|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bloomberg: Nông dân Việt Nam ồ ạt chuyển sang nuôi bò, đà điểu... trước 'bão' dịch tả heo châu Phi

11:56 | 30/05/2019
Chia sẻ
Để đảm bảo kế sinh nhai cho người dân và nguồn cung thịt trong nước, Chính phủ Việt Nam đã kêu gọi người dân đa dạng nguồn cung thịt sang gà, vịt và bò.
Bloomberg: Nông dân Việt Nam ồ ạt chuyển sang nuôi bò, đà điểu... trước bão dịch tả heo châu Phi - Ảnh 1.

Một đàn đà điểu tại trang trại Trung Kiên ở tỉnh Hải Dương. (Ảnh: Bloomberg)

Theo Bloomberg, dịch tả heo châu Phi không cần mất nhiều thời gian để càn quét vào Việt Nam.

Lượng heo bị tiêu hủy do dịch ASF của Việt Nam đã vượt Trung Quốc

Chỉ ba tháng sau khi Việt Nam lần đầu ghi nhận dịch tả heo châu Phi (dịch ASF) bùng phát, ông Trần Văn Chiến, người có 20 năm chăn nuôi heo, đã phải từ bỏ loại thịt mà người dân Việt Nam yêu thích.

Thay vào đó, ông đang đặt cược tương lai vào gà, bò và thậm chí là đà điểu - loại chim  khổng lồ không biết bay và ngày càng trở thành nguồn thịt phổ biến ở Việt Nam.

"Tôi đã chịu đủ tổn thất và đau khổ từ chăn nuôi heo", ông Chiến, 65 tuổi và là chủ của một trang trại ở ngoại ô Hà Nội, cho hay. "Không nuôi heo nữa!"

Ông Chiến không hề đơn độc. Trên thực tế, Việt Nam đang khuyến khích một số lượng lớn nông dân nuôi heo mở rộng sản xuất sang các vật nuôi khác. Với mức tiêu thụ thịt heo bình quân đầu người cao nhất thế giới, Việt Nam đã chứng kiến dịch ASF tàn phá ngành chăn nuôi heo và chính phủ cũng đã cảnh báo về thiệt hại kinh tế đáng kể trước mắt.

Hơn 1,7 triệu con heo đã bị tiêu hủy kể từ khi dịch được ghi nhận lần đầu tiên ở hai tỉnh phía bắc hồi đầu tháng 2. Con số này thậm chí còn lớn hơn Trung Quốc,  nhà sản xuất thịt heo lớn nhất thế giới với qui mô sản lượng gấp 20 lần Việt Nam, sau gần 10 tháng gánh chịu dịch tả heo châu Phi.

Tại Đồng Nai, thủ phủ heo của Việt Nam, đàn heo đã giảm 20% xuống còn hai triệu con cho đến nay. Nhiều nông dân đang chuyển sang nuôi vịt và gà. Và đà điểu, lần đầu tiên được giới thiệu tại Việt Nam vào năm 1995, hiện có giá gấp ba lần thịt heo.

"Trang trại nuôi vịt thương phẩm ở Đồng Nai đang mọc lên như nấm"

Theo số liệu chính phủ công bố vào hôm 29/5, số gia cầm của Việt Nam được dự đoán sẽ tăng 7,1% trong tháng 5 này so với một năm trước, trong khi đàn bò nhiều khả năng tăng 2,9%. Tại Đồng Nai, số lượng vịt dự kiến tăng gấp đôi trong năm nay, Bloomberg dẫn các nguồn tin cho hay.

"Trang trại nuôi vịt thương phẩm ở Đồng Nai đang mọc lên như nấm", ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho hay. "Với dịch tả heo châu Phi tàn phá khắp đất nước, một cuộc khủng hoảng nguồn cung thịt heo ở Việt Nam có khả năng xảy ra".

Thịt heo từ lâu đã là lựa chọn cung cấp protein cho người dân Việt Nam. Tính đến năm ngoái, khoảng 70% thịt được tiêu thụ trong nước là thịt heo, trong khi gà chiếm khoảng 20% và theo sau là thịt bò ở mức dưới 10%.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi đất nước giúp cân bằng ngành chăn nuôi, theo đó nói rằng ngành chăn nuôi phải thực hiện các biện pháp cụ thể để phát triển các loại thịt khác nhằm đảm bảo sinh kế cho nông dân và nguồn cung lương thực cho người dân.

"Việc cân bằng nguồn cung thịt ở các nông trại và địa phương, đặc biệt là ở những thành phố đông dân như Hà Nội, là rất quan trọng", Bloomberg dẫn lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Hà Nội có kế hoạch tăng gấp ba lần số lượng bò mà thành phố đang nuôi vào năm 2025. Nếu chính phủ không tăng tiêu thụ thịt bò, gà và vịt, Việt Nam có thể sẽ thiếu thịt heo vào cuối năm nay, theo Hiệp hội Chăn nuôi Hà Nội.

Mặc dù kế hoạch đa dạng hóa nguồn thịt đang được tiến hành, chính phủ cũng yêu cầu các doanh nghiệp dự trữ thịt heo khỏe mạnh và đông lạnh để tránh tình trạng tăng giá.

Nhà nước cũng có thể hướng dẫn thương nhân nhập khẩu thịt heo từ các nước không bị ảnh hưởng bởi dịch ASF như Mỹ, Australia, Hàn Quốc và Ấn Độ, Bộ Công thương cho hay.

Tuy nhiên, điều này cũng không đủ để trấn an ông Chiến. Sau nhiều năm giá thịt heo giảm do tình trạng dư nguồn cung, nguy cơ đàn heo bị tiêu hủy vì dịch sẽ thổi bay cơ hội cuối cùng của ông. Ông Chiến cho biết ông đang trên bờ vực phá sản.

Hồi đầu tháng này, ông đã mua 20.000 con gà, 200 con đà điểu và chờ nhận thêm 30 con bò.

"Giá thấp, dịch bệnh và ô nhiễm môi trường liên quan đến phân heo đều đứng sau quyết định chia tay nghề chăn nuôi heo của tôi sau hơn hai thập kỉ", ông Chiến nói. "Tôi hi vọng con đường mới sẽ ổn định và giúp tôi thoát khỏi nợ nần".

Trần Nam Thi