|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Những khoản lãi bất thường thời COVID-19

07:15 | 04/11/2020
Chia sẻ
Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp vẫn báo lãi lớn là tín hiệu đáng mừng của nền kinh tế. Dù vậy, nhiều doanh nghiệp báo lãi nhưng không đến từ hoạt động kinh doanh chính.

Mùa báo cáo tài chính quí III vừa qua đi, nhiều doanh nghiệp ghi nhận sự phục hồi trong kết quả kinh doanh nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng ghi nhận lợi nhuận đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Nhiều doanh nghiệp báo lợi nhuận tăng trưởng, thậm chí đột biến trong quí III hay cũng có doanh nghiệp thoát lỗ nhờ doanh thu tài chính, lợi nhuận khác hay lãi từ công ty liên doanh, liên kết.

Theo thống kê của FiinGroup, dữ liệu từ 742 doanh nghiệp phi tài chính cho thấy thu nhập tài chính đóng góp khoảng 5,4% lợi nhuận của doanh nghiệp trong quí III và tăng rất mạnh lên tới 751,1% so với cùng kì. 

Các khoản thu nhập này phần lớn là lãi từ chuyển nhượng đầu tư tài chính (VCG, NVL và VIC); lãi tiền gửi (OIL, FPT, VHC); chiết khấu thanh toán (MWG). Với VHC, thu nhập tài chính còn đến từ kinh doanh chứng khoán. 

FiinGroup cho biết việc các doanh nghiệp đa dạng hóa nguồn thu ngoài hoạt động kinh doanh chính đã diễn ra phổ biến từ quí IV/2019 và trên nhiều ngành khác nhau. 

Khi chất lượng lợi nhuận và dòng tiền của doanh nghiệp đi xuống thì các doanh nghiệp đã nhanh nhạy để cải thiện nguồn thu và dòng tiền trong bối cảnh kinh doanh khó khăn hơn giai đoạn trước đó, theo nhận định của FiinGroup.

Những khoản lãi bất thường thời COVID-19 - Ảnh 1.

Nguồn: FiinGroup

Lãi tiền gửi ngân hàng cứu cánh ACV, VEF

Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (Mã: ACV) đã thoát lỗ quí III khi lợi nhuận sau thuế đạt gần 139 tỉ đồng nhờ khoản doanh thu tài chính.

Dịch COVID-19 bùng phát khiến các doanh nghiệp hàng không, dịch vụ hàng không trong đó có ACV chịu ảnh hưởng nặng nề.

Quí III, lợi nhuận gộp của ACV chỉ chưa tới 41 tỉ đồng. Các chi phí tài chính (287 tỉ đồng), chi phí quản lí doanh nghiệp (185 tỉ đồng) đã ăn mòn hết lãi gộp nhưng nhờ doanh thu tài chính 579 tỉ đồng chủ yếu là lãi tiền gửi (541 tỉ đồng) khiến công ty thoát lỗ.

Tại ngày 30/9, ACV có 33.396 tỉ đồng tiền gửi có kì hạn, tăng 2.474,5 tỉ đồng so với đầu năm. Bên cạnh đó, tổng công ty cũng có gần 584 tỉ đồng tiền, tương đương tiền chủ yếu là tiền gửi ngân hàng không kì hạn. 

Với lượng tiền gửi ngân hàng dồi dào nên các quí doanh thu tài chính của ACV luôn ở mức cao. 

Nhiều doanh nghiệp ghi nhận lãi bất thường trong quí III - Ảnh 1.

Nguồn: H.K tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất quí III

Tương tự ACV thì một doanh nghiệp khác là CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (Mã: VEF) cũng thoát lỗ nhờ lãi tiền gửi ngân hàng.

Trong quí III, VEF chỉ đạt hơn 106 triệu đồng doanh thu trong khi giá vốn là 3 tỉ đồng khiến công ty lỗ gộp.

Tuy nhiên, khoản doanh thu tài chính của VEF ghi nhận đột biến gấp 3,2 lần cùng kì năm 2019 lên gần 69 tỉ đồng. Nhờ nguồn thu tài chính đột biến nên lãi sau thuế của doanh nghiệp lên hơn 56 tỉ đồng, gấp 9 lần quí III/2019.

