|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bài toán khó mang tên Huawei: Mỹ làm sao vừa đảm bảo an ninh quốc gia, vừa duy trì ưu thế công nghệ?

07:30 | 04/11/2019
Chia sẻ
Mỹ muốn bảo vệ an ninh quốc gia khỏi mối đe dọa từ Trung Quốc nhưng đồng thời cũng không thể cấm đoán hết thảy mọi công nghệ và mọi quan hệ làm ăn vì làm vậy sẽ làm suy yếu chính doanh nghiệp Mỹ.

Bế tắc về qui định

Năm 2018, chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên chiến với các tập đoàn công nghệ Trung Quốc với lí do đảm bảo an ninh quốc gia của Mỹ. Nhưng trong những tháng sau đó, Washington quản lí thì ít mà bế tắc thì nhiều.

Việc quản lí cơ sở hạ tầng viễn thông Mỹ trước các mối đe dọa từ nước ngoài hóa ra khó khăn và phức tạp hơn nhiều so với dự tính trước đó, đặc biệt là khi chính quyền còn phải cân đối cả mục tiêu duy trì ưu thế công nghệ quốc gia.

Hồi tháng 5 năm nay, Tổng thống Trump kí lệnh hành pháp cấm sử dụng sản phẩm và dịch vụ Trung Quốc trong hạ tầng viễn thông Mỹ. Đến nay, Bộ Thương mại Mỹ vẫn chưa hoàn thiện bản qui định chi tiết. Hạn chót 12/10 đến rồi đi và hiện không có dấu hiệu gì các qui định trên sẽ sớm được công bố.

Tờ South China Morning Post dẫn lời ông Harry Clark, chuyên gia về thương mại và luật pháp quốc tế tại Orrick, Herrington & Sutcliffe nhận định: "Hiện nay trong chính phủ Mỹ đang có sự bất đồng liên quan đến việc phát triển và thực hiện các chính sách kiểm soát xuất khẩu mở rộng". 

Công ty của ông Clark hiện đang tư vấn cho một số doanh nghiệp Mỹ là nhà cung cấp của Huawei Technologies ở Trung Quốc. Năm 2018, doanh thu bán hàng của các công ty Mỹ cho Huawei là hơn 14 tỉ USD.

Huawei vincom 2 self (3)

Một cửa hàng bán sản phẩm Huawei. Ảnh: Kiên Dương.

"Chính phủ rất khó để quyết định công nghệ nào nên bị hạn chế vì các công nghệ thường rất khó hiểu và biến đổi nhanh chóng. Các quyết định này có thể tạo ra ảnh hưởng rất lớn, nhiều khả năng đẩy doanh nghiệp Mỹ ra khỏi chuỗi cung ứng", ông Clark nói thêm.

Khi mà công nghệ là vấn đề gây tranh cãi nhất trong mối quan hệ Mỹ - Trung, cuộc đua thống trị các công nghệ thế hệ tiếp theo - như mạng 5G, robot và trí tuệ nhân tạo (AI) – đã trở thành trọng tâm trong chiến lược duy trì vai trò dẫn dẵn toàn cầu của Mỹ.

Một số quan chức Mỹ cùng với nhiều thành viên của ngành công nghệ cảnh báo rằng một lệnh cấm qui mô lớn có thể đẩy hoạt động hoạt động nghiên cứu đi ra nước ngoài và đánh gục ngành công nghệ Mỹ.

Tuy nhiên những người có quan điểm cứng rắn ở Washington thì cho rằng chính quyền Bắc Kinh là một mối rủi ro về an ninh cần phải được giải quyết.

Ông Michael Brown – Giám đốc đơn vị cải tiến quốc phòng của Lầu Năm góc nhận định: "Luật An ninh mạng mới của Trung Quốc đại ý nói rằng chính phủ Trung Quốc – không cần xin phép – có thể chiếm lấy bất cứ thứ gì đi qua mạng Trung Quốc. Bất kể người dùng cuối cùng là ai, chính phủ cũng như quân đội Trung Quốc cũng có thể tiếp cận mọi thông tin trên không gian mạng của nước này".

Một số cho rằng Huawei – "con chim đầu đàn"  trong lĩnh vực phát triển 5G – đã trở thành tâm điểm trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và nhiều khả năng bị sử dụng làm một công cụ mặc cả trên bàn đàm phán.

