|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Những con số đáng chú ý trên báo cáo tài chính của Biwase

10:27 | 26/07/2019
Chia sẻ
Tài sản Biwase giảm hơn 7.600 tỉ, nợ vay tăng lên trên 2.700 tỉ đồng so với thời điểm đầu năm 2019.

CTCP Nước – Môi trường Bình Dương (Biwase - Mã: BWE) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quí II/2019 với những nội dung đáng chú ý.

Tổng tài sản giảm mạnh

Theo báo cáo, tổng tài sản của Biwase tại thời điểm 30/6 chỉ còn lại 6.140 tỉ đồng, giảm 7.638 tỉ so với mức 13.778 tỉ đồng thời điểm đầu năm, tương ứng mức giảm 55,5%.

Theo đó, khoản mục nguồn vốn của Biwase cũng giảm tương ứng. Trong đó, vốn chủ sở hữu giảm từ 4.126 tỉ đồng xuống còn 2.045 tỉ đồng xuất phát từ khoản "nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản giảm" 2.182 tỉ đồng; khoản nợ "phải trả dài hạn khác" giảm từ 5.564 tỉ đồng xuống còn 853 tỉ đồng.

Theo giải trình, nguyên nhân giảm tổng tài sản là do Công ty đã thực hiện bàn giao tài sản, công nợ từ các đơn vị gồm: Ban Quản lý Dự án Cấp nước Thủ Dầu Một; Ban QLDA Cấp nước môi trường; Ban QLDA Thoát nước và Xử lý nước thải khu vực Dĩ An, Thuận An và Tân Uyên và Ban QLDA Cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương theo các quyết định của UBND tỉnh.

Theo đó, số liệu của 4 Ban QLDA nêu trên sẽ được bàn giao về Ban QLDA chuyên ngành nước thải Bình Dương – đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh Bình Dương. Hoạt động theo nguyên tắc tự đảm bảo kinh phí hoạt động; tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính theo Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ.

Do vậy, công ty không thực hiện cộng hợp số liệu của các Ban QLDA này vào BCTC giữa niên độ cho kế toán kết thúc ngày 1/1/2019 đến ngày 30/6/2019. Điều này dẫn đến giá trị tổng tài sản và tổng nguồn vốn trên bảng cân đối kế toán hợp nhất tại ngày 30/6/2019 giảm đáng kể so với thời điểm 1/1/2019.

Biwase KT2018

Vấn đề về tài sản trên sổ sách của Biwase trước đó đã được đề cập trong các báo cáo tài chính do Biwase công bố (nguồn: BCTC hợp nhất 2018)

Trước đó, trong báo cáo tài chính riêng và hợp nhất 2018, kiểm toán viên độc lập nhấn mạnh kèm theo ý kiến chấp nhận toàn phần báo cáo tài chính về các tài sản không tính vào giá trị doanh nghiệp theo quyết định số 3782/QĐ-UBND ngày 29/12/2017 về việc phê duyệt quyết toán cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước – Môi trường Bình Dương.

Tính đến thời điểm ngày 31/12/2018 các tài sản không tính vào giá trị doanh nghiệp là 6.478,9 tỉ đồng, tương ứng nợ phải trả là 4.944 tỉ đồng và nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản là 1.535 tỉ đồng chưa được hoàn tất các thủ tục bàn giao do chưa có văn bản hướng dẫn từ các cơ quan có thẩm quyền.

Theo giải trình của Biwase, do cơ cấu tổ chức của công ty bao gồm 5 Ban quản lý Dự án, được thành lập không vì mục tiêu lợi nhuận, hoạt động bằng nguồn vốn công ty, nguồn vốn vay, viện trợ và nguồn ngân sách cấp, để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh nên thông tin tài chính của các đơn vị này được tổng hợp trong Báo cáo tài chính của Biwase.

Khi thực hiện cổ phần hóa, các tài sản và nguồn hình thành tài sản tại các Ban quản lý Dự án nêu trên được loại trừ khỏi danh sách giá trị doanh nghiệp theo quyết định ngày 29/12/2017 nêu trên về việc phê duyệt quyết toán cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Cấp thoát Nước - Môi Trường Bình Dương.

Tuy nhiên, do chưa có văn bản hướng dẫn từ các cơ quan có thẩm quyền về việc xử lý, bàn giao các tài sản này, nên các tài sản này công ty đang tạm giữ hộ và được theo dõi trên Báo cáo tài chính của BWE cho đến khi hoàn tất công tác bàn giao cho các đơn vị khác quản lý.

Đồng thời, giá trị các tài sản loại trừ vẫn tiếp tục tăng so với giá trị loại trừ khỏi giá trị doanh nghiệp tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần do vẫn đang tiếp tục được đầu tư và chưa được quyết toán vốn đầu tư hoàn thành để bàn giao cho các đơn vị tiếp nhận tài sản. 

Theo đó, Ban giám đốc Biwase cho rằng cần nhấn mạnh nhằm lưu ý người đọc Báo cáo tài chính của đơn vị.

Nợ vay không giảm, lợi nhuận tăng mạnh nhờ hoạt động tài chính

Cũng theo BCTC quí II/2019 vừa công bố, mặc dù tổng tài sản giảm nhưng nợ vay của Biwase không giảm mà còn tăng lên.

Tính đến 30/6, Biwase có 784 tỉ đồng nợ vay ngắn hạn và 1.925 tỉ đồng nợ vay dài hạn trên tổng số 4.058 tỉ đồng nợ phải trả. So với thời điểm đầu năm, nợ vay ngắn và dài hạn của Biwase tăng lần lượt 22 tỉ đồng và 278 tỉ đồng.

Về hoạt động kinh doanh, doanh thu của Biwase trong 6 tháng đầu năm đạt 642 tỉ đồng, tăng nhẹ 2% nhưng lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ tăng đến 153% so với cùng năm trước lên mức 103 tỉ đồng.

Nguyên nhân chính giúp lợi nhuận Biwase chủ yếu đến từ hoạt động tài chính. Chi phí tài chính trong quí II/2019 giảm 59 tỉ đồng, tương đương 69% nhờ hoàn nhập dự phòng tổn thất đầu tư các cổ phiếu DNW, PRT, TLP do thị giá tăng.

Ngoài ra, biên lợi nhuận gộp của Biwase cũng tăng 2,7% điểm phần trăm lên mức 37,94% giúp công ty ghi nhận khoản lợi nhuận gộp 244 tỉ đồng, tăng 10% so với cùng năm trước. Nguyên nhân biên lãi gộp quí II lớn hơn, theo công ty cho biết, là do giá nước năm nay tăng theo lộ trình được duyệt bởi tỉnh Bình Dương

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Biwase đạt doanh thu thuần 1.113 tỉ đồng, tăng 8% so với cùng năm 2018; lợi nhuận sau thuế đạt 207 tỉ đồng, gấp đôi so với cùng năm trước.

Hoàng Trung

Cập nhật kết quả quý I ngân hàng: Techcombank tạm dẫn đầu, LPBank báo lãi tăng mạnh nhất
Nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý I với lợi nhuận phân hoá rõ nét, bảng xếp hạng lợi nhuận lại tiếp tục có xáo trộn với sự vươn lên trước của Techcombank.