Bí ẩn hiện tượng 'cá bé nuốt cá lớn' trong các thương vụ thoái vốn Nhà nước
Cơn bão M&A doanh nghiệp diễn ra với tốc độ chóng mặt trên thế giới từ thập niên 90 đang tràn vào Việt Nam khi thị trường chứng khoán ngày càng phát triển hơn.
Xu hướng dịch chuyển nguồn lực từ kinh tế Nhà nước sang kinh tế tư nhân trong những năm gần đây kéo theo hàng loạt vụ IPO, đặc biệt là thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước tạo ra một sân chơi hấp dẫn các nhà đầu tư lẫn trong và ngoài nước.
Số liệu thống kê của Diễn đàn M&A Việt Nam, trong 10 năm qua, đã có gần 4.000 thương vụ được tạo lập, với tổng giá trị đạt khoảng 48,8 tỉ USD. Đặc biệt, trong năm 2017, tổng giá trị M&A tại Việt Nam đạt 10,2 tỉ USD, cao nhất từ trước đến nay và tăng 175% so với năm 2016.
Hiện tượng "cá bé nuốt cá lớn" trở nên phổ biến
Thông thường, các doanh nghiệp sẽ thực hiện M&A theo chiều ngang hoặc chiều dọc để mở rộng kinh doanh nhanh nhất có thể, những doanh nghiệp quy mô lớn hơn là đơn vị đứng ra thực hiện thâu tóm các công ty nhỏ hơn, điều mà giới đầu tư hay nói là "cá lớn nuốt cá bé".
Một số thương vụ đình đám đã diễn ra những năm gần đây như ThaiBev - công ty giải khát lớn nhất Thái Lan mua Sabeco, SCG Thái Lan mua Nhựa Bình Minh, hãng dược Taisho Nhật Bản mua lại Dược Hậu Giang, Shinhan Việt Nam mua lại mảng bán lẻ của ANZ, Central Group mua Big C, Kido Group (KDC) mua Dầu Tường An (TAC), Vocarimex (VOC), Thành Thành Công Tây Ninh (SBT) sáp nhập với Đường Biên Hòa (BHS),…
Thế nhưng, bên cạnh những M&A truyền thống, thực tế tình hình M&A tại các doanh nghiệp Việt Nam những năm gần đây đã xuất hiện không ít thương vụ thâu tóm theo chiều hướng ngược lại, hiện tượng "cá bé nuốt cá lớn" trở nên phổ biến. Mặc dù không gây nhiều tiếng ồn, nhưng sự ngấm ngầm và quy mô mở rộng ngày càng lớn dần lên.
Thương vụ gây sóng nhiều tiếng vang nhất trong thời gian gần đây là sự xuất hiện của An Quý Hưng, một công ty có quy mô rất nhỏ đứng ra chi đến 7.367 tỉ đồng tiền mặt để ôm trọn 'ôm 57,71% cổ phần Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex - Mã: VCG) trong đợt thoái vốn của SCIC cuối năm 2018. Cho đến nay, thương vụ này vẫn chưa hết hoài nghi đối với giới đầu tư khi mà nguồn tiền thu xếp để An Quý Hưng đại diện đứng ra mua cổ phần Vinaconex vẫn đang là ẩn số.
Đã có nhiều giả thuyết được đưa ra nhưng hầu hết chỉ là những đồn đoán lên quan đến một vài nhóm nhà đầu tư bất động sản tại Hà Nội. Tuy nhiên, tất cả vẫn chỉ dừng lại ở suy đoán, ngoại trừ đầu mối thông tin mới nhất được báo chí đăng tải là An Quý Hưng đã được một nhóm nhà đầu tư ẩn danh bơm tiền vào để thực hiện đấu giá bằng các khoản vay ngắn hạn để tài trợ cho thương vụ thâu tóm. Theo như những gì các cổ đông Vinaconex đã phản ánh, việc nhóm cổ đông lớn nắm quyền điều hành doanh nghiệp bằng cách dùng tiền vay gây ra những sự lo ngại lớn đối với sự phát triển của Vinaconex và quyền lợi của các cổ đông nhỏ.
Sau khi thu xếp vốn để mua, đến lúc An Quý Hưng buộc phải tìm kiếm nguồn tiền trả nợ. Công ty này mới đây đã cùng với công ty con là An Quý Hưng Land đã chào bán 5.300 tỉ đồng trái phiếu với tài sản đảm bảo là toàn bộ lô 255 triệu cổ phiếu Vinaconex, tương đương toàn bộ 58% cổ phần phổ thông của Vinaconex mà An Quý Hưng bỏ gần 7.400 tỉ đồng mua vào hồi cuối năm 2018.
