|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Những cơ sở cho kỳ vọng dòng tiền ngoại trở lại Việt Nam

13:19 | 11/01/2024
Chia sẻ
BSC chỉ ra những kỳ vọng cho dòng tiền ngoại trở lại Việt Nam như giải ngân từ nhóm nhà đầu tư đến từ Thái Lan, câu chuyện nâng hạng,  tiềm năng tăng trưởng kinh tế của quốc gia để phân bổ danh mục đầu tư phù hợp.

Báo cáo chiến lược 2024 của Chứng khoán BIDV (BSC), trạng thái mua ròng của khối ngoại kéo dài từ cuối 2022 đến quý I/2023, và bắt đầu đảo chiều trong 3 quý sau đó. Khối ngoại đã bán ròng tổng cộng 22.818 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong 9 tháng liên tiếp (từ tháng 4-12/2023) và chưa có dấu hiệu dừng lại mặc dù đã xuất hiện một số phiên mua ròng trở lại vào cuối tháng 12/2023.

Lực bán chủ yếu đến từ dòng vốn chủ động với giá trị bán 20.818 tỷ đồng, ở nhóm ETF tương đối cân bằng hơn khi rút ròng 1.852 tỷ đồng trong đó khối ngoại mua ròng (3.202 tỷ đồng) đối với các ETF ngoại và bán ròng mạnh 5.054 tỷ đồng đối với các ETF nội. Lực bán ETF nội tập trung diễn ra ở ETF Finlead 2.240 tỷ đồng), ETF Diamond (1.808 tỷ đồng) và ETF E1 (567 tỷ đồng).

Diễn biến dòng vốn ETF có phần khả quan hơn, kể từ tháng 10/2023 đến nay (đầu tháng 1/2024) các ETF chính đã bắt đầu mua ròng trở lại tuy nhiên giá trị vẫn rất thấp so với giai đoạn quý IV/2022. Các quỹ đã rút ròng 8/12 tháng trong 2023 với tổng giá trị bán 94,86 triệu USD.

Về dự báo, trong kịch bản tích cực nhà đầu tư Thái Lan sẽ dần quay trở lại mua ròng ở các ETF chính (Diamond, E1) sau quy định áp dụng thuế mới, bên cạnh sự chuyển biến và thu hút được nhiều dòng vốn mới đối với các ETF nội mới niêm yết trên thị trường, cụ thể như: ETF tham chiếu theo VN-Diamond (Công ty Quản lý quỹ Mirae, Bảo Việt), ETF FinSelect (Công ty Quản lý quỹ Kim).

Fubon ETF, FTSE ETF, VNM ETF được dự báo sẽ không có nhiều chuyển động lớn, song vẫn đóng vai trò quan trọng trên thị trường. Sự kỳ vọng đối với các ETF ngoại sẽ đến từ các quỹ ETF mới khi vấn đề nâng hạng diễn biến tích cực hơn.

1,3-1,5 tỷ USD chảy vào Việt Nam nếu được FTSE nâng hạng thị trường

Dẫn theo dữ liệu tính đến hết ngày 30/11/2023 từ Bloomberg, hiện đang có 491 quỹ với tổng quy mô 956 tỷ USD bao gồm 180 ETF (quy mô 421 tỷ USD) và 311 Quỹ mở có thông tin (quy mô 533 tỷ USD) đang đầu tư vào TTCK mới nổi theo xếp hạng của MSCI và FTSE, trong đó tỷ trọng số lượng các quỹ tham chiếu theo MSCI (87%) nhiều hơn so với FTSE (13%).

Theo ước tính của BSC Research, trong trường hợp MSCI và FTSE nâng hạng Việt Nam lên TTCK mới nổi sẽ có khoảng 3,5-4 tỷ USD mua mới các cổ phiếu Việt Nam. Ước tính dựa trên giả định tỷ trọng các cổ phiếu Việt Nam được mua mới ở mức bình quân khoảng 0,7% - tương đương với tỷ trọng của các cổ phiếu TTCK Philippines (được FTSE xếp hạng TTCK mới nổi sơ cấp) trong các danh mục đầu tư các quỹ hiện tại.

 

Bên cạnh đó, các quỹ đầu tư sẽ xem xét về tiềm năng tăng trưởng kinh tế của quốc gia để phân bổ danh mục đầu tư phù hợp, do đó con số này có thể sẽ thấp hơn thực tế khi Việt Nam đang là quốc gia có môi trường chính trị ổn định, đang tham gia nhiều hiệp định thương mại lớn, là đối tác chiến lược toàn diện của các nền kinh tế lớn trên thế giới và được nhiều tổ chức uy tín đánh giá cao.

Việt Nam hiện vẫn chưa có trong danh sách theo dõi nâng hạng của MSCI và đã trong danh sách theo dõi của FTSE nên trong tương lai gần TTCK Việt Nam sẽ được FTSE chính thức nâng hạng lên TTCK mới nổi sơ cấp.

Khi FTSE Russell chính thức nâng hạng, dự kiến thị trường sẽ đón nhận khoảng 1,3-1,5 tỷ USD từ các quỹ đầu tư mở/ETF tham chiếu theo bộ chỉ tiêu của FTSE, trong đó các quỹ ETF sẽ dự kiến mua tối thiểu khoảng 700-800 triệu USD (tương đương với quy mô TTCK Philippines hiện tại).

Xuân Nghĩa