Financial Times: Bắc Kinh muốn loại bỏ công nghệ nước ngoài khỏi các cơ quan chính phủ, nguy cơ ảnh hưởng nhiều tên tuổi Mỹ
Chính sách 3-5-2 của Bắc Kinh
Chính sách trên được đặt tên là "3-5-2" do việc thay thế công nghệ nước ngoài sẽ diễn ra với tỉ lệ 30% vào năm 2020, 50% vào năm 2021 và 20% vào năm 2022, Financial Times trích dẫn một ghi chú từ công ty chứng khoán China Securities.
Các nhà phân tích ước tính sẽ có khoảng 20 - 30 triệu thiết bị công nghệ nước ngoài cần được thay thế tại chính phủ Trung Quốc.
China Securities cho biết yêu cầu này đến từ Văn phòng Trung ương thuộc chính phủ Trung Quốc hồi đầu năm nay. Mặc dù chỉ thị không được công khai, hai công ty an ninh mạng chia sẻ với Financial Times rằng một số khách hàng của chính phủ Trung Quốc đã mô tả chính sách đó cho họ.
Cả China Securities, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc cùng một số công ty công nghệ như Microsoft, HP và Dell đều không phản hồi yêu cầu bình luận của CNBC.
Ông Neil Campling, trưởng bộ phận nghiên cứu công nghệ, truyền thông và viễn thông của công ty Mirabaud Securities, cho biết động thái trên là nhằm bảo vệ Bắc Kinh trước sự leo thang căng thẳng thương mại với Washington.
"Đây là điều mà Trung Quốc đang xem xét để đảm bảo hoạt động của chính phủ không bị ảnh hưởng bởi căng thẳng leo thang với Mỹ", CNBC dẫn lời ông Campling cho hay.
Washington đã quen với cách Trung Quốc cấm cửa công ty công nghệ Mỹ
Động thái này của Bắc Kinh diễn ra trong bối cảnh công nghệ là mặt trận hàng đầu và cũng là trung tâm của cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Nhiều công ty công nghệ Trung Quốc đã trở thành mục tiêu gây áp lực của Mỹ. Hồi đầu năm nay, Washington đã liệt Huawei Technologies vào danh sách đen, hạn chế doanh nghiệp Mỹ hợp tác với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc.
Nhiều hãng công nghệ tiếng tăm của Mỹ như Microsoft, HP, Dell,... có thể bị tẩy chay. (Ảnh: Bloomberg)
Vào tháng 10, Washington mở rộng danh sách đen nói trên để bao gồm một số doanh nghiệp khác như Hikvision - một trong các công ty lớn nhất thế giới thuộc lĩnh vực camera giám sát.
Một điều khoản trong luật pháp Mỹ được gọi là Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Quốc gia còn cấm các cơ quan chính phủ mua phần cứng viễn thông do Huawei và ZTE sản xuất.
Chính sách mới nhất của Trung Quốc có thể được xem là một trong những động thái trực tiếp chống lại công ty công nghệ Mỹ trong cuộc thương chiến. Mặc dù các văn phòng chính phủ Trung Quốc thường sử dụng máy tính nội địa như của Lenovo, họ lại chạy hệ điều hành Windows của Microsoft và có thể dùng thêm phần cứng của Dell và HP.
Tác động của động thái trên đến đàm phán thương mại sẽ phụ thuộc vào cách Washington đánh giá bước đi của Trung Quốc, theo nhận định của nhà kinh tế Nick Marro đến từ The Economist Intelligence Unit.
"Phân biệt đối xử đối với công nghệ nước ngoài đã là một phần trong khung chính sách của Trung Quốc trong nhiều năm nay, nhưng đó cũng là điều mà Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã quen thuộc từ lâu", ông Marro cho hay.
"Tuy nhiên, động thái mới của Bắc Kinh có thể làm phức tạp thêm các cuộc thảo luận xoay quanh cơ hội tiếp cận thị trường Mỹ của Huawei, ZTE và một số công ty khác. Phần lớn các cuộc trao đổi tập trung vào việc Mỹ cấm cửa các doanh nghiệp Trung Quốc kể trên khỏi thị trường của họ một cách không công bằng.
Chí ít là với thông tin đó, chính quyền Tổng thống Trump có thể công khai chơi trò đổ lỗi: 'Ừ, Trung Quốc cũng làm vậy và họ thậm chí còn cấm cản doanh nghiệp Mỹ từ rất lâu'", ông Marro lí giải.
Một số công ty công nghệ Mỹ như Google và Facebook đã bị chặn hoạt động ở Trung Quốc trong vài năm qua.
Nguy cơ hàng Mỹ bị tẩy chay trên thị trường Trung Quốc
Chỉ thị loại bỏ phần mềm và phần cứng nước ngoài khỏi các cơ quan chính phủ của Bắc Kinh có thể không đơn giản.
Mặc dù một công ty như Lenovo thuộc sở hữu của doanh nhân Trung Quốc, hãng lại sử dụng chip của nhà cung ứng Mỹ Intel. Trung Quốc cũng chưa thực sự phát triển một hệ điều hành thay thế Windows của Microsoft.
Hồi đầu năm nay, Huawei đã công bố hệ điều hành riêng của họ - HarmonyOS, tuy nhiên chưa rõ liệu hệ điều hành này có phù hợp để đưa vào sử dụng trong chính phủ Trung Quốc hay không.
Huawei không đưa ra phản hồi cho yêu cầu bình luận của CNBC.
Tuy nhiên, động thái của Trung Quốc cũng có thể được xem là một phần của nỗ lực lớn nhằm loại bỏ công nghệ Mỹ, cố gắng bắt kịp các lĩnh vực như chất bán dẫn và thậm chí là dẫn đầu trong một số ngành như trí tuệ nhân tạo.
Ông Campling của Mirabaud Securities cho hay các doanh nghiệp Mỹ có liên quan đến động thái mới của Bắc Kinh sẽ chỉ chịu "ảnh hưởng hạn chế", phần lớn vì các phần mềm và phần cứng chỉ bị loại bỏ khỏi văn phòng chính phủ chứ không phải trên thị trường tiêu dùng.
Tuy nhiên, có lo ngại rằng đây có thể là khúc dạo đầu cho một phản ứng dữ dội hơn chống lại hàng công nghệ tiêu dùng Mỹ, nhiều khả năng gây tổn hại các doanh nghiệp Mỹ hơn nữa.
"Rủi ro lớn hơn đến từ việc người tiêu dùng Trung Quốc có thể cảm thấy bị đe dọa bởi các mối quan hệ và vấn đề quốc tế. Không nghi ngờ gì nữa, nếu lo ngại lan đến mức độ người tiêu dùng, nhiều công ty như Apple sẽ đối mặt với rắc rối, khi mà sản phẩm của Táo khuyết vốn là một mặt hàng chủ lực đại diện cho các thương hiệu Mỹ", ông Campling nói.