|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp ngành dược trong tầm ngắm M&A

07:25 | 01/09/2020
Chia sẻ
Hãng nghiên cứu thị trường IBM dự báo, qui mô ngành dược phẩm của Việt Nam có thể đạt con số 7,7 tỉ USD vào năm 2021, và lên đến 16,1 tỉ USD vào năm 2026. Đây cũng là lí do khiến các doanh nghiệp được Việt Nam lọt vào tầm ngắm M&A của các ông lớn nước ngoài.

Bức tranh kinh doanh nửa đầu năm 2020 của doanh nghiệp dược 

Theo thống kê của người viết, trong nửa đầu năm 2020, có 6/9 các doanh nghiệp ngành dược phẩm ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kì năm trước. 

Trong đó, CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP) báo lãi tăng 28% đạt 88 tỉ đồng. Lợi nhuận của CTCP Traphaco (TRA) 90 tỉ đồng, tăng 24%; hay như CTCP Dược Hậu Giang (DHG) ghi nhận lãi ròng tăng 17% so với cùng kì năm trước, lên 363 tỉ đồng.

Một số cái tên khác góp mặt trong nhóm này là CTCP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (Bidiphar – DBD), CTCP Dược phẩm Hà Tây (DHT) và CTCP  Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC).

Ở chiều ngược lại, CTCP Hóa - Dược phẩm Mekophar (MKP) dẫn đầu nhóm lãi giảm với mức giảm lợi nhuận ròng lên tới 41%, theo sau là CTCP Pymepharco (PME) và CTCP Dược phẩm OPC (OPC) với mức giảm lãi ròng tương ứng là 7% và 3%.

Ngành dược vẫn còn hấp dẫn - Ảnh 1.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp từ BCTC bán niên của các DN ngành dược.

Dễ thấy, biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm tương đối phân hóa.

Mặc dù chỉ đứng thứ 3 trong nhóm có lợi nhuận tăng trưởng nhưng ông lớn Dược Hậu Giang là doanh nghiệp có biên lãi gộp cao nhất ngành dược (50,3%) trong 6 tháng đầu năm 2020.

Theo báo cáo cập nhật cổ phiếu DHG của CTCP Chứng khoán Phú Hưng, Dược Hậu Giang đứng đầu thị trường dược Việt Nam với thị phần 5% và 14% thị phần thuốc sản xuất trong nước. Các sản phẩm chính của DHG bao gồm thuốc giảm đau, hạ sốt, kháng sinh và vitamin.

Năm 2016, Dược Hậu Giang ghi nhận lợi nhuận kỉ lục, đạt 713 tỉ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao nhất kể từ khi doanh nghiệp niêm yết vào năm 2006. Giai đoạn sau đó, từ năm 2017 - 2019, doanh thu và lợi nhuận biến động trồi sụt, tuy nhiên biên lãi gộp duy trì trên mức 43%, biên lãi sau thuế trên 15%.

Ngành dược vẫn còn hấp dẫn - Ảnh 2.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp từ BCTC của DHG

Xếp sau DHG, Pymepharco (PME) là doanh nghiệp có biên lợi nhuận gộp 6 tháng đầu năm 2020 đứng thứ 2 ngành dược. Nếu so với doanh nghiệp có cùng qui mô doanh thu như Traphaco và Dược Hà Tây thì biên lãi gộp của PME vượt trội hơn, đạt khoảng 46,5% trong khi chỉ số này của TRA và DHT  lần lượt là 39,2% và 14,1%.

Sau nửa đầu năm 2020, doanh thu thuần của PME đạt hơn 835 tỉ đồng, giảm gần 5%; lợi nhuận sau thuế gần 140 tỉ đồng, giảm gần 7% so với cùng kì năm trước.

Bên cạnh PME, Bidiphar (DBD), Dược phẩm Imexpharm (IMP) và Domesco (DMC) cũng là những doanh nghiệp có tỉ suất lợi nhuận gộp ở mức cao.

Trong khi đó, mặc dù qui mô doanh thu đứng thứ hai ngành dược nhưng biên lợi nhuận gộp của Dược Hà Tây (DHT) lại ở mức thấp nhất, khoảng 14% trong nửa đầu năm 2020.

Theo phân tích, hoạt động dịch vụ nhập khẩu ủy thác mang lại nguồn thu chính cho DHT (chiếm khoảng 60% – 65% tổng doanh thu) nhưng có biên lợi nhuận gộp thấp. Trái lại, mảng sản xuất, gia công chỉ đóng góp khoảng 35% - 40% nhưng có biên lợi nhuận gộp cao hơn.

Mặt khác, DHT cho biết sản phẩm tập trung vào phân khúc giá rẻ và công ty chấp nhận biên lợi nhuận thấp để cạnh tranh trên thị trường.

Giai đoạn 2015 – 2019 ghi nhận quá trình phát triển tương đối ổn định của DHT với doanh thu tăng tưởng đều hàng năm, cùng với đó là sự gia tăng của lợi nhuận ròng và biên lãi ròng.

Cụ thể, doanh thu thuần tăng từ mức 941 tỉ đồng năm 2015 lên 2.042 tỉ đồng vào năm 2019, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 21,4%. Lợi nhuận sau thuế tương ứng tăng từ 40 tỉ đồng lên 90 tỉ đồng, với CAGR đạt 22,1%.

