|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Quyết tẩy chay thiết bị viễn thông Huawei và ZTE, Mỹ lên kế hoạch phân bổ ngân sách riêng

13:20 | 04/12/2019
Chia sẻ
Từ lâu, Mỹ đã cảnh báo các nước khác không mua thiết bị viễn thông từ hai tập đoàn Trung Quốc Huawei Technologies và ZTE và Washington sẽ sớm rót tiền cho nỗ lực này.

Bloomberg đưa tin Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (DFC) đang lên kế hoạch triển khai một phần ngân sách 60 tỉ USD để giúp các nước đang phát triển và cộng đồng doanh nghiệp mua thiết bị từ một số công ty viễn thông khác.

"Mỹ đang rất tập trung vào việc đảm bảo có lựa chọn thay thế khả thi cho Huawei và ZTE. Tôi không muốn thế giới từ chối phương án của Mỹ. Ngược lại tôi muốn họ nhất trí với chúng tôi", ông Adam Boehler, Giám đốc Điều hành (CEO) thứ nhất của DFC, cho hay trong một cuộc phỏng vấn gần đây.

Ông Boehler từ chối tiết lộ các công ty đã tổ chức đàm phán với DFC hoặc hướng phân bổ ngân sách.

dcc74016-15f9-11ea-9462-4dd25a5b0420_image_hires_035919

DFC có kế hoạch triển khai một phần ngân sách 60 tỉ USD để tìm phương án khả thi thay thế thiết bị Huawei, ZTE. (Ảnh: South China Morning Post)

Tuy nhiên, kế hoạch của DFC có thể là một nỗ lực đáng hoan nghênh đối với Ericsson của Thụy Điển và Nokia Oyj của Phần Lan - hai hãng thiết bị viễn thông vốn đang chật vật để cạnh tranh với thiết bị rẻ và khả thi hơn từ Huawei và ZTE.

Mỹ có thể tài trợ cho phương án thay thế sản phẩm Huawei thông qua các khoản vay hoặc bảo đảm tiền vay, hoặc thậm chí thông qua mua cổ phần thiểu số trong các nhà sản xuất thiết bị viễn thông mới nổi.

Chính phủ Mỹ bày tỏ lo ngại về tình trạng các doanh nghiệp Trung Quốc chiếm ưu thế trong quá trình triển khai mạng 5G. Nhà Trắng nhiều lần cáo buộc thiết bị của Huawei và ZTE có thể được sử dụng cho mục đích gián điệp, song hai công ty này đều phủ nhận.

Nhiều quốc gia khác, kể cả Đức và Pháp, đều miễn cưỡng cấm nhà cung cấp riêng lẻ như Huawei dưới sức ép của chính quyền Tổng thống Trump.

DFC ra đời vào năm ngoái để hỗ trợ tài chính cho các quốc gia có thu nhập thấp và tầm trung, vốn chiếm khoảng một nửa thế giới. DFC bị cáo buộc "giúp thúc đẩy chính sách đối ngoại của Mỹ bằng cách chống lại ảnh hưởng ngày càng lớn của một số quốc gia" và dự kiến sẽ được Quốc hội Mỹ kiểm soát và tài trợ kinh phí hoàn toàn trong vài tháng tới.

Giới hạn đầu tư 60 tỉ USD của DFC cao gấp hai lần so với tổ chức tiền nhiệm của họ. DFC có thể thâu tóm cổ phần thiểu số trong doanh nghiệp, một công cụ mới có tác động lớn hơn một số công cụ hiện có như vay vốn, bảo đảm tiền vay và bảo hiểm rủi ro chính trị.

Ông Boehler không nêu rõ công cụ mà DFC có thể sử dụng để hỗ trợ mua thiết bị viễn thông không có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tuy nhiên, Financial Times từng đưa tin hồi tháng 10 rằng các quan chức chính phủ Mỹ có đề xuất cấp tín dụng cho các đối thủ của Huawei ở châu Âu.

Ericsson và Nokia đều không phản hồi bình luận của Bloomberg.

Một quan chức cấp cao khác của Nhà Trắng gần đây chia sẻ với Bloomberg rằng Mỹ đang cân nhắc các cơ chế tài trợ thông qua DFC giúp giảm chi phí mua sắm thiết bị 5G thương mại thay thế.

Ông Boehler cho biết DFC còn đang xem xét có nên trở thành nhà đầu tư sáng lập trong một quĩ cơ sở hạ tầng công nghệ mới nhắm mục tiêu hậu thuẫn các công ty mới nổi trong lĩnh vực 5G, trí tuệ nhân tạo, máy tính lượng tử và một số lĩnh vực khác hay không. Quĩ này sẽ không đầu tư vào các công ty Trung Quốc, ông lưu ý.

"Chúng tôi muốn đảm bảo rằng các công ty thế hệ mới, nếu không đặt trụ sở tại Mỹ, ít nhất họ sẽ tuân thủ nguyên tắc mà chúng tôi quan tâm: luật pháp và bảo vệ dữ liệu", CEO DFC nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông còn làm rõ: "Vấn đề thực sự đằng sau Huawei không phải là Trung Quốc mà là vấn đề bảo mật dữ liệu. Chúng tôi muốn đảm bảo doanh nghiệp tuân thủ các tiêu chuẩn bảo mật dữ liệu nhất định và bảo vệ thông tin người dùng".

Yên Khê