|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành mía đường: Mức thuế phòng vệ thương mại như thế nào là hợp lý?

17:00 | 23/12/2020
Chia sẻ
Biện pháp áp thuế phòng vệ thương mại được đưa ra thảo luận như một công cụ bảo đảm thương mại công bằng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, nông dân trong bối cảnh hội nhập.

Sức ép lên ngành mía đường

Từ 1/1/2020, theo cam kết ATIGA, Việt Nam đã thực hiện xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ ASEAN, đồng thời giảm thuế nhập khẩu xuống 5%. Tuy nhiên, gần một năm tham gia ATIGA, ngành mía đường Việt Nam chứng kiến không ít biến động.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 10 tháng vừa qua, lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam tăng nhanh, trong đó hơn 87% đến từ Thái Lan. 

Trừ đi lượng đường đã xuất theo loại hình sản xuất, xuất khẩu, lượng đường nhập khẩu thâm nhập vào thị trường trong nước lên đến 884.285 tấn, lớn hơn lượng đường sản xuất từ mía trong nước.

Đường nhập khẩu tràn vào ồ ạt khiến ngành mía đường Việt Nam lao đao. Nông dân trồng mía lỗ vốn, buộc phải giảm diện tích trồng mía. Một số doanh nghiệp đường lớn trong nước đã đưa ra các biện pháp hỗ trợ nông dân, song giá đường thấp vẫn gây sức ép lớn lên ngành này.

Ngành mía đường: Mức thuế PVTM như thế nào là hợp lý? - Ảnh 1.

Cả nông dân, doanh nghiệp đều gặp khó trước làn sóng đường nhập khẩu giá rẻ đồng loạt tràn vào Việt Nam. (Ảnh: Shutter Stock)

Thuế phòng vệ thương mại – Áp dụng sao cho hiệu quả?

Trong thực tế, chính sách thuế phòng vệ thương mại từng được áp dụng đã góp phần bảo vệ sinh kế của hàng trăm nghìn lao động thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất, khuyến khích sản xuất trong nước phát triển, giảm mức độ phụ thuộc vào hàng hoá nhập khẩu (đặc biệt đối với các hàng hóa thiết yếu của nền kinh tế như lương thực, thực phẩm...) và hỗ trợ cân bằng cán cân thanh toán quốc tế.

Ngoài ra, thuế phòng vệ thương mại còn góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước với mức thuế thu được ước tính lên tới hàng nghìn tỉ đồng.

Thuế phòng vệ thương mại được cho là cần thiết nhưng áp thuế như thế nào để đảm bảo lợi ích hài hòa cho các bên? Câu trả lời cần tập trung vào mức thuế suất nhập khẩu đường thô và đường trắng.

Việc áp thuế phòng vệ thương mại cao sẽ đẩy giá đường lên cao. Nhờ vậy, nông dân có thể bán được mía giá tốt, tăng thêm thu nhập. Nhưng đồng thời họ cũng dễ phát sinh tâm lý ỷ lại, không đầu tư nâng cao năng suất, từ đó đánh mất lợi thế khi hội nhập.

Trong khi đó, mức thuế cao sẽ khiến giá thành sản xuất các sản phẩm từ đường như bánh kẹo, nước ngọt… gia tăng, gây khó khăn cho doanh nghiệp sử dụng đường và người tiêu dùng. 

Đáng kể, nếu giá đường cao, trong khi năng lực sản xuất nội địa chưa đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường sẽ dễ phát sinh tình trạng nhập lậu đường, thị trường đường rơi vào tay các đầu nậu buôn lậu. 

Điều này không chỉ gây bất lợi cho doanh nghiệp sản xuất đường trong nước vì phải cạnh tranh với đường lậu mà còn khiến nhà nước bị thất thu nguồn thuế.

Ở một kịch bản khác, nếu áp thuế phòng vệ thương mại quá thấp, giá đường sẽ tăng không đáng kể. Lúc này, nguồn nguyên liệu đầu vào chủ yếu của nhiều dòng sản phẩm chế biến thực phẩm, nước uống cũng giảm đi tương ứng.

Giá thành đầu vào của các doanh nghiệp sử dụng đường giảm nên những sản phẩm này khi đến tay người tiêu dùng sẽ có giá "mềm" và cạnh tranh hơn.

Đồng thời, giá đường rẻ sẽ siết chặt được tình trạng đường nhập lậu. Tuy nhiên, cả nông dân và nhà sản xuất đường trong nước sẽ phải chịu áp lực về chi phí khi thu nhập từ đường và mía không đủ bù đắp.

Nhà nước siết được tình trạng đường lậu nhưng vẫn chưa thể khôi phục toàn bộ ngành mía đường.

Mỗi kịch bản đều đem lại những lợi ích và tiềm ẩn nhiều bất cập. Vì thế, cần xác định một mức thuế phòng vệ thương mại hợp lý giữa đường thô và đường trắng để đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các bên, ổn định thị trường và tái lập môi trường cạnh tranh công bằng.

Ngành mía đường: Mức thuế PVTM như thế nào là hợp lý? - Ảnh 2.

Mức thuế suất cần cân đối để hài hoà lợi ích nhiều bên. (Ảnh: Shutter Stock)

Trong quá trình áp thuế phòng vệ thương mại, những quan ngại về việc khan hiếm nguồn đường mía, giá cả gia tăng do thuế hay việc giảm động lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước cũng cần được theo dõi, xử lý thông qua giám sát diễn biến giá và rà soát định kỳ để điều chỉnh biện pháp cho phù hợp thực tiễn.

Xét một cách tổng thể, thuế phòng vệ thương mại nếu được áp dụng kịp thời sẽ góp phần ngăn chặn tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu ồ ạt, cạnh tranh không lành mạnh với nguồn hàng trong nước và đảm bảo giữ vững sản xuất trong nước cũng như năng lực cạnh tranh.

Trong bối cảnh hội nhập, để bảo vệ lợi ích chính đáng của người nông dân, doanh nghiệp, người tiêu dùng và quốc gia, các biện pháp phòng vệ thương mại bao gồm thuế phòng vệ thương mại được cho là thiết thực và hiệu quả.

Áp dụng hợp lý, đúng pháp luật và cam kết quốc tế, thuế phòng vệ thương mại sẽ là tiền đề để các bên ổn định kinh tế, phát huy năng lực, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu do Quốc hội đề ra.

Bích Thu