Đáng chú ý, mặc dù lợi nhuận gộp ở mức thấp, nhưng với qui mô vốn nhỏ, chỉ số ROE của DHT thuộc hàng cao nhất ngành. 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần DHT đạt 915 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 66 tỉ đồng, tương ứng tăng 1% và 5% so với cùng kì năm trước. 

Ngành dược Việt Nam vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại

Cơ cấu dân số trẻ Việt Nam đang có tốc độ già hóa nhanh, thu nhập khả dụng ngày càng tăng và tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khiến người dân quan tâm đến các vấn đề sức khỏe nhiều hơn. 

Trong vòng giai đoạn 2020 - 2025, ngành dược Việt Nam được dự đoán sẽ tiếp tục nằm trong nhóm 20 quốc gia có mức tăng trưởng mạnh và ổn định nhất thế giới.

Theo dự báo của hãng nghiên cứu thị trường IBM, qui mô ngành dược phẩm của Việt Nam có thể đạt con số 7,7 tỉ USD vào năm 2021, và lên đến 16,1 tỉ USD vào năm 2026. Tỉ lệ tăng trưởng kép có thể đạt 11%.

Song song đó, hãng nghiên cứu thị trường IMS Health cũng dự báo chi tiêu cho dược phẩm bình quân đầu người tại Việt Nam sẽ nâng lên mức 50 USD/người vào năm 2020.

Có thể thấy dư địa phát triển ngành dược Việt Nam vẫn còn lớn song các doanh nghiệp nội địa hiện nay chỉ mới đáp ứng được khoảng 53% nhu cầu dược phẩm trong nước, số còn lại thông qua nhập khẩu.

Một trong những nguyên nhân được đưa ra là do công ty dược Việt Nam không có lợi thế sản xuất nhóm thuốc chất lượng cao bao gồm biệt dược gốc, thuốc điều trị... mà chủ yếu sản xuất thực phẩm chức năng và thuốc generic (dược phẩm hết thời hạn bảo hộ độc quyền).

Theo đó, việc thực hiện M&A với các doanh nghiệp nước ngoài trở thành cơ hội để doanh nghiệp dược phẩm nội địa tăng khả năng cạnh tranh, đồng thời nghiên cứu và phát triển thêm các sản phẩm mới có chất lượng cao.

Về phía các doanh nghiệp ngoại, họ thường tìm kiếm các hãng dược Việt Nam có thị trường lớn, năng lực sản xuất mạnh, có hướng mở rộng xuất khẩu, đặc biệt là có chính sách ưu tiên trong đấu thầu để thực hiện các thương vụ mua bán và sáp nhập.

Theo CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), các chuyên gia trong ngành dược phẩm cho rằng, xu hướng M&A sẽ tiếp tục sôi động trong thời gian tới, do nhiều doanh nghiệp đang trong diện tái cấu trúc, thoái vốn Nhà nước và sự quan tâm của các nhà đầu tư, đặc biệt là công ty ngoại.

Mới đây, ASKA – Công ty dược 100 tuổi của Nhật thông báo hoàn tất đàm phán mua 24,9% cổ phần của Dược phẩm Hà Tây. Hãng dược Nhật Bản cho biết mục đích giao dịch nhằm thiết lập địa điểm kinh doanh ở Đông Nam Á và xây dựng chỗ đứng để mở rộng hoạt động trên thị trường quốc tế.

Trước đó, Dược Hà Tây đã công bố nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường năm 2020, qua đó xin ý kiến cổ đông về việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược Nhật Bản - ASKA Pharmaceutical. Trong tờ trình của Dược Hà Tây, ASKA đăng kí mua hơn 5,28 triệu cổ phiếu, tương đương 24,9% vốn điều lệ của công ty với mức giá dự kiến 70.000 đồng/cp.

Hồi cuối tháng 5/2020, một thành viên của SK Group (Hàn Quốc) là SK Investment Vina III Pte. Ltd đã nhận chuyển nhượng quyền sở hữu gần 12,3 triệu cổ phiếu IMP, tương đương 25% vốn điều lệ của CTCP Dược phẩm Imexpharm, qua đó trở thành cổ đông lớn nhất của công ty. 

Thị trường dược trước đó cũng chứng kiến một số thương vụ M&A rất thành công cho cả người mua lẫn người bán. Một trong những thương gây chú ý nhất là cái 'bắt tay' giữa Dược Hậu Giang và Tập đoàn Taisho (Nhật Bản) vào năm 2016. 

Sau ba năm về chung nhà với doanh nghiệp Nhật, Dược Hậu Giang đã ghi nhận những kết quả đáng kể. Nhờ trợ lực của Taisho, DHG đã hoàn thành thủ tục chứng nhận tiêu chuẩn PIC/sGMP (Malaysia) cho chuyền sản xuất viên sủi bọt vào cuối 2018 và GMP Nhật Bản (PMDA) cho dây chuyền viên nén Non Betalactam vào tháng 2/2019.

Những chứng nhận này góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và vị thế của DHG khi đấu thầu vào kênh bệnh viện (ETC).

Ngoài ra, một số thương vụ thương vụ M&A khác có thể kể đến như Tập đoàn Abbott (Mỹ) sở hữu 51,69% cổ phần của Domesco; hãng dược Daewon và công ty quản lí quí Mirae Asset lần lượt nắm giữ 15% và 25% cổ phần tại Traphaco...

Thu Thảo

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.