|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp dược phẩm lãi đậm trong quí III

08:09 | 23/10/2020
Chia sẻ
Nhu cầu về khẩu trang y tế, thuốc giảm đau và thuốc tăng đề kháng tăng cao trong mùa dịch COVID-19 góp phần cải thiện lợi nhuận quí III/2020 của nhiều DN dược phẩm, thiết bị y tế. Song, cũng có những hãng dược báo lãi giảm do nguyên liệu đầu vào tăng và kênh tiêu thụ bị gián đoạn.
Nhiều doanh nghiệp dược phẩm, y tế lãi đậm trong quí III - Ảnh 1.

Sản phẩm khẩu trang y tế của Danameco. (Nguồn: bansivanphongpham.com)

DN lãi đột biến nhờ bán khẩu trang trong mùa dịch COVID-19

Tổng CTCP Y tế Danameco (Mã: DNM) vừa công bố báo cáo tài chính quí III/2020 với các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận tăng bằng lần.

Quí IIII, Danameco đạt 207 tỉ đồng doanh thu thuần, tăng gấp 3,3 lần so với cùng kì năm 2019. Lãi sau thuế đột biến từ hơn 59 triệu cùng kì 2019 lên hơn 4,8 tỉ đồng kì này.

Trước đó, doanh nghiệp cũng ghi nhận lợi nhuận bán niên cao kỉ lục, lên tới 25,5 tỉ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Danameco thu về 573 tỉ đồng doanh thu thuần và 31 tỉ đồng lãi sau thuế, lần lượt tăng gấp 3,8 lần và 10 lần giá trị 9 tháng năm 2019.

Danameco cho biết sự bùng phát của dịch COVID-19 trong năm 2020 đã khiến nhu cầu các sản phẩm như khẩu trang, trang phục chống dịch tăng mạnh. Bên cạnh đó, cầu thị trường tăng cao đã mang đến cơ hội tăng trưởng đột biến cho doanh nghiệp sản xuất vật tư y tế như Danameco.

Năm 2020, doanh nghiệp đặt mục tiêu 565 tỉ đồng doanh thu, 24,4 tỉ đồng lãi sau thuế. Với kết quả 9 tháng đầu năm, công ty đã thực hiện vượt 1% mục tiêu doanh thu và vượt 27% lợi nhuận cả năm.

Nhiều doanh nghiệp dược phẩm ăn nên làm ra giữa mùa dịch

Báo cáo kết quả kinh doanh quí III của ông lớn Dược Hậu Giang (Mã: DHG) cho thấy, trong khi doanh thu kì này giảm nhẹ so với cùng kì năm trước. Cụ thể, quí III, DHG ghi nhận 865 tỉ đồng doanh thu thuần, giảm nhẹ hơn 1% so với quí III/2019. Trong đó, doanh thu tự sản xuất tăng nhẹ 3%, đạt trên 751 tỉ đồng.

Theo đánh giá của CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC), nhu cầu cao về các sản phẩm chính của DHG như thuốc giảm đau và thuốc tăng đề kháng trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã thúc đẩy doanh thu sản xuất dược phẩm. Cùng với đó, DHG có mạng lưới phân phối với độ bao phủ lớn giúp giảm thiểu tác động của dịch bệnh tại một số khu vực nhất định.

Nhờ chi phí thấp, hết quí III, hãng dược này thu về 166 tỉ đồng lãi sau thuế, tăng gần 42% so với cùng kì năm 2019.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của DHG đạt 2.544 tỉ đồng, giảm 3% so với giá trị 9 tháng năm 2019. Song, lãi sau thuế tăng 24% lên 529 tỉ đồng. Với kết quả trên, Dược Hậu Giang đã thực hiện 66% kế hoạch doanh thu và 82% chỉ tiêu lợi nhuận.

Một doanh nghiệp khác báo lãi tăng mạnh là CTCP Traphaco (Mã: TRA). Theo báo cáo tài chính hợp nhất quí III của Traphaco, doanh thu thuần đạt 459 tỉ đồng, tăng 22% so với quí III/2019. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận 51 tỉ đồng, tăng 35%.

9 tháng đầu năm, doanh nghiệp ngành dược có 1.307 tỉ đồng doanh thu và 141 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 12% và 31%. Sau ¾ chặng đường, Traphaco đạt 65% kế hoạch doanh thu và 78% chỉ tiêu lợi nhuận.

Tương tự, lợi nhuận CTCP Dược phẩm Imexpharm (Mã: IMP) tăng gần 23% trong quí III/2020, đạt 51 tỉ đồng.

Cập nhật kết quả kinh doanh của IMP, Chứng khoán Bản Việt cho rằng dịch COVID-19 tái bùng phát tại Việt Nam vào cuối tháng 7 đã ảnh hưởng lưu lượng người đến bệnh viện từ cuối tháng 7 đến giữa tháng 9.

Diễn biến này cùng với lượng hàng tồn kho lớn của các bệnh viện tại thời điểm cuối quí II/2020 khiến lượng đơn hàng từ kênh bệnh viện thấp hơn. Đồng thời, các nhà thuốc cũng trì hoãn đặt đơn hàng mới do lo ngại về khả năng tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội.

