|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhật Bản sắp xả nước nước thải phóng xạ ra biển: Ăn hải sản liệu có an toàn?

21:12 | 14/04/2021
Chia sẻ
Nhật Bản vừa công bố ý định xả 1 triệu tấn nước thải phóng xạ ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra biển. Theo thời gian, lượng vật chất phóng xạ có thể lan rộng ra các vùng biển lân cận, khiến người tiêu dùng ở nhiều nơi lo ngại về mức độ an toàn của các loại hải sản.

Niềm tin sứt mẻ

Hôm 13/4, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga tuyên bố sẽ xả hơn 1 triệu tấn nước thải phóng xạ từ nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi ra Thái Bình Dương. Quyết định này làm nổ ra tranh cãi không chỉ tại Nhật Bản mà còn ở nước ngoài.

Tokyo nhấn mạnh quá trình xả thải sẽ được thực hiện theo các tiêu chuẩn quốc tế, với sự hỗ trợ của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Tuy nhiên, trong bối cảnh nỗi lo phóng xạ xâm nhập vào thực phẩm và động vật biển ở Nhật Bản vẫn chưa dứt thì người tiêu dùng, ngư dân và các nhà bảo vệ môi trường lại càng không yên về ảnh hưởng của kế hoạch mới.

Theo Kyodo News, thái độ lo lắng của công chúng phần lớn bắt nguồn từ sự ngờ vực dai dẳng đối với chính phủ Nhật Bản và Tập đoàn Điện lực Tokyo (Tepco) - đơn vị vận hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi.

Công chúng dường như không tin tưởng lời giải thích hời hợt của Tokyo và Tepco về mức độ an toàn của hơn 1 triệu tấn nước nhiễm phóng xạ sắp bị thải ra biển cũng như các biện pháp đối phó mà chính quyền ông Suga dự kiến thực hiện để bảo vệ uy tín của các sản phẩm biển Nhật Bản, Kyodo News dẫn lời các chuyên gia cho hay.

Hơn nữa, Tepco gần đây còn bị chỉ trích vì một loạt các sai phạm về an toàn trong vận hành điện hạt nhân, trong đó có sự cố liên quan đến hai máy đo địa chấn bị hỏng tại một lò phản ứng hạt nhân của nhà máy Fukushima. Công ty còn sắp bị cấm khởi động lại nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki-Kariwa ở tỉnh Niigata trong một năm rưỡi.

Ông Hiroshi Kishi - người đứng đầu Liên đoàn Hợp tác xã Thủy sản Quốc gia Nhật Bản, chia sẻ: "Chúng tôi không thể tránh khỏi lo lắng khi Tepco chịu trách nhiệm xử lý nước thải phóng xạ sau những vi phạm gần đây".

Ăn thủy hải sản Nhật Bản có an toàn?

Tokyo cho rằng các nguyên tố phóng xạ trong nước thải như tritium thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn quốc tế và các nhà máy điện hạt nhân ở nhiều nơi khác cũng thường xuyên xả thải ra biển.

Trên toàn Nhật Bản, mức độ phóng xạ trên thực phẩm không được vượt quá 100 becquerels/kg (hay Bq/kg), trong khi tại Liên minh châu Âu (EU) là 1.250 Bq/kg và tại Mỹ là 1.200 Bq/kg.

Tiêu chuẩn đối với thực phẩm có nguồn gốc từ Fukushima thậm chí còn thấp hơn, chỉ 50 Bq/kg. Kể từ năm 2011, giới chức Nhật Bản đã tiến hành xét nghiệm hàng trăm nghìn mặt hàng thực phẩm để giành lại niềm tin người tiêu dùng.

Nhật Bản xả nước phóng xạ từ Fukushima có ảnh hưởng đến chất lượng thủy sản xuất khẩu? - Ảnh 1.

Mô hình mô phỏng quá trình lan ra của đồng vị phóng xạ Cs-137 của GEOMAR - Trung tâm Nghiên cứu Đại dương Helmholtz (Đức), thể hiện. (Bấm vào hình để xem rõ hơn)

Ngư dân và doanh nghiệp thủy sản tại Nhật Bản lo lắng uy tín của ngành này sẽ chịu tổn thất nặng nề sau nhiều năm dày công khôi phục lòng tin của khách hàng.

