|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cơ hội giành lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế của mía đường Việt Nam

10:37 | 10/02/2021
Chia sẻ
Năm 2021 mở ra cơ hội chuyển mình mạnh mẽ cho ngành mía đường Việt Nam khi mà thuế chống bán phá giá (CBPG) vừa được triển khai cho đường thô là 33,88% và đường tinh luyện là 48,88%, cùng với đà hồi phục của thị trường thế giới.

Bức tranh tươi sáng của mía đường Việt Nam trong năm 2021

Thông tin từ tổ chức ISO cho biết trong nửa đầu tháng 1/2021 chỉ số giá giao dịch hàng hóa đường thô và đường trắng thế giới tiếp tục dao động theo xu hướng tăng của các tháng gần đây và ngày 14/1 đã đạt mức cao nhất trong 3 năm rưỡi qua.

Cơ hội giành lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế của mía đường Việt Nam - Ảnh 1.

Giá đường thế giới tiếp tục xu hướng tăng

Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), sản lượng đường nhập khẩu của EU trong niên vụ 2020/202 đạt 3,0 triệu tấn, tăng 43% so với dự báo cũ là 2,1 triệu tấn. Mặt khác, Công ty chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương (VCBS) khẳng định Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ 1/8/2020 mang lại triển vọng vô cùng lạc quan để Việt Nam xuất khẩu đường chất lượng cao sang châu Âu trong năm 2021.

Theo đó, hạn ngạch thuế quan ở mức 20.000 tấn đường trắng và sản phẩm chứa trên 80% đường, cùng thuế suất 339 EUR/tấn đối với đường thô và 419 EUR/tấn đối với đường luyện sẽ giảm dần theo lộ trình. Nhiều chuyên gia nhận định đây là viễn cảnh thuận lợi để cây mía nước nhà vươn lên tầm quốc tế đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang kiểm soát dịch bệnh tốt vượt trội so với nhiều nước đối thủ, giúp nền công nghiệp sản xuất vực dậy nhanh hơn.

Cơ hội giành lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế của mía đường Việt Nam - Ảnh 2.

Mía đường Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu sang EU

Ở thị trường nội địa, tính đến ngày 15/1, nhiều nhà máy bước vào vụ ép 2020 - 2021. Lũy kế tổng lượng mía ép 752.992 tấn sản xuất được 67.517 tấn đường. Giá mía nguyên liệu tăng cao, trung bình khoảng 10-20% so với niên vụ trước, giúp người trồng không còn thua lỗ mà đã có lãi.

Đặc biệt, ngày 9/2/2021 Bộ Công Thương (BCT) chính thức ban hành quyết định chính thức áp dụng mức thuế CBPG 48,88% đối với đường tinh luyện và 33,88% đối với đường thô có xuất xứ từ Thái Lan, góp phần to lớn trong việc mang lại niềm tin cho ngành mía đường Việt. Nhiều chuyên gia đánh giá đề xuất trên là mức thuế CBPG hợp lý để đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên, ổn định thị trường và tái lập môi trường cạnh tranh công bằng.

Bước đi nào để gia tăng lợi thế cạnh tranh cho đường nội sau CBPG?

Ông Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch TƯ Hội Nông dân Việt Nam, đã chỉ ra các vấn đề chính mà ngành mía đường đang phải đương đầu, bao gồm: giá trị lợi nhuận từ cây mía không đủ đảm bảo mức sống khiến nông dân không còn mặn mà, canh tác nhỏ lẻ và manh mún, quá trình sản xuất chưa được cơ giới hoá nên khả năng khai thác còn yếu. Để giải quyết vấn đề, chúng ta cần một chiến lược đầu tư đúng đắn vào công nghệ.

Trên thực tế, có thể thấy, cây mía là cây trồng có nhiều lợi thế và giá trị kinh tế cao nhưng nông dân Việt Nam vẫn chưa có được tư duy trồng mía đúng đắn, thiếu sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để tối ưu năng suất, giảm chi phí sản xuất. Việt Nam còn thiếu các hệ thống cơ sở tối ưu từ thuỷ lợi và phương thức vận chuyển khoa học. Thời gian vận chuyển từ ruộng mía tới nhà máy nếu kéo dài trên 8 tiếng sẽ làm giảm độ tươi và hàm lượng đường trong cây mía, dẫn tới giá thu mua đầu vào thấp.

Ở các cường quốc mía đường như Brazil, Australia, từ nhiều năm trước họ đã áp dụng phương tiện chuyên dụng Haulout Bin, một hệ thống kết hợp máy thu hoạch và xe chở mía chạy song song trên ruộng. Điều này đảm bảo quy trình thu hoạch mía chỉ diễn ra trong vòng từ 4 tới 6 tiếng, sẵn sàng vận chuyển ngay để mía giữ được chữ đường cao nhất khi tới nhà máy.

Cơ hội giành lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế của mía đường Việt Nam - Ảnh 3.

Việt Nam cần đẩy mạnh đầu tư, phát triển cho công nghệ

Đầu tư đúng đắn cho thiết bị cơ giới không chỉ phát huy hết tiềm năng phát triển của ngành mía đường mà còn mang tới cuộc sống ấm no bền vững cho người dân, nâng cao chất lượng đường, tạo dựng thương hiệu cho đường Việt trên trường quốc tế.

Tham khảo từ Thái Lan, trong bối cảnh xuất khẩu khó khăn cùng khủng hoảng y tế trong đại dịch, nhiều nhà máy của họ đã chuyển đổi một phần chức năng sang sản xuất ethanol trong nước rửa tay và cồn sát khuẩn.

Trong khi đó tại Việt Nam, các doanh nghiệp vẫn chưa tận dụng hết được các phụ phẩm từ cây mía. 4 triệu tấn bã mía hiện nay chỉ dùng để đốt phát điện, chưa được khai thác triệt để sản xuất bột giấy hay bao bì sản phẩm thân thiện với môi trường; 0,7 triệu tấn mật rỉ phần lớn dùng làm thức ăn gia súc và khoảng nửa triệu tấn bã bùn cũng đang bị lãng phí. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, nếu nhà máy sản xuất đường được trang bị công nghệ cao, công suất tốt thì có thể tập hợp các nhóm trên thành sản phẩm có giá trị, góp phần gia tăng lợi ích kinh tế cho cây mía cũng như củng cố thu nhập cho người nông dân.

Thuế CBPG, chống trợ cấp giúp mía đường Việt Nam vượt qua các khó khăn ngắn hạn về phá giá, nhập lậu, cạnh tranh không lành mạnh. Tận dụng thời điểm kinh tế ngành đang trên đà hồi phục để đầu tư phát triển công nghệ sản xuất, canh tác… thì mía đường Việt Nam mới có thể chuyển mình, phát triển mạnh mẽ.

Bích Thu