Tuy nhiên, nhờ tiết giảm được các loại chi phí hoạt động, lãi sau thuế của doanh nghiệp ghi nhận tăng 23%. Cùng với đó, sau 9 tháng, Imexpharm ghi nhận doanh thu tương đương cùng kì năm trước, đạt 882 tỉ đồng; lãi sau thuế 139 tỉ đồng, tương ứng thực hiện 52% kế hoạch doanh thu và 64% lợi nhuận cả năm.

Cũng nằm trong nhóm lãi tăng trưởng, tuy nhiên mức tăng lợi nhuận của CTCP Pymepharco (Mã: PME) không quá ấn tượng như các doanh nghiệp kể trên. Trong quí III, công ty ghi nhận doanh thu tăng hơn 17% đạt 479 tỉ đồng.

Mặc dù đã nỗ lực cắt giảm chi phí bán hàng từ 110 tỉ đồng xuống gần 103 tỉ đồng, khoản chi phi phí hoạt động này vẫn chiếm đến 21,5% tổng doanh thu, từ đó khiến lợi nhuận sau thuế còn lại của PME gần 78 tỉ đồng, tăng chỉ 5%.

Trong khi đó, CTCP Dược phẩm Hà Tây (Mã: DHT) công bố doanh thu hợp nhất quí III giảm từ 576 tỉ đồng còn 472 tỉ đồng, tương ứng giảm 29%. Trong kì, doanh thu bán thành phẩm chiếm hơn 128 tỉ đồng và doanh thu bán hàng hóa chiếm 344 tỉ đồng, lần lượt giảm 29% và 13% so với cùng kì năm ngoái.

Chí phí bán hàng giảm 77% so với cùng kì là yếu tố giúp lợi nhuận sau thuế quí III nhích nhẹ 1% lên 19,7 tỉ đồng.

Nhiều doanh nghiệp dược phẩm, y tế lãi đậm trong quí III - Ảnh 2.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp từ BCTC quí III/2020 của các DN dược phẩm. (Đồ họa: Thu Thảo)

Một số hãng dược ngậm ngùi báo lãi giảm...

Không được thuận lợi như các doanh nghiệp kể trên, kết quả kinh doanh của CTCP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (Mã: DMC) chứng kiến sự giảm sút cả về doanh thu và lợi nhuận.

Quí III, doanh thu thuần của DMC đạt gần 331 tỉ đồng, giảm 12% so với con số 374 tỉ đồng của cùng kì năm 2019.

Theo Domesco, giá vốn tăng do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao bởi khan hiếm nguyên liệu trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Mặt khác, chi phí vận chuyển, phân phối tăng cao trong tình hình dịch bệnh COVID-19, chi phí sản xuất tăng do phải tăng cường các trang thiết bị để đảm bảo an toàn, giãn cách trong sản xuất,...

Những thay đổi trên kéo lãi ròng của DMC giảm tới 54%, còn 27 tỉ đồng. Tính chung 9 tháng, doanh thu thuần và lãi sau thuế tương ứng đạt 1008,5 tỉ đồng và 135 tỉ đồng, giảm 4% và 19% so với giá trị đạt được trong 9 tháng năm 2019.

Tương tự Domesco, CTCP Dược phẩm OPC (Mã: OPC) vừa cập nhật kết quả kinh doanh quí III với doanh thu thuần gần 214 tỉ đồng và 22 tỉ đồng lãi ròng, tương ứng giảm 20% và 24% so cùng kì. Công ty cho biết, kết quả kinh doanh kém khả quan do chịu ảnh hưởng bởi yếu tố thị trường và dịch bệnh.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của Dược phẩm OPC ghi nhận hơn 674 tỉ đồng, giảm 11% so với cùng kì. Lãi trước thuế đạt gần 96 tỉ đồng, giảm 9%. Với kết quả trên, hãng dược đã thực hiện 83% chỉ tiêu doanh thu và 74% lợi nhuận cả năm.

Thị trường dược phẩm vẫn nhiều tiềm năng

Theo dự báo của hãng nghiên cứu thị trường IBM, qui mô ngành dược phẩm của Việt Nam có thể đạt con số 7,7 tỉ USD vào năm 2021, tăng lên đến 16,1 tỉ USD vào năm 2026. Tỉ lệ tăng trưởng kép có thể đạt 11%.

Hãng nghiên cứu thị trường IMS Health cũng dự báo chi tiêu cho dược phẩm bình quân đầu người tại Việt Nam sẽ nâng lên mức 50 USD/người vào năm 2020.

Đánh giá sơ bộ, cơ cấu dân số trẻ Việt Nam đang có tốc độ già hóa nhanh, thu nhập khả dụng ngày càng tăng và tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khiến người dân quan tâm đến các vấn đề sức khỏe nhiều hơn.

Trong vòng giai đoạn 2020 - 2025, ngành dược Việt Nam được dự đoán sẽ tiếp tục nằm trong nhóm 20 quốc gia có mức tăng trưởng mạnh và ổn định nhất thế giới.

Hay như báo cáo Chỉ số niềm tin người tiêu dùng quí II/2020 của Nielsen công bố mới đây cũng cho thấy, sức khoẻ tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu của hầu hết người Việt.

Theo đó, trong bối cảnh dịch bệnh chưa kết thúc và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, các doanh nghiệp dược phẩm, y tế đều đang đứng trước cơ hội phát triển.

Tuy nhiên, tận dụng cơ hội đó như thế nào lại phải xem năng lực cạnh tranh, quá trình quản trị chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa chi phí của từng doanh nghiệp...

Thu Thảo