|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Một doanh nghiệp báo lãi quí III đột biến gấp 9 lần nhờ lãi tiền gửi ngân hàng

13:42 | 21/10/2020
Chia sẻ
Nhờ khoản tiền 4.900 tỉ đồng đang được gửi ngân hàng nên lợi nhuận sau thuế của CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam đạt hơn 56 tỉ đồng quí III/2020.

CTCP Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (Mã: VEF) đã công bố báo cáo tài chính quí III/2020.

Trong quí III, VEF chỉ đạt hơn 106 triệu đồng doanh thu trong khi giá vốn là 3 tỉ đồng khiến công ty lỗ gộp.

Tuy nhiên, khoản doanh thu tài chính (lãi tiền gửi) của VEF ghi nhận đột biến gấp 3,2 lần cùng kì năm 2019 lên gần 69 tỉ đồng. Nhờ nguồn thu tài chính đột biến nên lãi sau thuế của doanh nghiệp lên hơn 56 tỉ đồng, gấp 9 lần quí III/2019.

Nói sâu hơn về khoản doanh thu tài chính của VEF, đây đều là lãi tiền gửi ngân hàng của doanh nghiệp.

Tại ngày 30/9, tổng tiền, tương đương tiền của VEF là 4.925 tỉ đồng, tăng 4.914 tỉ đồng so với đầu năm.

Theo thuyết minh thì tại ngày 15/6, Tập đoàn Vingroup - CTCP (Mã: VIC) và cũng là công ty mẹ nắm hơn 83,3% vốn của VEF đã ứng trước 4.900 tỉ đồng cho doanh nghiệp nhằm mục đích góp vốn theo phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Toàn bộ 4.900 tỉ đồng này đều bằng VND đang được gửi tại ngân hàng với kì hạn 2 hoặc 3 tháng với lãi suất từ 3,8 - 4,25%.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, VEF đạt gần 3,8 tỉ đồng doanh thu, giảm gần 20% so với cùng kì năm 2019. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng tăng đột biến gấp 3 lần lên hơn 85 tỉ đồng.

Năm 2020, công ty đặt mục tiêu 10 tỉ đồng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ và 77 tỉ đồng doanh thu tài chính. Như vậy, sau 9 tháng, VEF mới thực hiện được gần 38% mục tiêu tổng doanh thu nhưng đã đạt gần 90% kế hoạch doanh thu tài chính cả năm. 

Tại ngày 30/9, tổng tài sản của VEF đạt gần 6.853 tỉ đồng, riêng khoản tiền, tương đương tiền chiếm tới 72%.

Khoản chi phí xây dựng cơ bản dở dang của VEF hết quí III là 893 tỉ đồng, nằm ở ba dự án trọng điểm của doanh nghiệp ở Hà Nội.

Một doanh nghiệp báo lãi quí III đột biến gấp 9 lần nhờ lãi tiền gửi ngân hàng - Ảnh 1.

Nguồn: Báo cáo tài chính quí III/2020

Chi phí dở dang ở dự án Trung tâm Hội chợ triển lãm Quốc gia tại huyện Đông Anh có giá trị lớn nhất là 730 tỉ đồng.

Dự án Trung tâm Hội chợ triển lãm Quốc gia có qui mô 300 ha, là một trong 10 công trình trọng điểm ưu tiên đầu tư theo qui hoạch vùng thủ đô. Dự án có tổng vốn đầu tư là 7.336 tỉ đồng với 15% vốn góp còn lại là vay.

Dự kiến dự án sẽ được khởi công vào quí IV/2020 và hoàn thành vào quí III/2024. 

Bên cạnh vị trí dự án Trung tâm Hội chợ triển lãm Quốc gia thì đầu tháng 8/2020,ĐHĐCĐ của VEF cũng thông qua chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị mới với tổng vốn đầu tư 34.879 tỉ đồng. Trong đó có 15% vốn góp, còn lại là huy động từ vốn vay. Tiến độ dự án này dự kiến từ năm 2020 đến 2025.

Bên cạnh đó, hơn 149 tỉ đồng chi phí dở dang ở dự án Tổ hợp Trung tâm Thương mại và Nhà ở tại số 148 Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội và hơn 13 tỉ ở dự án Khu chức năng Đô thị Nam đại lộ Thăng Long ở Mễ Trì, Hà Nội.

Dự án Tổ hợp Trung tâm Thương mại và Nhà ở tại số 148 Giảng Võ có qui mô 6,8 ha là tổ hợp gồm căn hộ, trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn và trường học. Dự án có tổng vốn đầu tư 17.440 tỉ đồng với 20% vốn góp còn lại là vốn vay. Tiến độ thực hiện cụ thể chưa được doanh nghiệp công bố. 

Với Khu chức năng Đô thị Nam đại lộ Thăng Long có diện tích đất khoảng 75 ha gồm các chung cư, biệt thự liền kề, văn phòng kết hợp lưu trú, dịch vụ thương mại và trường học có tổng vốn đầu tư 19.090 tỉ đồng với 15% vốp góp. Tổng vốn đầu tư của 4 dự án trên khoảng 78.745 tỉ đồng. 

VEF có hoạt động chính là nhà tổ chức, nhà cung cấp dịch vụ hàng đầu tại Việt Nam trong lĩnh vực hội chợ triển lãm bên cạnh việc kinh doanh bất động sản với vốn điều lệ 1.666 tỉ đồng. Ngoài Tập đoàn Vingroup sở hữu hơn 83% vốn thì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng là cổ đông lớn nắm 10% vốn của VEF.

Cũng trong tháng 8 vừa qua, CTCP Phát triển Thành phố Xanh - công ty con do Tập đoàn Vingroup nắm hơn 76% vốn đã nâng sở hữu tại VEF lên 4,66%.

Hoàng Kiều