc. Mức thuế 10% mà ông Trump đã áp lên tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn giữ nguyên, và nhiều người ở bang Iowa tin rằng việc tái áp thuế lên Mexico và Canada chỉ là vấn đề thời gian.
Việc mở đầu một cuộc chiến thương mại mới đã tạo ra bầu không khí lo lắng tại vùng Trung Tây nước Mỹ. Canada, Mexico và Trung Quốc cùng chiếm tới một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Mỹ. Theo số liệu từ Hiệp hội Nông trại Mỹ, năm ngoái Mỹ đã xuất khẩu hơn 30 tỷ USD nông sản sang Mexico, 29 tỷ USD sang Canada và 26 tỷ USD sang Trung Quốc. Giờ đây, nông dân đang phải đối mặt với nguy cơ bị áp thuế trả đũa và viễn cảnh một cuộc xung đột thương mại toàn diện có thể tàn phá vùng nông thôn Mỹ.
Những người nông dân ở khu vực từng là thành trì ủng hộ ông Trump nay lo ngại rằng chính sách thuế quan của ông. Dù quyết định thuế bị hoãn vào phút chót, điều này đã làm tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh của Mỹ trong mắt các đối tác thương mại quan trọng nhất. “Chúng ta đã từ một nhà cung cấp được ưa chuộng trở thành lựa chọn cuối cùng,” ông Mark Mueller, một nông dân ở phía đông bắc Iowa, nói.
Iowa là một biểu tượng cho sự thịnh vượng nông nghiệp của vùng Trung Tây nước Mỹ. Với những cánh đồng ngô trải dài ngút tầm mắt, Iowa là nơi sản xuất nhiều ngô, thịt heo, trứng và ethanol nhất nước Mỹ, đồng thời là một trong ba bang trồng đậu nành lớn nhất. Hơn một phần năm nền kinh tế bang này – khoảng 53,1 tỷ USD – phụ thuộc vào nông nghiệp, từ trồng trọt, chăn nuôi đến chế biến thực phẩm và sản xuất. Điều đó khiến Iowa đặc biệt nhạy cảm với bất kỳ biến động nào trong xuất khẩu nông sản.
“Thương mại tự do là nền tảng của nền kinh tế Trung Tây,” ông Ernie Goss, nhà kinh tế học tại Đại học Creighton ở Omaha, Nebraska, nhận định. “Nơi đây sở hữu một trong những nền nông nghiệp có năng suất cao nhất trên thế giới, nhưng thị trường nội địa không đủ lớn để tiêu thụ hết số hàng hóa sản xuất tại đây. Chúng ta bắt buộc phải có thị trường quốc tế.”
Những động thái thuế quan gần đây đã gợi lại ký ức đau thương về cuộc chiến thương mại mà ông Trump phát động trong nhiệm kỳ đầu tiên. Khi đó, ông đã áp thuế lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, và Bắc Kinh trả đũa vào năm 2018. Theo đó, mức thuế 25% được áp lên các mặt hàng đậu nành, thịt bò, thịt lợn, lúa mì, ngô và cao lương của Mỹ. Cuộc đối đầu này kết thúc bằng một thỏa thuận thương mại năm 2020, theo đó Trung Quốc cam kết tăng mua hàng hóa Mỹ. Nhưng kể từ đó, Bắc Kinh ngày càng chuyển sang nhập khẩu ngũ cốc từ Argentina và Brazil, đến mức Brazil đã vượt Mỹ để trở thành nhà cung cấp ngô lớn nhất cho Trung Quốc vào năm 2023.
“Trong cuộc chiến thương mại trước đây, nhiều khách hàng châu Á đã bắt đầu xây dựng mối quan hệ với các nhà sản xuất đậu nành ở Nam Mỹ, và họ ngày càng chiếm lĩnh thị trường của chúng ta,” ông Lehman, đồng thời là Chủ tịch Liên minh Nông dân Iowa, cho biết. “Chúng ta vẫn chưa giành lại được thị phần đã mất đó.”
Không phải tất cả nông dân Iowa đều phản đối cách Trump sử dụng thuế quan để đạt được mục tiêu chính sách quan trọng – kiểm soát nhập cư.
“Đó là một chiến lược mà ông ấy cần sử dụng để đưa các nước này vào bàn đàm phán,” ông Steve Kuiper, một nông dân tại Des Moines, cho biết. “Xét cho cùng, một tổng thống chỉ có bốn năm để thực hiện những gì đã hứa, vì vậy ông ấy phải hành động ngay lập tức để tạo đà.”
Dù vậy, Kuiper tỏ ra hoài nghi về việc liệu Mexico và Canada có thể thực hiện các cam kết mà họ đã đưa ra với Trump về việc tăng cường an ninh biên giới trong thời gian ngắn như vậy hay không. “Những việc này cần rất nhiều thời gian, mà họ chỉ có 30 ngày,” ông nói.
Viễn cảnh về một vòng căng thẳng thương mại mới xuất hiện vào thời điểm nông dân Mỹ đã ở trong tình thế khó khăn. Giá nông sản giảm trong khi chi phí đầu vào tăng cao. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, thu nhập ròng của ngành nông nghiệp đã giảm từ 181,9 tỷ USD vào năm 2022 xuống còn 140,7 tỷ USD vào năm 2024, tức giảm 23%.
“Đây không phải là thời điểm thích hợp để xảy ra một cuộc chiến thương mại,” Rick Juchems, một nông dân gần thị trấn Plainfield, đông bắc Iowa, nói. “Giá hàng hóa đang thấp, trong khi chi phí đầu vào như hạt giống và phân bón lại tăng cao.” Hiệp hội Những người trồng ngô Iowa cho biết nhiều nông dân đang phải chịu lỗ tới 100 USD mỗi mẫu đất.
Đầu tư vào thiết bị nông nghiệp cũng suy giảm, phản ánh sự suy thoái chung của ngành. Juchems cho biết nhiều người quen của ông đã mất việc trong ngành kinh doanh máy móc nông nghiệp do nhu cầu giảm. “Các bãi chứa máy kéo đang đầy ắp hàng tồn kho.” Những nhà sản xuất thiết bị nông nghiệp như Deere, Kinze Manufacturing và Bridgestone/Firestone đã cắt giảm hàng trăm việc làm ở Iowa trong năm qua.
Tình hình tài chính của nông dân có thể còn xấu đi nếu Trump thực hiện lời đe dọa áp thuế nhập khẩu. Chẳng hạn, giá phân bón có thể tăng vọt, vì hơn 80% nguồn cung kali – một thành phần quan trọng – của Mỹ đến từ Canada.
Tuy nhiên, có lẽ tác động nghiêm trọng nhất của cuộc tranh chấp thuế quan lần này là sự bất ổn mà nó gây ra, ngay trước mùa gieo trồng quan trọng vào mùa xuân.
“Chúng tôi có thể xoay xở miễn là biết điều gì sắp xảy ra,” Juchems nói. “Nhưng mọi thứ thay đổi liên tục”.
Lehman cho biết nông dân Iowa vẫn cố gắng giữ hy vọng. “Họ nói với tôi rằng họ mong rằng lý trí sẽ thắng thế và tranh chấp này sẽ dẫn đến các thỏa thuận thương mại tốt,” ông nói. “Nhưng họ cũng đang chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất.”