|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Huawei: Số lượng bằng sáng chế rất nhiều, chất lượng không được bao nhiêu

12:13 | 28/10/2019
Chia sẻ
Huawei Technologies – tâm điểm của cuộc chiến công nghệ cao giữa Mỹ và Trung Quốc – có nhiều hồ sơ chờ cấp bằng sáng chế nhất thế giới năm 2018. Tuy nhiên một nghiên cứu cho thấy chất lượng của các bằng sáng chế này của Huawei còn thua xa doanh nghiệp đối thủ Mỹ.
Huawei (8)

Một cửa hàng bán sản phẩm Huawei. Ảnh: Kiên Dương.

Bằng sáng chế không đột phá

Nikkei Asian Reivew trích dẫn phân tích của công ty nghiên cứu Patent Result tại Tokyo cho thấy chỉ khoảng 21% các hồ sơ bằng sáng chế của Huawei đáng được coi là có nội dung đổi mới đáng kể.

Patent Result đánh giá chất lượng của các hồ sơ xin cấp bằng sáng chế mà Huawei và các doanh nghiệp đối thủ nộp tại Mỹ dựa theo một bộ tiêu chí bao gồm tính độc đáo-mới mẻ, ứng dụng công nghệ thực tế và tính linh hoạt-đa ứng dụng.

Các hồ sơ bằng sáng chế này được phân loại dựa theo mức độ khác biệt so với một mốc so sánh cơ bản. Những bằng sáng chế có hệ số khác biệt từ 55 trở lên sẽ được coi là "chất lượng cao" hoặc thực sự sáng tạo.

Nhóm này chiếm 21% số hồ sơ xin cấp bằng sáng chế của Huawei, thấp hơn nhiều so với con số của các đại gia Mỹ như Intel (32%) hay Qualcomm 44%.

huawei patent 2

Việc Huawei đẩy mạnh mua bản quyền bằng sáng chế và chiêu mộ kĩ sư từ các doanh nghiệp Mỹ nhằm cải thiện mức độ đổi mới mấy năm gần đây khiến cho chính phủ Mỹ hết sức lo ngại.

Danh sách các doanh nghiệp có nhiều hồ sơ xin cấp bằng sáng chế nhất đã thay đổi chóng mặt. Năm 2005, những cái tên đứng đầu danh sách là Philips (Hà Lan), Panasonic (Nhật Bản) và Siemens của Đức. Huawei khi đó thậm chí còn không có tên trong top 20.

Tuy nhiên chỉ ít năm sau, đại gia công nghệ Trung Quốc này đã nhanh chóng thăng hạng và trong 5 năm gần đây, Huawei có tới 4 năm đứng đầu danh sách.

Theo Nikkei Asian Review, năm 2018, Huawei nộp hồ sơ xin cấp 5.405 bằng sáng chế, nhiều gấp khoảng hai lần vị trí thứ hai và thứ ba là Mitsubishi Electric (Nhật Bản) và Intel (Mỹ).

Tuy nhiên sự thăng tiến của Huawei trên bảng xếp hạng số lượng chưa chắc đã đồng nhất với sự cải thiện về khả năng sáng tạo.

huawei patent 1

Không tự phát triển thì mua lại ...

Trong những năm gần đây, Huawei tích cực mua lại bằng sáng chế từ các doanh nghiệp khác nhằm tăng cường chất lượng của danh mục bằng sáng chế về các công nghệ thiết yếu.

Cụ thể theo Nikkei, Huawei đã mua khoảng 500 bằng sáng chế từ nước ngoài, trong đó có khoảng 250 bằng sáng chế từ các tập đoàn Mỹ. Các thương vụ này bao gồm nhiều công nghệ liên quan tới truyền tín hiệu kĩ thuật số và chuyển giao kiểm soát hệ thống mạng.

Các bằng sáng chế "chất lượng cao" chiếm 67% con số Huawei mua lại nói trên. IBM và Yahoo là những đối tác lớn nhất, đã bán cho Huawei lần lượt 40 và 37 bằng sáng chế.

Mua bằng sáng chế là cách làm thường thấy khi các doanh nghiệp muốn cải thiện năng lực công nghệ của mình. Tuy vậy Huawei lại tích cực mua bằng sáng chế tới mức bất thường khi so với các tập đoàn Trung Quốc khác.