Ông Toru Takahashi - Chủ tịch Hiệp hội Ngư dân Kéo lưới Fukushima, bày tỏ: "Dù cho chúng tôi khẳng định cá 'an toàn' thì ai biết khách hàng nghĩ như thế nào. Tôi e ngại không biết người dân nước ngoài sẽ phản ứng với quyết định xả nước thải hạt nhân ra biển ra sao".

Chia sẻ với AFP, một nguồn tin trong ngành thủy sản Fukushima nhấn mạnh: "Chính phủ khẳng định nước sắp xả thải tuyệt đối an toàn nhưng thông điệp này không đến được với công chúng".

Nguồn tin trên cho biết các đối tác thương mại đã cảnh báo sẽ ngừng bán sản phẩm thủy hải sản có nguồn gốc từ Fukushima và người tiêu dùng cũng tuyên bố sẽ không mua hàng nếu chính phủ xả nước thải phóng xạ ra biển. 

"Nỗ lực khôi phục ngành cá của chúng tôi trong 10 năm qua sắp trôi sông trôi biển", nguồn tin cho hay.

Các tổ chức hoạt động vì môi trường như Greenpeace phản đối rằng các đồng vị phóng xạ như Carbon-14 tồn tại trong nước xả thải phóng xạ có thể "dễ dàng tập trung trong chuỗi thực phẩm".

Greenpeace cho rằng vật chất phóng xạ tích tụ theo thời gian có thể làm hỏng chuỗi ADN của con người và kêu gọi chính phủ Nhật Bản nên trữ nước thải cho đến khi phát triển công nghệ lọc nước tiên tiến hơn.

Còn ông Masashi Goto - thành viên Ủy ban Công dân về Năng lượng Hạt nhân gồm nhiều học giả và chuyên gia hạt nhân, cho biết do không có tiêu chuẩn quốc tế thống nhất về mức độ tritium được coi là an toàn. Tiêu chuẩn của Nhật Bản là 60.000 Bq/lit trong khi của WHO là 10.000 Bq/lit, EU chỉ cho phép 100 Bq/lit.

Xinhua News (Tân Hoa Xã) đề cập đến khả năng phát tán của đồng vị phóng xạ Cesi-137 (Cs-137) mà Nhật Bản thải từ nhà máy hạt nhân Fukushima ra Thái Bình Dương.

Từ vị trí được đổ xuống, Cs-137 sẽ nhanh chóng lan ra những vùng nước rộng lớn trong một thời gian ngắn, làm ảnh hưởng tới môi trường biển của cả khu vực.

Dù vậy, ông Michiaki Kai - chuyên gia đánh giá rủi ro bức xạ tại Đại học Y khoa và Hộ lý Oita cho biết "đa phần các nhà khoa học đều nhất trí rằng ảnh hưởng của nước xả thải từ nhà máy Fukushima Daiichi đối với sức khỏe là rất nhỏ". Song, vị chuyên gia khẳng định khó có thể nói rủi ro bằng 0.

Bà Geraldine Thomas, chủ nhiệm khoa bệnh học phân tử tại Đại học Hoàng gia London và là một chuyên gia về phóng xạ, khẳng định tritium hoàn toàn không gây hại cho sức khỏe và đặc biệt là khi nước thải phóng xạ từ Fukushima sẽ được nước biển Thái Bình Dương pha loãng ra.

Liên quan đến thủy hải sản Fukushima, bà Thomas nhấn mạnh: "Tôi sẽ ăn luôn mà không một chút ngần ngại!".

Nhật Bản sắp xả nước nước thải phóng xạ ra biển: Ăn hải sản liệu có an toàn? - Ảnh 2.

Khả Nhân

Sự kiện chứng khoán nổi bật 2024: Thách thức mốc 1.300 điểm, khối ngoại bán ròng kỷ lục, VNDirect bị hacker quốc tế tấn công
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục tăng trưởng năm thứ hai liên tiếp (2023 - 2024). Cùng điểm lại những sự kiện đáng chú ý nhất ngành chứng khoán trong năm qua như sự kiện nhà đầu tư nước ngoài bán ròng kỷ lục, hệ thống của VNDirect bị hacker quốc tế tấn công.