Mặc dù trái phiếu được bán có lãi suất rất cao và được đảm bảo bằng cổ phiếu Vinaconex nhưng toàn bộ hai lô trái phiếu của An Quý Hưng và An Quý Hưng Land đã không có nhà đầu tư nào đăng ký mua. Theo nhận định của một chuyên gia ngân hàng đầu tư, bên cạnh đánh giá về năng lực của An Quý Hưng thì hoạt động cho vay với số tiền lớn như vậy để tài trợ cho hoạt động M&A trong bối cảnh hiện nay là rất rủi ro, đặc biệt là khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang siết tín dụng, nhất là lĩnh vực bất động sản.
Theo đó, không khó hiểu để hình dung việc An Quý Hưng phát hành bất thành khi thiếu một tổ chức ngân hàng đủ mạnh đứng ra bảo lãnh cho thương vụ phát hành trên.
Câu chuyện "cá bé nuốt cá lớn" tại Vinaconex dự kiến sẽ còn phức tạp khi lời giải về dòng tiền của nhóm An Quý Hưng, liệu cá bé "An Quý Hưng" có tiêu hoá được miếng mồi quá lớn này hay không vẫn là những câu hỏi để ngỏ.
Đến lượt "cá bé nuốt cá siêu lớn"
Thực chất, câu chuyện "cá bé nuốt cá siêu lớn" đã diễn ra khá thành công ở một vài doanh nghiệp chí ít là ở thời điểm hiện tại.
Gelex bị thâu tóm
Điển hình như thương vụ nhóm cổ đông "bí ẩn", cũng khá tương đồng như nhóm cổ đông ẩn danh tại An Quý Hưng, đứng ra thâu tóm lượng cổ phiếu khổng lồ của Tổng CTCP Thiết bị Điện Việt Nam - Gelex (Mã: GEX) trị giá hơn 2.200 tỉ đồng một cách chóng vánh vào tháng 12/2015. Nhóm cổ đông này không chỉ thâu tóm Gelex một cách dễ dàng mà còn biến Gelex thành một "cỗ máy" M&A trong hệ sinh thái ngày càng khổng lồ của mình.
Từ một doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh đơn thuần trong lĩnh vực chính, Gelex giờ đây chuyên đi thâu tóm các doanh nghiệp thuộc diện thoái vốn nhà nước. Danh mục của Gelex ngày càng dày với hàng loạt công ty con khác như CTCP Dây Cáp điện Việt Nam - Cadivi (Mã: CAV), CTCP Kho vận Miền Nam - Sotrans (Mã: STG); CTCP Thiết bị điện - Thibidi (Mã THI), Tổng Công ty Thiết bị Điện Đông Anh - CTCP - EEMC (Mã: TBD), CTCP Cơ điện Hà Nội (HEM) và Công ty Dây đồng Việt Nam (CFT)…
Đã có rất nhiều những câu hỏi xoay quanh nhóm cổ đông này là ai mà có nguồn lực tài chính khủng đến như vậy để thực hiện các thương vụ thâu tóm hàng trăm, hàng nghìn tỉ đồng, nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Trụ sở Gelex tại Hà Nội. (Nguồn: tinnhanhchungkhoan)
"Bậc thầy" về dàn xếp các thương vụ đầu tư M&A
Cũng có những tiếng trầm trồ từ những tay buôn cổ phiếu trên thị trường khen ngợi về khả năng và những kỹ thuật được kết hợp nhịp nhàng của nhóm các đầu tài chính mà đầu mối là CTCP Chứng khoán IB (VIX), nơi "đại gia 8x" Nguyễn Văn Tuấn làm Chủ tịch. Với hàng loạt thương vụ M&A thành công, ông Tuấn cũng được giới đầu tư đánh giá là "bậc thầy" về dàn xếp các thương vụ đầu tư M&A.
Đã có nhiều phân tích cho rằng, đặc điểm chung của các thương vụ mà nhóm này tạo ra một ma trận sở hữu chéo chằng chịt và giao dịch mua bán cổ phần chằng vô cùng phức tạp giữa các nhà đầu tư (cả tổ chức và cá nhân) liên quan đến ông Nguyễn Văn Tuấn, gồm những cái tên mật thiết như Chứng khoán IB, Công ty Quản lý quỹ Ngân hàng Công thương, CTCP Giao nhận và Vận chuyển Indo Trần (ITL Corp), Quản lý quỹ IB, CTCP SCI (Mã: S99), CT CP Đầu tư và Xây dựng Bưu điện (PTC), CTCP FTG Việt Nam…
Mục đích của các giao dịch là thu mua cổ phần khối lượng lớn và cuối cùng là nắm lấy quyền điều hành tại các công ty thuộc diện thoái vốn nhà nước.