Chẳng hạn, đại gia thương mại điện tử Alibaba chỉ mua 43 bằng sáng chế từ doanh nghiệp lớn của Mỹ, một công ty internet lớn khác của Trung Quốc là Tencent chỉ mua một bằng sáng chế duy nhất.

...hoặc thuê lại người sáng chế

Huawei còn đẩy mạnh "câu kéo" nhân tài công nghệ Mỹ về cho bình. Các kĩ sư và chuyên gia của Mỹ giờ đây trở thành lực lượng nòng cốt trong đội ngũ nghiên cứu và phát triển (R&D) của Huawei.

Công ty nghiên ứu Patent Result liệt kê 30 kĩ sư xuất sắc nhất của Huawei bằng cách đánh giá các bằng sáng chế do Huawei tự phát triển. Danh sách này chủ yếu gồm các chuyên gia mà Huawei chiêu mộ từ công ty nước ngoài, trong đó Bắc Mỹ chiếm đa số với 17 người.

17 chuyên gia này đã tạo ra khoảng 370 hồ sơ xin cấp bằng sáng chế "chất lượng cao" theo đánh giá của Patent Result, bao gồm cả các hồ sơ được nộp cùng với các đồng nghiệp. Các nhân tài chiêu mộ được từ Motorola và các tập đoàn công nghệ khác giờ đây đóng vai trò lực đẩy chính trong bước tiến công nghệ của Huawei.

huawei patent 3

Đòn đáp trả của Mỹ 

Nỗ lực toàn diện của Huawei trong việc thu hút nhân tài cũng như công nghệ Mỹ về cho mình đã khiến cho các quan chức Mỹ phải lo ngại.

Hồi tháng 5, Mỹ đã đưa Huawei vào danh sách đen thương mại (tên chính thức là "Danh sách Thực thể") với cáo buộc đe dọa an ninh quốc gia, từ đó cấm doanh nghiệp Mỹ bán sản phẩm và dịch vụ cho Huawei.

Đến tháng 8, chính quyền Washington mở rộng phạm vi của lệnh cấm để bao gồm cả các tổ chức nghiên cứu. Thượng viện Mỹ hiện đang chuẩn bị một dự luật cho phép chính quyền liên bang cấm Huawei mua lại các bằng sáng chế, qua đó cản bước tiến công nghệ của đại gia Trung Quốc này.

Hồi tháng 7, các Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã trình một dự luật nhằm cấm Huawei mua hoặc bán bằng sáng chế từ Mỹ.

Nikkei đã đề nghị Huawei đưa ra bình luận về các động thái nói trên của Mỹ nhưng tập đoàn này từ chối.

Hiện nay, Huawei đang cố gắng giảm thiểu sự phụ thuộc của mình vào công nghệ của nước ngoài. Tập đoàn này đã phát triển được bộ chip riêng dùng cho mạng viễn thông thế hệ thứ 5 (còn gọi tắt là 5G).

Tháng 8 năm nay, Huawei ra mắt hệ điều hành mới tên gọi HarmonyOS cho smartphone. Trong tiếng Trung, tên của hệ điều hành này là Hongmeng hay Hồng Môn, nghĩa là "sự hỗn loạn của vũ trụ từ thuở sơ khai" theo truyền thuyết Trung Quốc.

Cái tên này cho thấy quyết tâm của Huawei trong việc vượt qua những thách thức hiện nay xoay quanh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.

Tuy nhiên một chuyên gia Trung Quốc cho rằng tên của hệ điều hành trên còn một ý nghĩa khác. Hongmeng có thể được viết bằng hai chữ cái tiếng Trung dịch ra là "Giấc mơ đỏ".

Ý nghĩa này không chỉ nhắc đến màu đỏ đặc trưng của Đảng Cộng sản Trung Quốc mà còn nhắc khéo tới khẩu hiệu "Giấc mơ Trung Hoa" mà Chủ tịch Tập Cận Bình sử dụng phổ biến trong mấy năm gần đây để thể hiện tham vọng đưa Trung Quốc trở thành cường quốc thống trị thế giới.

Nếu tên hệ điều hành của Huawei cũng thể hiện chính sách phát triển của công ty thì cuộc chiến tranh giành ngôi vị bá chủ công nghệ thế giới giữa Mỹ và Trung Quốc nhiều khả năng sẽ ngày càng khốc liệt theo thời gian.

Kiên Dương