|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Những điều thú vị về Go-Jek, công ty đứng sau Go-Việt

11:09 | 26/09/2018
Chia sẻ
Được định giá 5 tỷ USD tại vòng gọi vốn gần nhất diễn ra hồi tháng 2/2018, Go-Jek đang lên kế hoạch tiếp tục huy động thêm 2 tỷ USD cho cuộc chiến đường dài cùng Grab trên mọi mặt trận, được dự báo sẽ rất khốc liệt. 

Ngày 12/9 vừa qua, Go-Việt chính thức ra mắt thị trường Hà Nội sau khi tuyên bố nắm tới 35% thị phần gọi xe trực tuyến tại TP HCM trong hai tuần. Ngay lập tức, ứng dụng này trở thành đối trọng trực tiếp của Grab trong cuộc chiến giành thị phần gọi xe thông minh tại Việt Nam.

Chính sách khuyến mãi của Go-Việt đang hấp dẫn khách hàng mới trải nghiệm, lượng tải ứng dụng gia tăng nhanh chóng. Nhưng liệu Go-Việt có đủ khả năng để chạy đua đường dài cùng Grab, đâu là vũ khí để ứng dụng gọi xe này tránh đi vào vết xe đổ của Uber?

Cùng tìm hiểu xem công ty Go-Jek - cổ đông lớn nhất của Go-Việt - có gì đặc biệt?

Từ đội ngũ 20 tài xế cho đến top 50 công ty thay đổi thế giới

Go-Jek là một startup công nghệ có trụ sở tại Jakarta, Indonesia trong lĩnh vực gọi xe, logistics và thanh toán điện tử. Tên gọi Go-Jek bắt nguồn từ “Ojek”, tiếng Indonesia chỉ xe máy, nguyên lý hoạt động tương đồng với mô hình của Grab hay Uber.

nhung dieu thu vi it ai biet ve go jek cong ty dung sau go viet
Giống như Grab, Go-Jek lấy cảm hứng từ những tồn tại trong lĩnh vực xe ôm truyền thống của Indonesia

Go-Jek là công ty kỳ lân đầu tiên của Indonesia, cũng là công ty duy nhất của Đông Nam Á lọt top 50 công ty thay đổi thế giới của Fortune năm 2017, đứng trong hàng ngũ với những cái tên như Apple (hạng 3); Unilever (hạng 21), Microsoft (hạng 25)...

Thành lập năm 2010 với chỉ 20 tài xế, đội ngũ của Go-Jek đạt con số 1 triệu tài xế vào tháng 5/2018. Ứng dụng Go-Jek ra mắt vào tháng 1/2015, trong vòng chưa đầy hai năm đã ghi nhận gần 30 triệu lượt tải xuống.

Hiện Go-Jek nằm trong top 10 thương hiệu mạnh nhất Indonesia, cùng với đó là top 3 doanh nghiệp giao nhận, vận chuyển mạnh nhất nước này.

Đóng góp hơn 730 triệu USD hàng năm cho nền kinh tế Indonesia

Sự phát triển nhanh chóng khiến Go-Jek tăng cường đầu tư vào các thương vụ mua bán, sáp nhập. Năm 2016, công ty của Indonesia mua lại 2 startup công nghệ của Ấn Độ là C42 Engineering và Condelgnition, thành lập một trung tâm phát triển tại Bangalore (thung lũng Silicon của Ấn Độ).

Năm 2017, Go-Jek mua lại Loket.com, một trong những hệ thống quản lý sự kiện và đặt vé trực tuyến lớn nhất Indonesia; cùng năm này công ty cũng đã rót tiền mua lại 3 công ty fintech lớn nhất đất nước vạn đảo là Kartuku, Midtrans và Mapan để mở rộng hoạt động thanh toán.

nhung dieu thu vi it ai biet ve go jek cong ty dung sau go viet
Nghiên cứu của cơ quan của Indonesia cho thấy, thu nhập của lái xe Go-Jek nhỉnh hơn 25% so với mức lương trung bình

Một nghiên cứu của cơ quan thống kê dân số và việc làm Indonesia năm 2016 chỉ ra rằng, thu nhập trung bình của các lái xe toàn thời gian của Go-Jek là 3,48 triệu Rp/tháng, cao hơn 1,25 lần mức lương tối thiểu trung bình tại Indonesia (2,8 triệu Rp/tháng). Thu nhập trung bình của các đối tác lái xe đạt 3,31 triệu Rp/tháng cao hơn so với lao động chuyên nghiệp nói chung (3,1 triệu Rp/tháng cho nhân viên ngành vận tải, 2,34 triệu Rp/tháng cho lao động khu vực công nghiệp).

Nghiên cứu của Temasek cho thấy, Go-Jek đóng góp khoảng 9.900 tỷ Rp (tương đương 732 triệu USD) hàng năm cho nền kinh tế Indonesia.

Gọi vốn 2,1 tỷ USD từ những cái tên như Tencent, Warburg Pincus, Google, JD.com...

Khởi đầu hành trình gọi vốn từ tháng 12/2014, tuy nhiên phải đến vòng gọi vốn D, tháng 8/2016, Go-Jek mới có thể huy động được tổng số tiền giá trị 550 triệu USD từ 10 nhà đầu tư. Đây đều là những tên tuổi có tiếng như Warburg Pincus, KKR & Co, Rakuten, Capital Group, Northstar Group…

Gần nhất vào tháng 2/2018, Go-Jek huy động số tiền khổng lồ 1,5 tỷ USD từ 11 nhà đầu tư tại vòng gọi vốn E, gồm những cái tên thậm chí còn đình đám hơn như Tencent Holdings, Temasek Holdings, Google, JD.com… Đợt gọi vốn lần này cũng thu hút được hai doanh nghiệp hàng đầu Indonesia tham gia là Blibi và Astra.

nhung dieu thu vi it ai biet ve go jek cong ty dung sau go viet
Tencent, Warburg Pincus, KKR & Co, Openspace là 4 nhà đầu tư chính tại Go-Jek

Như vậy Go-Jek huy động được khoảng 2,1 tỷ USD sau 6 vòng gọi vốn với 22 nhà đầu tư, và được định giá khoảng 5 tỷ USD thời điểm quý tháng 2/2018.