Tại ngày 30/9, tổng tiền, tương đương tiền của VEF là 4.925 tỉ đồng, tăng 4.914 tỉ đồng so với đầu năm.

Theo thuyết minh thì tại ngày 15/6, Tập đoàn Vingroup - CTCP (Mã: VIC) và cũng là công ty mẹ nắm hơn 83,3% vốn của VEF đã ứng trước 4.900 tỉ đồng cho doanh nghiệp nhằm mục đích góp vốn theo phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. 

Toàn bộ 4.900 tỉ đồng này đều bằng VND đang được gửi tại ngân hàng với kì hạn 2 hoặc 3 tháng với lãi suất từ 3,8 - 4,25%.

Doanh thu tài chính, lãi mua rẻ giúp loạt doanh nghiệp thoát lỗ

Dù không có doanh thu tài chính đột biến nhưng nhờ khoản lợi nhuận khác mà CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (Mã: HBC) cũng thoát lỗ quí III.

Quí III, Hoà Bình lỗ thuần hơn 14 tỉ đồng nhưng nhờ khoản lợi nhuận khác gần 74 tỉ đồng nên lãi sau thuế trong kì đạt hơn 53 tỉ đồng, giảm 22% so với cùng kì năm trước.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính của Hoà Bình, trong quí III xuất hiện khoản lãi từ mua rẻ gần 75 tỉ đồng nhưng không được doanh nghiệp thuyết minh chi tiết. 

Căn cứ Thông tư 202/2014/TT-BTC hướng dẫn phương pháp lập và trình bày báo cáo tài chính hợp nhất thì lãi từ giao dịch mua giá rẻ là khoản chênh lệch giữa giá phí khoản đầu tư vào công ty con nhỏ hơn phần sở hữu của công ty mẹ trong giá trị hợp lý của tài sản thuần của công ty con tại ngày mua (thuật ngữ này trước đây gọi là bất lợi thương mại hoặc lợi thế thương mại âm).

Không những thoát lỗ nhờ doanh thu tài chính mà CTCP Tập đoàn FLC (Mã: FLC) còn ghi nhận lãi đột biến trong quí III. 

Quí III, FLC lỗ gộp tới gần 327 tỉ đồng, nhưng khoản doanh thu tài chính đột biến gấp 2,8 lần lên 1.317 tỉ đồng giúp FLC lãi 577 tỉ đồng. Không chỉ thoát lỗ mà lãi sau thuế quí III của FLC còn đột biến gấp gần 9 lần so với cùng kì năm trước.

Trong kì khoản doanh thu tài chính khác của FLC tăng lên gần 1.468 tỉ đồng, gấp gần 4,45 lần so với quí III/2019 nhưng không được doanh nghiệp thuyết minh. 

FLC cho biết đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các mảng kinh doanh của tập đoàn như hàng không, du lịch nghỉ dưỡng khiến doanh thu và lợi nhuận của FLC lao dốc.

Tương tự FLC thì CTCP SAM Holdings (Mã: SAM) cũng thoát lỗ quí III nhờ khoản doanh thu tài chính khác không được thuyết minh.

Quí III, tổng chi phí của SAM lên tới gần 51 tỉ đồng trong khi lãi gộp chưa tới 34 tỉ đồng. Tuy nhiên, khoản doanh thu tài chính gấp 9,7 lần cùng kì năm trước lên gần 50 tỉ đồng quí này kéo lãi sau thuế của SAM đột biến lên 41 tỉ đồng, gấp 2,9 lần quí III/2019. 

Trong quí III, doanh thu hoạt động tài chính khác của SAM tăng từ gần 1,9 tỉ quí III/2019 lên hơn 37 tỉ đồng kì này nhưng không được doanh nghiệp thuyết minh chi tiết. 

Trên báo cáo tài chính riêng, lãi của công ty mẹ hơn 103 tỉ đồng, gấp 8,2 lần quí III/2019. Doanh nghiệp thuyết minh lãi đột biến chủ yếu đến từ việc hoàn nhập dự phòng đầu tư do tăng vốn CTCP Sacom Lâm Tuyền. Hoàn nhập dự phòng hơn 52 tỉ khiến chi phí tài chính của công ty mẹ SAM âm hơn 31 tỉ đồng.

