|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hiệp hội Mía đường: 'Lần này, nếu đường Việt Nam thua đường Thái Lan ở sân nhà cũng chấp nhận'

06:00 | 10/02/2021
Chia sẻ
Ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam trong cuộc chạy đua của ngành đường, Việt Nam đã “chấp” Thái Lan cả trăm mét nhưng nay với công cụ phòng vệ thương mại, chúng ta đã có thể vượt lên ngang hàng với họ. Lần này, nếu đường Việt Nam có thua đường Thái Lan ở sân nhà thì cũng chấp nhận.

Ngày 9/2, Bộ Công Thương quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.

Bộ Công Thương bắt đầu điều tra vụ việc vào ngày 21/9/2020 trên cơ sở kết quả thẩm định hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp của đại diện ngành sản xuất trong nước.

Trải qua gần 5 tháng điều tra theo, Bộ Công Thương kết luận ngành sản xuất đường mía trong nước đã chịu thiệt hại nặng nề trong thời gian vừa qua.

Một loạt các nhà máy đường đã phải đóng cửa, gây tác động nghiêm trọng đến việc làm của người lao động.

Để đánh giá sâu hơn về tác động của quyết định này đối với ngành đường trong nước, người viết đã có buổi trao đổi ngắn với ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam.

Hiệp hội Mía đường: 'Lần này, nếu đường Việt Nam thua đường Thái Lan ở sân nhà cũng chấp nhận' - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam. Ảnh: Đức Quỳnh

Mức thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan có ý nghĩa thế nào đối với ngành đường trong nước vốn đang rất khó khăn như hiện nay, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Lộc:  Đây là kết quả của quá trình điều tra dài với sự phối hợp của Hiệp hội Mía đường Việt Nam và Bộ Công Thương. Đồng thời mức thuế 44,88% với đường tinh luyện và 33,88 đối với đường thô là tương đối hợp lý.  

Mức chênh lệch giá đường nội địa so với đường Thái Lan khá tương đồng với mức thuế mà Bộ Công Thương đưa ra. Do đó, quyết định này sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh bình đằng trong thời gian tới.

Trong cuộc chạy đua của ngành đường, Việt Nam đã “chấp” Thái Lan cả trăm mét nhưng nay với công cụ phòng vệ thương mại, chúng ta đã có thể vượt lên ngang hàng với họ. 

Từ nay ngành đường Việt Nam đã có thể cạnh tranh sòng phảng. Lần này, nếu đường Việt Nam có thua đường Thái Lan ở sân nhà thì cũng chấp nhận. 

Ông đánh giá thế nào về năng lực cạnh tranh của ngành đường Việt Nam so với các nước, đặc biệt là Thái Lan?

Ông Nguyễn Văn Lộc: Chúng tôi tin rằng ngành đường Việt Nam hoàn toàn đủ sức cạnh tranh với đường Thái Lan nói riêng và các nước trong khu vực châu Á nói chung.

Hiện nay, ngành đường Việt Nam đang phải cạnh tranh với các nước Đông Nam Á. Trước đây, diện tích trồng mía của Việt Nam 300.000 ha, chỉ đứng sau Thái Lan. Năng suất cũng ngang ngửa nước này và bỏ xa các nước như Indonesia, Philippines. 

Do đó, nếu xét trên phương diện bình đẳng, Việt Nam hoàn toàn đủ sức để cạnh tranh một cách minh bạch.

Hiện nay Thái Lan đang mắc kẹt trong chính quy mô sản xuất lớn của họ bởi sản lượng mía đang giảm mạnh gần một nửa. 

Ông đánh giá thế nào về mức thuế tạm thời 33,88 - 44,88% mà Bộ Công Thương mới đưa ra so với kỳ vọng của hiệp hội?

Ông Nguyễn Văn Lộc:  Trước đây, Hiệp hiệp Mía đường đề xuất mức thuế chống bán phá giá với đường Thái Lan là 38%. Mức đó được đưa ra dựa theo cách tính biên độ phá giá của WTO với những dự liệu mà hiệp hội có. 

Đối với Bộ Công Thương, quá trình điều tra dựa trên nguồn độc lập. Với mức thuế tạm thời 44,88% và 33,88% mà Bộ Công Thương đưa ra lần lượt với đường tinh luyện và đường tinh luyện hiện nay là hợp lý. 

Gian lận thương mại và cuộc khủng hoảng giá đã tàn phá ngành đường thế nào trong thời gian qua, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Lộc: Hiện nay chỉ có 24 nhà máy và công suất chỉ đạt 50%. Cách đây 5 năm, trước khi ngành đường hội nhập, một số nhà máy đã đầu tư rất mạnh vào máy móc để nâng công suất. 

Tuy nhiên, trong quá trình nâng công suất, đường lậu tràn vào Việt Nam quá nhiều là diện tích mía giảm dần. 

Thêm vào đó, vừa qua, khi hiệp định ATIGA chính thức có hiệu lực, đường nhập khẩu tràn vào càng nhiều do đó các nhà máy chỉ hoạt động một nửa công suất. Số lượng nhà máy cũng giảm gần một nửa so với trước đây. 

Những năm vừa qua, các nhà máy nghiến răng chịu lỗ vì giá đường quá thấp, không đủ trang trải tiền mía. Nhiều hộ dân cũng bỏ cây mía vì không thể sống nổi nếu chỉ dựa vào loại cây này. 

Năm ngoái sản lượng mía đạt 750.000 tấn. Tuy nhiên, năm nay, do giá thấp, nhiều hộ bỏ vườn nên sản lượng dự chỉ đạt trên dưới 700.000 tấn. 

Lượng mía này đáp ứng chưa đầy 50% nhu cầu của các nhà máy còn lại là khoảng 1,8 triệu tấn. Do đó, năm nay, Việt Nam vẫn sẽ phải nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn đường các loại để đáp ứng nhu cầu trong nước. 

Vừa qua một số nhà máy đã tăng giá mía. Vì vậy, khi có quyết định áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp giá tạm thời đối với đường Thái Lan, họ rất mừng. 

Bởi, nếu không có quyết định này, giá đường sẽ vẫn tiếp tục ở mức thấp trong khi họ đã nâng giá mua mía 200.000 đồng/tấn lên khoảng 1 triệu đồng/tấn thì doanh nghiệp tiếp tục phải chịu lỗ. 

Ngoài ra, đã có 3.300 người lao động bị mất việc làm và 93.225 hộ nông dân bị ảnh hưởng do khó khăn của ngành sản xuất trong nước.

Tương lai của những người nông dân vẫn còn bám trụ với cây mía sẽ ra sao trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Lộc: Ngành đường cần 3 năm nữa để phục hồi diện tích trồng mía. Với tình hình của ngành như hiện nay, những bà con vẫn còn bám trụ với cây mía thì ít nhất họ vẫn có thể sống được với loại cây này trong vài năm nữa. 

Nếu như để làm giàu từ mía thì tôi không dám định nhưng hạnh phúc nhất là khi các vùng sâu, vùng xa, điều kiện thổ nhưỡng khó khăn thì cây mía sẽ là sự lựa chọn tốt với họ để có thu nhập ổn định cho gia đình. Tôi có thể chắc chắn rằng trong 3 năm tới người trồng mía không phải cứu.