Nikkei: Doanh nghiệp tháo chạy khỏi Trung Quốc né Campuchia và tìm đến Việt Nam
Tâm thế sẵn sàng của doanh nghiệp Trung Quốc bắt nguồn từ các lệnh trừng phạt của chính phủ Mỹ cũng như kế hoạch áp thuế bổ sung lên smartphone, đồ chơi và một số mặt hàng tiêu dùng khác của Washington, dự kiến có hiệu lực vào ngày 15/12 tới.
Đại diện của một hãng sản xuất len cashmere tại khu tự trị Tân Cương cho biết công ty đang chuẩn bị để đối phó với tác động của đợt thuế quan mới.
Công ty này đã đẩy nhanh khâu vận chuyển các đơn hàng cho đối tác ở Mỹ để lẩn tránh đợt thuế quan bổ sung có hiệu lực vào ngày 15/12, ít nhất là để đối phó ở thời điểm hiện tại.
Doanh nghiệp chùn bước trước công nghệ lạc hậu của Campuchia
Theo Nikkei Asian Review, công ty sản xuất len cashmere kể trên cung cấp sản phẩm trên toàn thế giới và 20% doanh số đến từ thị trường Mỹ. Nếu thuế quan bổ sung được áp dụng như lời đe dọa của Tổng thống Trump, hoạt động của công ty sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.
Nhà sản xuất này đã cân nhắc việc chuyển sản xuất sang Campuchia, thậm chí một trong các giám đốc công ty gần đây có tham quan một khu công nghiệp ở nước này. Vị giám đốc quay trở về trong sự thất vọng với công nghệ cũ kĩ mà các hãng sản xuất cúc áo và một số công ty Campuchia khác sử dụng.
Kể từ đó, ban lãnh đạo công ty đã từ bỏ kế hoạch chuyển sản xuất vì lo ngại rằng họ có thể phải đối mặt với chi phí cao hơn khi hoạt động tại Campuchia so với ở Tân Cương cho dù tính thêm tác động của thuế quan trừng phạt.
Một nhà máy sản xuất TV tại Thâm Quyến, Trung Quốc. TV là một trong số các mặt hàng sẽ chịu ảnh hưởng của đợt thuế quan bổ sung dự kiến có hiệu lực vào ngày 15/12 tới. Ảnh: Reuters.
Khi Washington tăng thuế vào tháng 5, một nhà sản xuất quần jeans ở Quảng Châu đã mất gần hết đơn hàng nhận được từ đối tác Mỹ, mà đây lại vốn là thị trường trọng điểm của họ. Các đối thủ của công ty này đã nhanh chóng chuyển sản xuất sang Việt Nam và Pakistan để né tránh thuế quan của Washington. Nhờ đó, họ tiếp tục nhận được đơn hàng từ Mỹ.
Hãng sản xuất quần jeans trên cũng đang cân nhắc chuyển ra nước ngoài, nhưng qui mô nhỏ là yếu tố ngăn cản họ thực hiện ý tưởng. Thay vào đó, họ tập trung vào tìm kiếm khách hàng không đến từ thị trường Mỹ.
Với nhiều hãng sản xuất đồ jeans qui mô siêu nhỏ, vừa và nhỏ, ngành công nghiệp này đã chịu không ít sức ép về vấn đề lợi nhuận ngay trước khi Mỹ bắt đầu sử dụng thuế quan như một công cụ mặc cả trong thương chiến.
Các đợt thuế quan mới đã giáng một đòn đau vào ngành công nghiệp may mặc của Trung Quốc, vốn chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Mỹ.
Một giám đốc phụ trách bán hàng tại công ty sản xuất quần jeans nêu phía trên chỉ có thể nói: "Tôi tin cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ sớm được giải quyết".
Trong khi đó, các nhà sản xuất smartphone và thiết bị điện tử có cơ sở ở Trung Quốc đang gặp khó khi chuyển ra nước ngoài.
Vì Washington đã đe dọa sẽ áp thuế bổ sung vào ngày 15/12, ban lãnh đạo tại một công ty Trung Quốc đã quyết định đặt cọc để "giành phần" trước một địa điểm sản xuất ở nước ngoài nhưng tạm hoãn chuyển sản xuất đến đó.
Một lãnh đạo khác cho biết công ty này đã sẵn sàng "chuyển đi nhanh chóng tùy thuộc vào các cuộc đàm phán thương mại".
Panasonic và nhiều công ty "tin dùng" Việt Nam hơn
Nhiều doanh nghiệp khác cũng đang có cách tiếp cận tương tự. Có mối quan hệ hợp tác với các nhà sản xuất Trung Quốc, Panasonic (Nhật Bản) đang "theo sát xu hướng của khách hàng", giám đốc Toshihide Tanaka của công ty cho hay.
Gần đây, Panasonic đã thiết lập một hệ thống cho phép các giám đốc kinh doanh tại chi nhánh Trung Quốc có thể tự do trao đổi thông tin với nhân sự Việt Nam và Ấn Độ hơn. Mục đích của hệ thống này là giúp Panasonic cung ứng sản phẩm cho khách hàng trơn tru hơn nếu công ty phải rời khỏi Trung Quốc.
Máy chơi game, quần áo và các mặt hàng khác sẽ bị ảnh hưởng trong đợt thuế dự kiến có hiệu lực vào cuối tuần này, gây bất ổn đối với nhiều công ty gia công thiết bị điện tử và phụ thuộc vào xuất khẩu khác.
Sản xuất ở đâu chỉ là một trong nhiều mối bận tâm. Các nhà sản xuất Trung Quốc còn lo ngại rằng tranh chấp thương mại Mỹ - Trung và một số mâu thuẫn khác có thể làm suy yếu hoạt động thương mại toàn cầu.
Doanh nghiệp có lí do thích đáng để lo sợ. Chỉ số thương mại hàng hóa mới nhất được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) công bố vào tháng 11 vẫn ở dưới ngưỡng 100 điểm trong quí thứ 5 liên tiếp.
Tại Hội chợ Xuất Nhập khẩu Trung Quốc gần nhất hồi tháng 10 và tháng 11 tại Quảng Châu, giá trị hợp đồng được kí kết bởi các nhà sản xuất Trung Quốc và khách hàng nước ngoài đã giảm 1,9% so với cùng kì năm ngoái xuống còn khoảng 29,2 tỉ USD. Đây là đợt suy giảm hàng năm liên tiếp lần thứ ba của hội chợ thương mại bán niên này.