|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nỏ thần nào cho ngành mía đường Việt Nam?

13:30 | 24/02/2021
Chia sẻ
Ngày 9/2/2021, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 477/QĐ-BCT áp thuế chống bán phá giá (CBPG) với đường Thái Lan ở mức 48,88% cho đường tinh luyện và 33,88% cho đường thô đang được xem là biện pháp hiệu quả, đúng luật để mang lại cạnh tranh công bằng mía đường nội địa.

Thuế CBPG với đường nhập khẩu Thái Lan là biện pháp đúng luật - đúng lúc – đúng mức

Niên vụ mía 2020 – 2021 đang vào vụ ép với nhiều dấu hiệu tích cực. Giá mua mía tại ruộng ở miền Nam và miền Trung đã tăng đến mức bình quân 950.000 đồng/tấn, ở miền Bắc bình quân là 900.000 đồng/tấn. 

Tại một số địa phương như Nghệ An, Sơn La, Kon Tum bà con còn được áp dụng hình thức "thanh toán hồi tố", tức giá mua mía được áp dụng ngược về thời điểm đầu vụ ép, trước khi có thông báo điều chỉnh giá mua mía.

Giá mía tăng và giá đường có cải thiện, nhưng so với các nước trong khu vực bao gồm các nước ASEAN và Trung Quốc, giá đường của Việt Nam vẫn tiếp tục nằm ở mức thấp nhất.

Nỏ thần nào cho ngành mía đường Việt Nam? - Ảnh 1.

Bảng so sánh giá đường Việt Nam với các nước ASEAN và Trung Quốc. (Nguồn: VSSA)

Nguyên nhân chính của sự kiềm hãm giá đường trong nước là do sự khống chế của đường lậu, đường nhập khẩu bán phá giá từ Thái Lan. 

Trải qua gần 5 tháng điều tra theo đúng quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, Luật Quản lý ngoại thương và các quy định liên quan, kết quả điều tra cho thấy đường tinh luyện và đường thô nhập khẩu từ Thái Lan đã bán phá giá ở mức 44,23% và trợ cấp 4,65%, tổng cộng 48,88%.

Nỏ thần nào cho ngành mía đường Việt Nam? - Ảnh 2.

Mía đường nội địa bị đe doạ bởi đường nhập khẩu bán phá giá. (Ảnh: Báo Lao Động)

Trước tình hình đó, ngày 9/2/2021, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 477/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.

Theo đó, các công ty sản xuất, xuất khẩu Thái Lan sẽ bị áp thuế tạm thời 48,88% đối với đường tinh luyện và 33,88% đối với đường thô, gồm thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp.

Chia sẻ về quyết định này, anh Đinh Văn Đông, chủ mía tại xã Hbông, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai nói: "Thời gian qua vì đường Thái Lan bán phá giá khiến giá đường trong nước thấp, nhiều hộ gia đình phải phá bỏ cây mía. 

Với chính sách thuế chống bán phá giá này sẽ giúp giá đường trong nước có thể đẩy lên, thì bà con mới có lợi nhuận và quay lại với cây mía. Việc áp thuế chống bán phá giá là hoàn toàn hợp lý."

Nỏ thần nào cho ngành mía đường Việt Nam? - Ảnh 3.

Anh Đinh Văn Đông, chủ mía tại xã Hbông, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai.

"Nỏ thần" nào để mía đường Việt Nam phát triển bền vững

Áp thuế chống bán phá giá tạm thời với đường Thái Lan theo tỷ lệ 48,88% với đường tinh và 33,88% với đường thô được xem là biện pháp hiệu quả trong ngắn hạn, giúp giá đường trong nước tăng.

Không chỉ gia tăng lợi nhuận cho các đối tượng trong chuỗi sản xuất đường của Việt Nam, mà còn hạn chế được tình trạng gian lận thương mại, hợp thức hoá đường lậu dưới "lốt" các mặt hàng đường nhập khẩu chính ngạch được ưu đãi về thuế nếu được áp dụng đồng bộ và quyết liệt.

Tuy nhiên, giá đường cao cũng có thể sẽ khiến người trồng mía chủ quan, không cải thiện năng suất, giảm sức cạnh tranh của ngành.

Thêm nữa, bối cảnh mía đường nội hiện đang chưa đáp ứng được nhu cầu nguyên liệu của nhà máy, vì vậy thực tế mức thuế CBPG có thể lên đến 55% với đường tinh luyện và 35% với đường thô để vừa có tính thúc đẩy nông dân đổi mới, tăng năng suất và chất lượng cây mía, vừa để nền nông nghiệp trồng mía có thời gian phục hồi sau những tổn thương vừa qua.

Về dài hạn, để mía đường Việt Nam có thể hồi phục nhanh chóng, phát triển mạnh mẽ và bền vững; theo ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện chính sách Nông nghiệp, có 4 giải pháp chiến lược.

Thứ nhất, cần rà soát lại các vùng quy hoạch và các nhà máy sản xuất, đánh giá tính lợi thế và hiệu quả để làm cơ sở cho việc tái cấu trúc và quy hoạch lại toàn ngành.

Thứ hai, từ kết quả rà soát đó, tập trung hỗ trợ về tín dụng, đất đai, khoa học kỹ thuật, công nghệ, thuỷ lợi,… cho bà con nông dân và nhà máy ở những vùng quy hoạch có lợi thế nhằm tăng năng suất, tối đa hoá hiệu quả, từ đó gia tăng khả năng cạnh tranh bền vững.

Thứ 3, liên kết các vùng các vùng nguyên liệu, các cụm công nghiệp sản xuất mía liền kề, tạo sự gắn kết chặt chẽ có kể hoạch để tối ưu hoá chi phí và hiệu quả. 

Thứ 4, lựa chọn những doanh nghiệp sản xuất hoạt động tốt, có sự đầu tư công nghệ - kỹ thuật – vùng trồng, có sự gắn kết chặt chẽ với nông dân, có đa dạng sản phẩm đường và từ đường,… để hỗ trợ nhằm giúp các doanh nghiệp có thể cạnh tranh bình đẳng và hiệu quả với đường nhập khẩu.

Ông Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện chính sách Nông nghiệp

Song song với đó, nhà nước cũng cần kiểm soát chống buôn lậu gian lận thương mại, trốn thuế, bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn chân chính, có chính sách khuyến khích thỏa đáng các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực mía đường để phát triển một cách bền vững.  

Có như vậy thì cây mía nội mới đủ sức cạnh tranh lành mạnh với mía ngoại, không chỉ ở sân chơi nội địa mà còn ở thị trường quốc tế. Nông dân có thể sống khoẻ và làm giàu với cây mía.

Bích Thu