Thế tiến thoái lưỡng nan của cơ quan quản lí Mỹ

Sau lệnh hành pháp của Tổng thống Trump, Bộ Thương mại Mỹ trong tháng 5 đã đưa Huawei và hàng chục công ty con của Tập đoàn này vào Danh sách Thực thể, qua đó cấm doanh nghiệp Mỹ cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho tập đoàn Trung Quốc này khi chưa có sự đồng ý của chính phủ.

Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross cũng như Tổng thống Trump từng tuyên bố vào tháng 6 rằng doanh nghiệp Mỹ có thể nộp hồ sơ xin cấp phép làm ăn với Huawei và các hồ sơ này sẽ được xử lí "trong vài tuần". Đã 5 tháng trôi qua, hàng trăm hồ sơ xin cấp phép đã được nộp lên nhưng chưa hồ sơ nào được phê duyệt.

Bà Eileen Albanese – Trưởng phòng Kiểm soát An ninh quốc gia và Chuyển giao công nghệ tại Bộ Thương mại Mỹ chỉ còn biết nói: "Các hồ sơ xin cấp phép liên quan đến Huawei mà chúng tôi nhận được vẫn đang trong quá trình xử lí. Tôi cũng không thể đoán được khi nào giải pháp cuối cùng sẽ được đưa ra".

Phòng của bà Albanese hiện còn đang phụ trách soạn thảo một danh sách "các công nghệ mới nổi" và "các công nghệ nền tảng" cần được xem xét về an ninh quốc gia khi có vốn đầu tư nước ngoài. Năm ngoái Quốc hội Mỹ đã thông qua một đạo luật yêu cầu mở rộng kiểm soát đối với các loại công nghệ nói trên, nhưng việc xác định cụ thể công nghệ nào cần bị kiểm soát thì lại mất nhiều thời gian hơn dự kiến.

Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, bà Albanese nói rõ những khó khăn trong quá trình phân định:

"Chúng tôi cần phải dùng một cách tiếp cận hết sức cân bằng, nhưng không đến mức biến chính sách này thành một chiếc búa tạ bởi nó sẽ chỉ khiến cho hoạt động nghiên cứu chạy ra nước ngoài", bà Albanese nói.

Mất doanh thu vì lệnh cấm, mất ăn mất ngủ vì không biết tai họa nào sẽ ập xuống tiếp theo

Ông Harry Clark đến từ Orrick cho biết "Ngành công nghệ hiện đang cảm thấy rất bất an bởi qui định cụ thể vẫn chưa được công bố".

Các qui định hạn chế bán hàng cho Huawei khiến các nhà cung cấp tại Mỹ thiệt hại hàng tỉ USD mỗi năm. Top 19 nhà cung ứng lớn nhất của Huawei tại Mỹ thu về tổng cộng 14,2 tỉ USD từ tập đoàn Trung Quốc này trong năm 2018.

Một nhà cung ứng lớn là hãng sản xuất chip Micron Technology. Trong năm tài khóa 2019 (kết thúc ngày 29/8/2019), 12% doanh thu của Micron, tương đương 2,8 tỉ USD, là đến từ Huawei. Vậy nhưng sau lệnh cấm của chính phủ Mỹ hồi tháng 5, Micron cũng phải dừng hầu như toàn bộ hoạt động kinh doanh với gã khổng lồ Trung Quốc.

Trong quí gồm ba tháng 6-7-8, doanh thu của Micron giảm 42% so với cùng kì năm trước. Doanh thu cả năm tài khóa 2019 của Micron giảm 23%.

"Chúng tôi không thể dự đoán được khoảng thời gian hạn chế xuất khẩu còn áp đặt lên Huawei, cũng không thể dự đoán được liệu giấy phép có thể được cấp lại hay không và tác động dài hạn đến hoạt động của chúng tôi sẽ lớn đến đâu", ban lãnh đạo Micron viết trong báo cáo thường niên hai tuần trước.

Hãng sản xuất chất bán dẫn NeoPhotonics tại California có lẽ là doanh nghiệp phụ thuộc vào Huawei nhiều nhất. Năm 2018, khoảng 46% doanh thu của hãng này đến từ Huawei. Hồi tháng 8, NeoPhotonics cho biết: Việc đưa Huawei vào danh sách đen "được dự báo là sẽ có tác động đáng kể đến doanh thu và lợi nhuận của chúng tôi".