Thêm CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (Mã: AGG) cũng thoát lỗ quí III nhờ doanh thu tài chính. 

Quí III, An Gia chỉ đạt 1,45 tỉ đồng lãi gộp trong khi tổng các chi phí lên tới 50 tỉ đồng nhưng nhờ doanh thu tài chính đột biến gấp hơn 3 lần lên 54 tỉ đồng kéo lãi sau thuế của công ty đạt 2,57 tỉ đồng, giảm 45% so với cùng kì năm trước. 

Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ lại gấp 3,1 lần quí III/2019 lên gần 8,8 tỉ đồng kì này. 

An Gia giải trình doanh thu tài chính đột biến đến từ việc chuyển nhượng dự án Phan Thiết thông qua chuyển nhượng 60% cổ phần tại CTCP Đầu tư và Quản lý Sơn Lâm, thu về khoản lãi hơn 41 tỉ đồng. 

Ngày 29/9, HĐQT An Gia đã thông qua việc chuyển nhượng vốn nói trên. Theo đó, Sơn Lâm trở thành công ty liên kết do An Gia sở hữu 39,99% vốn.

Lãi từ công ty liên kết giúp HHS, DRH lãi đột biến

Quí III, CTCP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (Mã: HHS) đạt 60 tỉ đồng lãi sau thuế, tăng 145% so với cùng kì năm 2019.

Dù lợi nhuận gộp chưa tới 10 tỉ đồng nhưng nhờ xuất hiện khoản lãi từ công ty liên doanh, liên kết tới 45 tỉ đồng nên HHS đã báo lãi sau thuế tăng mạnh so với cùng kì.

Nói thêm về khoản đầu tư công ty liên doanh, liên kết, tại ngày 30/9 HHS đầu tư tới 2.367 tỉ đồng vào ba công ty liên kết và giá trị hợp lí tại thời điểm này là gần 2.505 tỉ đồng. 

Trong quí III, HHS đã thực hiện góp thêm 719 tỉ đồng vào CTCP Tập đoàn Bất động sản CRV qua công ty mẹ là CTCP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (Mã: TCH) và CTCP Phát triển Dịch vụ Hoàng Giang (công ty con). 

Tổng tỉ lệ quyền kiểm soát và tỉ lệ lợi ích kinh tế tính đến ngày 30/9 lần lượt là 44,22% và 44,12%. Tại cuối quí II, giá gốc của khoản đầu tư này là gần 1.224 tỉ đồng. 

Nhiều doanh nghiệp ghi nhận lãi bất thường trong quí III - Ảnh 3.

Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quí III của HHS

Sau 9 tháng, HHS đã thực hiện được 62% mục tiêu doanh thu và vượt 5% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Việc HHS vượt kế hoạch lợi nhuận năm sau 9 tháng cũng nhờ khoản lãi từ công ty liên doanh, liên kết lên tới 130 tỉ đồng.

Tương tự HHS, CTCP DRH Holdings (Mã: DRH) báo lãi quí III tăng tới 92% lên gần 7,8 đồng cũng nhờ khoản lãi từ công ty liên kết tăng 66% lên 11 tỉ đồng. 

Tại ngày 30/9, DRH nắm 22,56% vốn của CTCP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (Bimico, Mã: KSB) với giá trị đầu tư 380,5 tỉ đồng. 

Trường hợp khác biệt là CTCP Than Núi Béo - Vinacomin (Mã: NBC) lãi quí III tăng gấp 11,7 lần lên 153 tỉ đồng không đến từ doanh thu tài chính, lợi nhuận khác hay các khoản hoàn nhập dự phòng.

Theo giải trình, doanh nghiệp cho biết lợi nhuận quí III tăng đột biến do tháng 9 Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) tạm điều chỉnh kế hoạch công nghệ theo tình hình thực tế của công ty, giấy phép khai thác khoáng sản và điều chỉnh doanh thu cho công ty gần 304 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, báo cáo tài chính quí III hiện tại là số tạm tính do công ty chưa quyết toán chi phí với Vinacomin.  

Hoàng Kiều