|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhà máy Samsung chuyển sang Việt Nam vì thương chiến, thành phố Trung Quốc đang sầm uất bỗng chốc tiêu điều, hoang vắng

11:43 | 11/12/2019
Chia sẻ
Một tổ hợp sản xuất lớn của Samsung ở phía Đông Nam Trung Quốc đóng cửa sau 30 năm hoạt động để chuyển đến Việt Nam và Ấn Độ. Hệ quả là cả một thành phố của Trung Quốc trở nên vắng lặng lạ thường, quá nửa số hàng quán phải đóng cửa, hàng nghìn người lao động mất việc làm.
2c37c974-1a3a-11ea-8971-922fdc94075f_image_hires_080256

Sau khi nhà máy cuối cùng của Samsung tại Trung Quốc chuyển sản xuất tới Việt Nam và Ấn Độ, thành phố Huệ Châu bỗng trở nên xơ xác, tiêu điều. Minh họa: SCMP.

Thành phố Huệ Châu nằm bên bờ bắc sông Châu Giang thuộc tỉnh Quảng Đông, từ lâu đã được coi là trái tim của ngành công nghiệp sản xuất của Trung Quốc đại lục. Sở hữu một nhà hàng nhỏ tại đây, cô Li Bing vẫn còn nhớ như in hình ảnh các công nhân chen chúc xếp hàng lấy đồ ăn trong giờ nghỉ trưa.

Nhưng trong hai tháng gần đây, tất cả những gì mà cô trông thấy trong nhà hàng của mình chỉ là những chiếc bàn trống trải. Cảnh tượng này xảy ra ở hầu như tất cả những hàng quán xung quanh tổ hợp sản xuất Jinxinda, trung tâm tỉnh Quảng Đông.

Hơn 60% số hàng quán đã đóng cửa sau khi Samsung chuyển đi

Nguyên do là nhà máy của tập đoàn Samsung tại Huệ Châu – nhà máy sản xuất smartphone cuối cùng của đại gia Hàn Quốc ở Trung Quốc – đã đóng cửa vào tháng 10 vừa qua.  

Theo tờ South China Morning Post (SCMP), tổ hợp rộng 120.000 m2 này của Samsung từng thu hút hàng nghìn lao động từ các vùng khác di cư đến, tạo điều kiện cho nhà hàng của cô Li Bing và nhiều gia đình Huệ Châu khác làm ăn buôn bán.

Tuy nhiên sau khi Samsung chuyển sản xuất sang Việt Nam và Ấn Độ chủ yếu vì cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, vị thế của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã thay đổi và những hộ kinh doanh như cô Li Bing bỗng chốc mất đi sinh kế làm ăn, chưa biết phải làm gì tiếp theo.

"Trước khi nhà máy Samsung chuyển đi, doanh thu mỗi tháng của chúng tôi có thể đạt 60.000 – 70.000 nhân dân tệ (200 – 230 triệu đồng) mỗi tháng. Đa phần khách hàng của chúng tôi là nhân viên và nhà cung cấp của Samsung. Giờ đây chúng tôi chỉ kiếm được vài trăm nhân dân tệ mỗi ngày, một buổi tối thường chỉ có 2-3 bàn có khách", cô Li Bing tâm sự.

Nhiều công nhân Trung Quốc bị buộc thôi việc đã đăng các bình luận trên mạng xã hội cho biết họ không muốn nghỉ, đồng thời chia sẻ những bức ảnh chụp chiếc smartphone và đồng hồ đời mới nhất mà họ được Samsung tặng khi nghỉ việc.

Ít nhất 60% các cơ sở kinh doanh quanh tổ hợp Jinxinda đã phải đóng cửa. Theo SCMP, hiện chưa có nhà sản xuất qui mô lớn nào có khả năng thế chỗ trống Samsung để lại và nếu tình hình này tiếp diễn, số hộ kinh doanh sập tiệm chắc chắn sẽ tăng lên.

Nhà máy Samsung chuyển sang Việt Nam vì thương chiến, thành phố Trung Quốc đang sầm uất bỗng chốc tiêu điều, hoang vắng - Ảnh 2.

Ít nhất 60% cơ sở kinh doanh quanh nhà máy Samsung cũ đã đóng cửa sau khi Samsung rời đi. Ảnh: SCMP.

"Samsung là doanh nghiệp sản xuất hàng đầu thế giới. Trong 20 năm qua, nhà máy của Samsung tại Huệ Châu đã tạo nên một hệ sinh thái các chuỗi cung ứng ở tỉnh Quảng Đông và khu vực lân cận", Ông Liu Kaiming, Giám đốc Viện Quan sát Đương đại nhận định, đây là cơ quan giám sát điều kiện làm việc của hàng trăm nhà máy ở Trung Quốc.