Khi nắm quyền chỉ đạo dòng tiền, nhóm cổ đông này có thể tạo dòng tiền mới bằng nhiều cách thức khác nhau, như bán tài sản hoặc huy động vốn vay phục vụ cho các thương vụ tiếp theo.
Chính nhờ vậy, hoạt động M&A của nhóm này cứ thế tăng dần và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Đối tượng tiếp theo trong hoạt động thâu tóm doanh nghiệp trong diện thoái vốn nhà nước kỳ này là Tổng công ty Viglacera - CTCP (Mã: VGC) - doanh nghiệp có quy mô thậm chí còn lớn hơn Gelex với doanh số hơn chục nghìn tỉ đồng và lợi nhuận hàng trăm tỉ mỗi năm. Gelex đã sở hữu hơn 25% vốn tại Viglacera sau khi Bộ Xây Dựng thoái 18% vốn tại đây, con số sở hữu thực tế thậm chí có thể đã lớn hơn.
Thâu tóm "ông trùm" nước Bình Dương
Không ồn ào như các thương vụ trên, một đợt thâu tóm cổ phần do Nhà nước thoái vốn đầy bí ẩn diễn ra vào năm 2017 thuộc về thương vụ "ông trùm" kinh doanh nước và xử lý mô trường tại tỉnh Bình Dương - Biwase được thâu tóm bởi chính công ty liên quan là CTCP Nước Thủ Dầu Một (TDM), có vốn chỉ bằng 1/8 lần Biwase.
Đáng nói, TDM là công ty tư nhân được thành lập ngày 7/11/2013 có cùng lĩnh vực kinh doanh với Biwase và được thành lập bởi 4 cổ đông khác. Biwase góp vốn 26% trong tổng số vốn điều lệ 200 tỉ đồng của TDM. Chủ tịch HĐQT TDM khi đó là ông Nguyễn Văn Thiền, người cũng đồng thời giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Biwase.
Bên cạnh sở hữu chéo tại công ty thâu tóm và công ty mục tiêu, mối liên hệ chặt chẽ của TDM và Biwase còn thể hiện trong trong hoạt động kinh doanh. TDM dù mới thành lập nhưng trở thành quán quân về tỷ suất lợi nhuận trong hoạt động kinh doanh nước sạch khi đạt xấp xỉ 70%, vượt xa khoảng 30 - 40% của các doanh nghiệp trong nghành. Làm sao TDM có thể đạt được mức sinh lời đó nếu không có sự ưu ái về thoả thuận dịch vụ với Biwase?
Trước đó, câu chuyện TDM trở thành cổ đông chiến lược khi Biwase cổ phần hóa năm 2016 cũng đã dấy lên nghi vấn về một sự sắp đặt của những người nội bộ. Bởi Biwase trước đó là cổ đông sáng lập TDM. Nhưng trước khi cổ phần hóa, Biwase đã thoái vốn khỏi TDM, điều này giúp TDM đáp ứng điều kiện trở thành cổ đông chiến lược theo Nghị định 59/2011/NĐ-CP.
Cuối cùng, điểm chung của các hoạt động thâu tóm đầy bí ẩn này là gì?
Không khó để nhận ra rằng nợ vay đang phình to ở các mắt xích trọng yếu trong các cuộc thâu tóm.
Báo Công An Nhân dân đưa tin, tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV hôm 6/6, Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, đề nghị dự thảo luật quy định rõ tránh tình trạng thao túng, lũng loạn thị trường chứng khoán.
Ông cho rằng: "Qua quá trình vận hành có những bất cập, ví dụ một thời chúng ta giữ nguồn tiền trong thị trường chứng khoán giữ bí mật cho nhà đầu tư và không truy đến tận gốc nguồn mua cổ phiếu. Như thế bị bệnh lấy tiền của ngân hàng đi góp vốn, sở hữu chéo, như vậy gây động tác là vốn thực vào nền kinh tế chỉ 1 đồng nhưng hệ số ảo làm cho nguồn lực nền kinh tế bị thất thoát. Khi phân phối lại nguồn lực của nền kinh tế mà dựa trên số liệu ảo thì không đạt được yêu cầu phát triển".