|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhiều cổ phiếu mất quá nửa giá trị trong tháng qua, ba mã giảm sâu nhất cùng có một điểm chung

08:31 | 25/04/2022
Chia sẻ
FLC, ROS và TVC là những cổ phiếu lao dốc trên 50% trong tháng qua. Cả ba doanh nghiệp đều có lãnh đạo bị khởi tố về tội danh thao túng thị trường chứng khoán những tuần gần đây.

 VN-Index đang có tháng giảm mạnh nhất kể từ đầu dịch COVID-19.

Trong một tháng vừa qua (từ 22/3 đến 22/4), chỉ số VN-Index sụt 7,7%, HNX-Index và UPCoM-Index lao dốc lần lượt 21,6% và 10,4%.

Nhiều cổ phiếu giảm mạnh hơn các chỉ số tham chiếu do kịch sàn trong nhiều phiên liên tiếp. Trong số các cổ phiếu có vốn hóa trên 500 tỷ đồng vào cuối phiên 22/4, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận 7 mã giảm trên 50% so với một tháng trước.

Ba mã rớt mạnh nhất là FLC của Tập đoàn FLC, TVC của Tập đoàn Quản lý Tài sản Trí Việt và ROS của Xây dựng FLC Faros. Cả ba doanh nghiệp này đều có điểm chung là lãnh đạo bị khởi tố và bắt tạm giam trong một tháng gần đây.

Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC, bị bắt vào ngày 29/3. Bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch Thường trực Tập đoàn FLC kiêm Chủ tịch FLC Faros và Chủ tịch Chứng khoán BOS, bị bắt vào ngày 8/4. Ông Đỗ Đức Nam, Thành viên HĐQT Tập đoàn Trí Việt, bị bắt ngày 20/4.

Tất cả ba lãnh đạo trên đều bị cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán. Ông Trịnh Văn Quyết và bà Hương Trần Kiều Dung liên quan tới vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC và Chứng khoán BOS. Em gái của ông Trịnh Văn Quyết giữ chức Phó Tổng Giám đốc Chứng khoán BOS cũng đã bị bắt tạm giam.

Ông Đỗ Đức Nam liên quan tới vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Chứng khoán Trí Việt (Mã: TVB) và Công ty Cổ phần Louis Holdings. Ngoài vai trò Thành viên HĐQT Tập đoàn Trí Việt, ông Nam còn là Tổng Giám đốc Chứng khoán Trí Việt.

Cổ phiếu TVB của Chứng khoán Trí Việt đã giảm kịch sàn 5 phiên liên tục và hiện cũng đang thấp hơn gần 48% so với một tháng trước. Cổ phiếu TVC của Tập đoàn Trí Việt đã đi xuống 7 phiên liên tiếp, trong đó có 4 phiên kịch sàn.

Tập đoàn Trí Việt là công ty mẹ của Chứng khoán Trí Việt, tỷ lệ sở hữu là 50,5%. Ngày 22/4 vừa qua Tập đoàn Trí Việt đã đăng ký mua thêm 5 triệu cổ phiếu TVB, dự kiến nâng tỷ lệ sở hữu lên xấp xỉ 55%.

 

Bảng thống kê bên trên cho thấy có 23 cổ phiếu giảm trên 45% trong một tháng qua (chỉ tính các mã có vốn hóa trên 500 tỷ đồng). Top lao dốc có sự góp mặt của nhiều cổ phiếu trong lĩnh vực bất động sản – xây dựng như CEO của Tập đoàn CEO, L14 của Licogi 14, HQC của Địa ốc Hoàng Quân, NBB của Đầu tư Năm Bảy Bảy, …

Các cổ phiếu bất động sản – xây dựng này đều từng tăng sốc trong những tháng cuối năm 2021 nhưng điều chỉnh trong quý I/2022 và đặc biệt sa sút trong 4 tuần gần đây với nhiều phiên kịch sàn.

Trong danh sách cổ phiếu giảm sâu còn có các mã liên quan tới Tập đoàn FLC như AMD của Đầu tư khoáng sản FLC Stone, HAI của Nông dược HAI và KLF của Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu CFS. Biểu đồ bên dưới cho thấy các cổ phiếu trong “họ FLC” thường tăng giảm cùng nhau.

 

Thống kê toàn thị trường chứng khoán cho thấy trong một tháng qua, vốn hóa thị trường giảm 638.000 tỷ đồng, tương đương gần 28 tỷ USD. Trong đó, các cổ phiếu ở sàn HOSE mất gần 446.000 tỷ đồng, HNX mất 91.000 tỷ và UPCoM cũng thiệt hại gần 102.000 tỷ.

Ở chiều ngược lại, thị trường cũng ghi nhận nhiều cổ phiếu đi lên mạnh mẽ, có những mã tăng trên 30%, thậm chí trên 50% so với một tháng trước.

 

Riêng trong nhóm VN30, đa phần cổ phiếu blue chip đều mất giá trong một tháng qua. Chỉ có 5 mã đi lên là MWG của Đầu tư Thế Giới Di Động, PNJ của Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận, FPT của Tập đoàn FPT, SAB của Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và BVH của Tập đoàn Bảo Việt.

Tại đại hội cổ đông thường niên 2022 tổ chức ngày 23/4 vừa qua, Ban lãnh đạo MWG thể hiện quyết tâm tăng tốc mở rộng chuỗi siêu thị Bách hóa Xanh ra miền Trung và miền Bắc từ 2023 trở đi.

Chuỗi nhà thuốc An Khang cũng được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh cả về doanh thu và số lượng cửa hàng. Chuỗi cửa hàng quần áo Ava Kids sẽ được nhân rộng từ 20 lên 50 cửa hàng vào cuối tháng 5 này.

Song Ngọc