"Ít nhất 100 nhà máy tại Quảng Đông sắp đóng cửa vì không thể tồn tại khi thiếu tổ hợp Samsung Huệ Châu. Vậy thì những hàng quán nhỏ ở khu vực lân cận sống làm sao nổi", ông Liu Kaiming nói thêm.

Thiếu đơn hàng Samsung, hàng nghìn công nhân ngồi chơi xơi nước

Tác động của việc nhà máy Samsung chuyển đi còn lan tới tận thị trấn Trường An thuộc thành phố Đông Hoản, cách Huệ Châu 100 km về phía tây. Đây là nơi có hàng nghìn công nhân di cư làm việc cho một nhà máy từng thuộc sở hữu của Tập đoàn Janus Intelligent Group niêm yết trên sàn chứng khoán Thẩm Quyến.

Janus Intelligent là công ty chuyên về robot hàng đầu của Trung Quốc. Từ cuối những năm 2000 đến nay, Samsung là khách hàng lớn nhất của Janus Intelligent. Sau khi nhà máy Samsung đóng cửa, nhiều công nhân của Janus đã bị buộc phải giảm giờ làm đi đáng kể. Một số công nhân còn bị yêu cầu nghỉ phép ba tháng, một số khác chỉ được làm việc một đến hai ngày mỗi tuần.

Năm ngoái, Janus lỗ ròng 2,86 tỉ nhân dân tệ (405 triệu USD) mà nguyên nhân, theo Janus, là Samsung đã dừng mọi đơn hàng kể từ quí IV/2018.

Tháng 9 năm nay, Janus đã thoái gần hết vốn tại nhà máy ở Đông Hoản cho Firstar Panel Technology. Một lãnh đạo giấu tên của Firstar xác nhận với SCMP về việc hoạt động sản xuất đã trì trệ rõ rệt nhưng không đưa ra thêm bình luận về kế hoạch cắt giảm nhân sự trong tương lai gần.

"Nhà máy này không còn sản xuất đơn hàng cho Samsung nữa. Việc nhân viên bị buộc nghỉ phép là một phần của chương trình tối ưu hóa nguồn lao động", vị lãnh đạo này nói. Trong ngày làm việc đầu tiên của tháng 12, nhiều công nhân phải "ngồi chơi xơi nước" xung quanh khu nhà máy.

Một nữ công nhân đến từ tỉnh Tứ Xuyên nói: "Chúng tôi đến làm việc 4 tiếng đồng hồ buổi sáng rồi sau đó được thông báo là 'Hôm nay làm đến đây thôi, không cần làm nữa'. Quản lí của chúng tôi nói là không có đủ nguyên liệu đầu vào cho sản xuất".

Từ tháng trước, khoảng 2/3 lực lượng công nhân hơn 3.000 người của nhà máy này đã được thông báo là không cần đến làm việc vì nhiều lí do khác nhau, nhiều người được yêu cầu chỉ làm việc các ngày xen kẽ.

Anh Liu Fang đến từ tỉnh Hà Nam - một người đã làm việc ở nhà máy trong hơn 5 năm qua nói: "Chúng tôi có cảm giác là nhà máy đang sử dụng chiến lược này để không cần phải mang tiếng sa thải nhân viên. Họ buộc các quản lí nghỉ phép ba tháng với tiền lương chỉ 2.000 nhân dân tệ (283 USD) mỗi tháng, còn công nhân thì đến làm một ngày rồi nghỉ 1-2 ngày nên không thể kiếm đủ thu nhập. Vậy là chúng tôi sẽ phải tự nguyện nghỉ việc".

Theo luật lao động địa phương, công nhân phải làm việc 22 ngày mỗi tháng để nhận được mức lương cơ bản 1.800 nhân dân tệ (255 USD). "Tháng trước, nhiều công nhân chỉ làm việc 15, 16 ngày, thế nên nhà máy thậm chí còn trừ tiền lương cơ bản của chúng tôi", anh công nhân Liu Fang nói thêm.

Vài năm trước với đơn hàng dồi dào từ Samsung, nhà máy này có tới hơn 10.000 công nhân. Xưởng sản xuất của Janus nằm ở cả hai bên đường cái lớn, trạm dừng xe bus cạnh đó còn được đặt tên theo tên của công ty.

"Có lúc cao điểm, nhà máy này thuê tới 40 ngôi nhà 6-7 tầng của người dân để làm chỗ ở cho công nhân. Giờ đây, con số này chỉ còn lại khoảng 20", anh Liu đến từ tỉnh Hà Nam nói.