Hiện 4 nhà đầu tư chính tại Go-Jek lần lượt là Tencent, Warburg Pincus, KKR & Co và Openspace.

JC&C gián tiếp đầu tư Go-Việt tại Việt Nam, bên cạnh Thaco, Vinamilk và REE

Nói về Astra, nhà đầu tư gần nhất rót 150 triệu USD vào Go-Jek, cũng là công ty bản địa Indonesia, đây lại là công ty con do Jardine Cycle & Carriage (JC&C) sở hữu 51%. JC&C đang nắm cổ phần tỷ trọng lớn tại các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam là CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco), tỷ lệ 25,33%; CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk), tỷ lệ 10,62% và CTCP Cơ điện lạnh REE, tỷ lệ 24,65%.

Như vậy ngoài 3 khoản đầu tư khá quen thuộc là VNM, Thaco và REE nói trên, ít người để ý JC&C cũng có mối liên hệ với Go-Việt.

Trước đó tháng 5/2018, Go-Jek tiết lộ kế hoạch đầu tư 500 triệu USD vào chiến lược mở rộng quốc tế, bắt đầu với 4 quốc gia Đông Nam Á là Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Philippines.

Huy động 2 tỷ USD cho cuộc chiến đường dài với Grab

Theo cập nhật của tờ Tech Crunch, ứng dụng gọi xe của Indonesia đang có kế hoạch huy động thêm 2 tỷ USD cho cuộc chiến với Grab tại thị trường Đông Nam Á trong thời gian tới. Với nguồn tiền này, công ty sẽ mở rộng phạm vi dịch vụ tại thị trường trong nước, cung cấp dịch vụ theo yêu cầu và các sản phẩm tài chính, đồng thời thâm nhập các thị trường mới.

Kế hoạch của Go-Jek được đưa ra sau khi Grab huy động được khoảng 2 tỷ USD trong mùa hè này bao gồm cả khoản đầu tư 1 tỷ USD từ Toyota. Chưa kể hồi đầu năm, Grab đã hoàn tất việc mua hoạt động kinh doanh của Uber tại Đông Nam Á. Gần đây, công ty này để ngỏ ý định huy động thêm 1 tỷ USD trước thời điểm năm 2018 kết thúc.

nhung dieu thu vi it ai biet ve go jek cong ty dung sau go viet
Cuộc chiến Go-Jek vs Grab tại thị trường Đông Nam Á được dự báo rất khốc liệt

Cũng giống như Go-Jek, Grab đang muốn mở rộng các dịch vụ của mình bao gồm dịch vụ theo yêu cầu, fintech, để hướng đến một siêu ứng dụng tại Đông Nam Á.

Thậm chí Grab còn đang lên kế hoạch đánh chiếm mạnh hơn vào thị trường "sân nhà" của Go-Jek là Indonesia (đất nước đông dân thứ 4 thế giới) bằng việc đầu tư 250 triệu USD để thâu tóm các doanh nghiệp địa phương.

Một báo cáo mới đây của hãng nghiên cứu thị trường ABI Research cho thấy một kết quả bất ngờ, Grab đã vượt Go-Jek ở thị trường Indonesia để vươn lên số 1 ở thị trường này xét về số cuốc xe.

Báo cáo cho thấy đến cuối tháng 6/2018, Grab dẫn đầu với 62% thị phần gọi xe tại Indonesia. Trong khi đầu năm 2017, Grab mới chỉ có 30% thị phần ở quê hương của Go-Jek còn Go-Jek chiếm đến 58% thị phần.

Về mặt định giá, trong lần gọi vốn gần nhất, Go-Jek có giá trị 5 tỷ USD; trong khi đó thời điểm kết thúc tháng 8, Grab có giá trị khoảng 11 tỷ USD.

Đội ngũ sáng lập, kẻ trở thành doanh nhân của năm, người bỏ dở để theo đuổi đam mê nghệ thuật

Một đồng sáng lập của Go-Jek là ông Nadiem Makarim tốt nghiệp đại học Brown và đại học Harvard. Trước khi thành lập Go-Jek, ông làm giám đốc sáng tạo tại Kartukul; đồng sáng lập và giám đốc điều hành của Zalora Indonesia và cộng tác cùng McKinsey & Company. Năm 2017, Madiem Makarim giành được giải thưởng doanh nhân của năm từ Ernst & Young.

nhung dieu thu vi it ai biet ve go jek cong ty dung sau go viet
Ông Nadiem Makarim - CEO của Go-Jek

Kevin Aluw, giám đốc thông tin và là đồng sáng lập của Go-Jek từng làm việc tại Salem Partners LLC ở vị trí chuyên viên phân tích ngân hàng đầu tư.

Sau khi trở về Indonesia, ông gia nhập Merah Putih, một startup với cương vị giám đốc kinh doanh thông minh. Aluwi tốt nghiệp đại học Nam California chuyên ngành tài chính doanh nghiệp.

Michaelangelo Moran một đồng sáng lập khác của Go-Jek đã rời công ty năm 2016 để theo đuổi con đường nghệ thuật, ông chính là tác giả của logo Go-Jek hiện đang sử dụng.

Xem thêm


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Bạch Mộc

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.