Huawei (53)

Huawei hiện không thể bán hàng tại Mỹ cũng không thể mua sản phẩm, dịch vụ từ Mỹ. Ảnh minh họa: Kiên Dương

Ngoài sự suy giảm dễ thấy trong doanh thu, ngành bán dẫn Mỹ còn lo ngại các biện pháp hạn chế của chính phủ sẽ khuyến khích Huawei tìm kiếm phương án thay thế từ các đối thủ cạnh tranh tại các quốc gia khác – một sự chuyển dịch đã bắt đầu được thực hiện.

Năm ngoái, Huawei đạt doanh thu gần 7 tỉ USD từ nước Mỹ. Một người phát ngôn của Huawei cho biết tập đoàn này đã thay thế hoàn toàn linh kiện Mỹ trong các sản phẩm hạ tầng 5G của mình trong quí vừa qua.

"Các tập đoàn bán dẫn Mỹ hoàn toàn nên cảm thấy lo lắng. Với những gì đang diễn ra, doanh nghiệp Trung Quốc không muốn sử dụng sản phẩm Mỹ. Hành động của ông Trump khiến cho Trung Quốc tiến nhanh hơn trên con đường tới sự độc lập về công nghệ", ông Bradley Gastwirth – Chiến lược gia trưởng về công nghệ tại Wedbush Securities nhận định.

"Những thiệt hại vẫn chưa hiện hình hết. Trong trung hạn, tình hình sẽ còn tồi tệ hơn rất nhiều", ông nói thêm.

Huawei vẫn sống khỏe, Mỹ tính chuyện gia tăng trừng phạt

Thiết bị tiêu dùng - mảng kinh doanh quan trọng nhất của Huawei – dường như vẫn đang sống khỏe. Doanh số smartphone của hãng này được dự báo sẽ đạt 270 triệu chiếc trong năm 201, chiếm tới 42% thị phần toàn Trung Quốc và bỏ xa doanh số iPhone của Apple.

Nhưng nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi cũng thừa nhận rằng lệnh cấm của Mỹ có thể khiến cho Huawei thiệt hại khoảng 10 tỉ USD doanh thu mỗi năm.

Trả lời hãng tin CNBC tháng trước, ông Nhậm nói: "Qua cơn hoạn nạn, chúng tôi tiến nhanh hơn trên con đường đổi mới. Chúng tôi đang chú trọng hơn tới việc thuê các nhân tài trẻ và chúng tôi có khả năng đạt được tiến bộ nhiều hơn trước đây".

Trong khi thế giới vẫn đang loay hoay với việc lắp đạt hạ tầng mạng viễn thông 5G, ông Nhậm cho biết Huawei đã bắt đầu nghiên cứu công nghệ 6G từ 5 năm trước và ông tự tin tập đoàn của mình có thể dẫn đầu cả thế giới trong lĩnh vực này.

Ngành công nghệ Mỹ còn đang phải đối mặt với nhiều bất ổn hơn nữa. Tuần qua, Ủy ban Viễn thông Liên bang (FCC) muốn áp đặt thêm các hạn chế đối với Huawei và một tập đoàn sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc khác là ZTE.

Dự kiến ngày 19/11 tới đây, Ủy ban FCC sẽ bỏ phiếu để thông qua đề xuất: Những doanh nghiệp Mỹ nào nhận trợ cấp trong gói hỗ trợ 8,5 tỉ USD của chính phủ có tên gọi Quĩ Dịch vụ Phổ quát sẽ không được mua thiết bị hoặc dịch vụ từ các công ty viễn thông Trung Quốc.

Ủy ban cũng sẽ xem xét một đề xuất khác liên quan đến việc loại bỏ và thay thế thiết bị Trung Quốc dùng trong các mạng không dây vùng nông thôn.

Trong một bài viết đăng trên Wall Street Journal tuần trước, ông Ajut Pai - Chủ tịch FCC cho rằng việc để thiết bị Trung Quốc lọt vào mạng không dây 5G của Mỹ "sẽ tạo ra rủi ro cắt gọt thông tin, theo dõi, gián điệp và nhiều mối nguy hại khác".

Đối với các doanh nghiệp công nghệ Mỹ, có vẻ như chính quyền Washington đang cố ý muốn gây khó dễ. Ông Bradley Gastwirth đến từ Wedbush Securities nói: "Nếu những hạn chế này được áp dụng, doanh nghiệp công nghệ Mỹ là bên thiệt hại, tức là chúng ta tự làm hại mình".

Kiên Dương, Song Ngọc