Dịch ASF lan rộng tại Quảng Nam khi heo nhiễm bệnh ngang nhiên 'xuyên Việt'
UBND tỉnh yêu cầu kiểm soát chặt chẽ khâu vận chuyển heo trên địa bàn nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch ASF. Ảnh: CTV/Báo Quảng Nam.
Tại một hộ chăn nuôi heo ở thôn Hòa Trung, xã Tam Thanh, huyện Tam Kỳ (Quảng Nam) với tổng đàn 15 con, heo có những biểu hiện như bỏ ăn, sốt cao, khó thở, da thâm tím. Cơ quan chức năng đã lấy 2 mẫu đi xét nghiệm và cho kết quả dương tính với virus gây tử vong cao ở heo.
Trước đó, tại thôn Ngọc Mỹ, xã Tam Phú, huyện Tam Kỳ cũng có 3 con heo nái có dấu hiệu nhiễm bệnh, được lấy mẫu đi xét nghiệm và cũng cho kết quả dương tính.
Còn sáng 29/5, ông Nguyễn Chánh Thiện - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp thị xã Điện Bàn cho biết, trung tâm vừa phối hợp với các cơ quan chức năng của thị xã và phường Điện Nam Bắc tiêu hủy 11 con heo dương tính với virus ASF.
Số heo trên của hộ ông Trần Chí ở khối phố Phong Hồ (phường Điện Nam Bắc).
Trước đó, heo đột ngột chết nên gia đình báo lên chính quyền địa phương. Cơ quan chuyên môn đã lấy 2 mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm tại Chi cục Thú y vùng IV trực thuộc Cục Thú y Trung ương (đóng tại Đà Nẵng). Kết quả xét nghiệm các mẫu đều dương tính với bệnh dịch ASF.
Trước đó ngày 25/5, dịch xuất hiện tại đàn heo của gia đình ông Phan Anh Tuấn ở khối phố Viêm Minh (phường Điện Ngọc) với 51 con mắc bệnh và đã tiến hành tiêu hủy hoàn toàn.
Cùng ngày tại huyện Nam Trà My, ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết trên địa bàn vừa phát hiện ổ dịch ASF.
Cụ thể, chiều 27/5, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Nam Trà My lấy 1 mẫu bệnh phẩm của heo nghi mắc bệnh dịch trên đàn heo 5 con thuộc 3 hộ ở nóc Ông Hà (thôn 1, xã Trà Dơn) gửi đi xét nghiệm. Đến chiều 28/5 kết quả xét nghiệm cho thấy mẫu vật dương tính với virus ASF.
Các ngành chức năng của huyện đã tiêu hủy 5 con heo nhiễm bệnh; đồng thời tổ chức lực lượng chốt chặn tại thôn 4 (xã Trà Dơn) không cho chở heo ra vào địa bàn. Ngoài ra huyện đã chuẩn bị 240 lít hóa chất để tiêu độc khử trùng chống dịch…
Heo chở dịch ngang nhiên "xuyên Việt"
Đặc biệt, hôm 27/5, theo báo Quảng Nam, xe tải mang BKS 76C-060.68 được xác định vận chuyển 150 con heo thịt từ tỉnh Bắc Ninh vào cơ sở giết mổ tại xã Sơn Tịnh Hà (huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi).
Tuy nhiên tại thời điểm bắt giữ, trên xe tải chỉ còn 39 con heo (3 con đã chết), số heo trước đó theo tài xế khai báo là đã tiêu thụ tại các điểm giết mổ trái phép trên địa bàn huyện Thăng Bình.
Khi Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh lấy 3 mẫu bệnh phẩm đem đi xét nghiệm thì kết quả là 3/3 mẫu dương tính với virus ASF. Hiện tại, cơ quan chức năng đã tiêu hủy toàn bộ số heo và tiến hành làm rõ nguồn gốc chủ số heo để xử lý nghiêm theo quy định.
Qua tìm hiểu các ổ dịch bệnh, ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết hầu hết ổ dịch xảy ra ở hộ gia đình, quy mô nhỏ lẻ, nằm rải rác trong khu dân cư; bệnh xuất hiện ở các khu tập trung đông người (công nhân của các công trường đang xây dựng), dọc theo đường 129 và đường biển giáp TP Đà Nẵng; đường lây của virus rất phức tạp, chủ yếu là do người dân sử dụng thức ăn thừa từ các nhà hàng, quán ăn chưa qua nấu chín để nuôi heo…
Ông Tấn nhận định, trong thời gian tới nguy cơ bệnh ASF lây lan ra diện rộng rất cao, diễn biến phức tạp.
Trước sự việc phát hiện heo bị nhiễm dịch ASF được vận chuyển, tiêu thụ trong tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đề nghị kiểm soát chặt chẽ hơn việc vận chuyển heo qua địa bàn, trong đó lưu ý 2 chốt kiểm dịch động vật phía nam, phía bắc trên tuyến quốc lộ 1 phối hợp tốt trong khâu kiểm soát phương tiện, số lượng heo vận chuyển vào, ra địa bàn nhằm ngăn chặn tình trạng tiêu thụ heo trái phép trong quá trình vận chuyển.