Samsung rời đi - cơn ác mộng ở 'công xưởng thế giới' bắt đầu!
Nhà máy Samsung cuối cùng tại Trung Quốc chuẩn bị đóng cửa
Sự tháo chạy của Samsung
Sau khi đóng cửa nhà máy ở Thiên Tân vào cuối năm 2018. Samsung đã tiếp tục ngừng vận hành nhà máy ở Huệ Châu. Trong năm 2017, sản lượng của nhà máy này đạt 60 triệu chiếc/năm, tương đương 20% tổng sản lượng điện thoại thông minh của hãng.
Đối mặt với chi phí lao động gia tăng và cạnh tranh với các công ty trong nước, thị phần của Samsung tại Trung Quốc đã giảm từ khoảng 20% trong năm 2013 xuống còn 0,8% trong năm 2018. Samsung đã chuyển cơ sở sản xuất smartphone của mình sang Việt Nam và Ấn Độ.Mo
Mối lương duyên Samsung - Trung Quốc chấm dứt tiếp tục làm "nóng" những lo ngại về tương lai kinh tế của Trung Quốc và vai trò của đất nước này trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, nếu sự dịch chuyển diễn ra trên quy mô lớn có thể tác động nghiêm trọng đến sự ổn định kinh tế và việc làm trong nước của Trung Quốc.
Trước đó, các hãng máy tính nổi tiếng như HP và Dell sẽ chuyển 30% hoạt động sản xuất của họ từ Trung Quốc về Đông Nam Á. Thậm chí, Apple cũng yêu cầu các nhà cung cấp chính của họ giải quyết vấn đề chi phí, bằng cách di dời 15-30% việc sản xuất của mình từ Trung Quốc sang Ấn Độ.
Foxconn, nhà lắp ráp iPhone và iPad cũng tuyên bố rằng các quốc gia khác trong khu vực đủ năng lực để đáp ứng việc sản xuất các sản phẩm của Apple dành cho Mỹ. Trong trường hợp cần thiết, Foxconn sẽ dịch chuyển việc sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh những ảnh hưởng về thuế quan.
Có thể thấy rõ rằng, khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bước sang năm thứ hai, các nhà đầu tư nước ngoài đang đẩy mạnh việc áp dụng các chiến lược kinh doanh dài hạn để đối phó với căng thẳng. Cụ thể, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã xem xét lại hoạt động tại Trung Quốc và chọn con đường dịch chuyển để hạn chế các tổn thất đang ngày một gia tăng.
Bên cạnh đó, các quốc gia Đông Nam Á đang có nhiều chính sách thu hút các nhà đầu tư nước ngoài với nhiều ưu đãi hấp dẫn đã trở thành nơi "tránh bão" lý tưởng. Ví dụ, luật thuế ở Singapore tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh quốc tế, cũng như việc giải quyết tranh chấp phát sinh trong thương mại quốc tế.
Trong khi đó, Thái Lan đã công bố một gói chính sách, trong đó gồm việc cắt giảm 50% thuế dành cho các công ty nước ngoài di dời dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc. Dù việc dịch chuyển nhân sự và trụ sở ra khỏi Trung Quốc hiện tại chưa rầm rộ, nhưng đây vẫn là một tín hiệu cho thấy các công ty đa quốc gia đang hướng tầm nhìn về các nước bên ngoài Trung Quốc.
Caterpilla là doanh nghiệp Mỹ chủ yếu sản xuất sản phẩm phục vụ thị trường Trung Quốc
Khó thành xu hướng?
Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia nhận định, sự dịch chuyển của các doanh nghiệp sẽ khó trở thành một xu hướng trong tương lai. Điển hình như việc rời bỏ của Samsung phần lớn là do tập đoàn này bị mất thị phần vào tay các doanh nghiệp nội địa như Oppo, Xiaomi...
Khảo sát của Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - Trung gần đây cho thấy 97% báo cáo rằng hoạt động của họ ở Trung Quốc có lãi và 87% cho biết họ không di dời và không có kế hoạch di dời bất kỳ hoạt động nào của họ. Nói tóm lại, có rất ít dữ liệu thực tế chứng minh đang có một số lượng lớn doanh nghiệp đang tháo chạy khỏi Trung Quốc.
Hiện nay, xu hướng các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc chủ yếu sản xuất hàng hóa để bán tại thị trường nội địa đang phát triển nhanh chóng. Ví dụ, Caterpillar là doanh nghiệp Mỹ chuyên sản xuất các thiết bị máy móc trong lĩnh vực xây dựng. Tuy nhiên, gần như tất cả sản phẩm do Caterpillar sản xuất đều phục vụ cho thị trường Trung Quốc. Do đó, các doanh nghiệp nước ngoài như Caterpillar không có nhu cầu di dời hoạt động sang quốc gia khác.
Jon Cowley, một chuyên gia về luật thương mại tại Baker McKenzie, thay vì chấm dứt toàn bộ hoạt động sản xuất của họ ở Trung Quốc, các công ty nên tìm hiểu về việc chuyển đổi hoặc mở rộng các hoạt động sản xuất ra các quốc gia bên ngoài.
"Khi thị trường tiêu dùng nội địa Trung Quốc tiếp tục phát triển và sẽ ngày càng trở nên quan trọng, các doanh nghiệp sẽ thấy rằng việc từ bỏ hoạt động sản xuất tại đây sẽ mang lại nhiều tổn thất hơn là thuế quan của Mỹ", chuyên gia này phân tích.
Về cơ bản, di dời sản xuất ra khỏi Trung Quốc nói dễ hơn làm. Bất chấp thuế quan của Mỹ đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc đang có chiều hướng gia tăng, cho đến thời điểm hiện tại, các công ty đa quốc gia vẫn tiếp tục tìm đến Trung Quốc như một điểm đến đầu tư hấp dẫn.
Nhưng nếu câu chuyện căng thẳng thương mại chưa được giải quyết, những trường hợp như Samsung sẽ ngày một gia tăng?