Samsung đã đi, chưa biết liệu sẽ có ai đến

Quay trở lại Huệ Châu, chính quyền địa phương vẫn chưa đưa ra kế hoạch chính thức cho khu nhà máy giờ đây đang bỏ hoang. Người dân thì ngày đêm mong mỏi tìm được doanh nghiệp thế chỗ của Samsung.

"Sức tiêu dùng ở địa phương đang chết dần chết mòn và tình hình ngày càng tồi tệ. Doanh thu từ cửa hàng của tôi hiện đã giảm ít nhất 80% so với hồi tháng 8. Đa phần công nhân rời đi vào tháng 9", cô Li Hua, một chủ cửa hàng bách hóa buồn bã nói.

"Mọi cửa hàng ở đây, từ hàng thuốc tới siêu thị, nhà hàng, bách hóa, internet cà phê, căn hộ cho thuê, khách sạn, thậm chí là chỗ ăn chơi kiểu 'người lớn' – có cửa hàng nào là không dựa vào nhu cầu của công nhân Samsung đâu?", cô nói thêm.

Nhà máy Samsung ở Huệ Châu được thành lập vào tháng 8/1992, đúng 4 ngày trước khi Bắc Kinh và Seoul thiết lập quan hệ ngoại giao. Khi đó, Samsung kí một hợp đồng liên doanh với chính quyền địa phương.

Một năm sau, nhà máy này có vốn đăng kí 32 triệu USD và chính thức đi vào hoạt động. Từ đó về sau, nhà máy Samsung cho ra các sản phẩm hàng tiêu dùng điện tử hiện đại và phổ biến nhất thế giới, từ những chiếc đài của thập niên 1990 đến máy chạy MP3 đầu những năm 2000 và những chiếc smartphone kể từ năm 2007.

Samsung self (2)

Sản phẩm điện tử của Samsung bày bán tại Việt Nam. Ảnh: Đức Quyền.

Anh Huang Fumin, một quản lí môi giới bất động sản tại Huệ Châu chia sẻ với SMCP: "Có khoảng 100 nhà dân, cao từ 6 tới 7 tầng, rộng khoảng 1.000 m2 trong khu tổ hợp Jinxinda, đa phần từng được cho công nhân Samsung thuê. Nhà máy Samsung vừa đóng cửa, giá bán lập tức giảm từ 4,8 triệu xuống còn 3,8 triệu nhân dân tệ (từ 680.000 còn 540.000 USD) thế nhưng cũng không có ai thèm ngó ngàng tới".

"Trước đây, các khu nhà dân này lúc nào cũng đầy công nhân từ nhà máy Samsung và các nhà cung ứng của Samsung gần đó. Dù tối muộn đến đâu cũng có nhiều công nhân trẻ đến và đi, ăn đêm ở nhà hàng, chơi game online ở các quán internet. Giờ đây, khu vực này trông như một thị trấn ma vào ban đêm vì hầu như toàn bộ nhà cửa đề bỏ trống".

Vào thời hoàng kim năm 2011 khi Samsung dẫn đầu thị phần smartphone thế giới, hai nhà máy tại Huệ Châu và Thiên Tân sản xuất và xuất khẩu lần lượt 70,14 triệu và 55,64 triệu chiếc điện thoại di động.

Theo số liệu của Hải quan Huệ Châu, tháng 10 vừa qua – tháng đầu tiên mà nhà máy Samsung đóng cửa, xuất khẩu của các doanh nghiệp ở thành phố này giảm 27% so với cùng kì, còn 14 tỉ nhân dân tệ (2 tỉ USD).

Năm 2017, nhà máy Samsung Huệ Châu sản xuất 62,57 triệu chiếc điện thoại di động, và chiếm 31% (tương đương 15 tỉ USD) tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của toàn thành phố, đưa Huệ Châu lọt vào top 10 xuất khẩu của toàn Trung Quốc.

Đến năm 2018, Huệ Châu rớt từ vị trí thứ 10 xuống thứ 13, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt gần 16,3 tỉ USD.

Những nhà hàng nhỏ như của cô Li Bing đang có nguy cơ đóng cửa nếu chính quyền không sớm tìm ra giải pháp.

"Chúng tôi rất hi vọng chính quyền địa phương có thể đưa về đây một nhà máy với 2.000-3.000 công nhân càng sớm càng tốt. Chỉ có công nhân từ nơi khác đến mới có thể hỗ trợ sinh kế người dân địa phương".

Chủ một nhà hàng khác ở gần đó thì nói một nhà máy chỉ với 1.000-2.000 công nhân thôi cũng được vì "cơ sở kinh doanh của tôi đang chết dần và không thể đợi thêm được nữa".

Đức Quyền, Song Ngọc