|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hơn 1 triệu tấn nước nhiễm phóng xạ: Nhật Bản sẽ xả ra biển như thế nào?

20:08 | 13/04/2021
Chia sẻ
Nhật Bản dự định xả hơn 1 triệu tấn nước nhiễm phóng xạ từ nhà máy hạt nhân ở Fukushima ra biển. Việc xả nước sẽ bắt đầu trong 2 năm tới và toàn bộ quá trình có thể kéo dài nhiều thập kỷ.
Cách Nhật Bản xử lý nước nhiễm phóng xạ ở Fukushima trước khi đổ ra biển - Ảnh 1.

Các bể chứa nước đã qua xử lý tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. (Ảnh: Reuters).

Nước nhiễm phóng xạ

Trong suốt 10 năm qua, Tập đoàn Điện lực Toyo (Tepco) phải vật lộn tìm cách giải quyết lượng nước nhiễm phóng xạ dồn ứ tại nhà máy Fukushima Daiichi sau khi nguồn điện và hệ thống làm mát bị trận sóng thần năm 2011 đánh sập. 

Công ty đang sử dụng hệ thống máy bơm và đường ống tạm thời để bơm nước vào các thùng lò phản ứng bị hư hỏng nhằm giữ cho các thanh nhiên liệu uranium đã tan chảy luôn ở nhiệt độ thấp.

Nước bị nhiễm phóng xạ khi tiếp xúc với uranium chảy vào các tầng hầm và đường hầm bị hư hỏng. Sau đó lượng nước này lại hòa lẫn với nước ngầm đi qua nhà máy từ các ngọn đồi phía trên. Hỗn hợp này tạo nên lượng nước nhiễm phóng xạ khổng lồ được bơm ra ngoài và xử lý rồi trữ trong các bể khổng lồ xung quanh nhà máy.

Theo Reuters, các bể này hiện chứa khoảng 1,3 triệu tấn nước phóng xạ, đủ để lấp đầy 500 bể bơi theo tiêu chuẩn Olympic.

Tepco cố gắng giải quyết vấn đề trên bằng nhiều biện pháp, bao gồm xây dựng một "bức tường băng" xung quanh các lò phản ứng và giếng bị hư hỏng để hút nước ngầm trước khi chúng đến được lò phản ứng. Nhưng những biện pháp này chỉ có thể làm chậm lại, chứ không thể ngừng được sự tích tụ của nước nhiễm phóng xạ.

Tepco còn phải đối mặt với tình trạng rò rỉ, tràn nước, thiết bị trục trặc và nhân viên vi phạm cơ chế an toàn.

Năm 2018, Tepco thừa nhận công ty chưa lọc được toàn bộ vật chất nguy hiểm ra khỏi nước, trái với tuyên bố trong nhiều năm qua.

Xả nước

Tepco có kế hoạch lọc nước nhiễm xạ một lần nữa để loại bỏ các đồng vị nguy hiểm, chỉ chừa lại tritium - một đồng vị phóng xạ của hydro khó tách khỏi nước. Sau đó, Tepco sẽ pha loãng nước cho đến khi mức tritium giảm xuống dưới ngưỡng gây hại rồi xả trực tiếp ra biển.

Các nhà máy hạt nhân trên thế giới cũng thường xuyên thải nước có nhiễm tritium, Reuters cho biết. Các cơ quan quản lý cũng ủng hộ việc xả nước từ nhà máy ở Fukushima.

Tritium được coi là tương đối vô hại vì năng lượng nó phát ra không thể xâm nhập cơ thể người qua da. Nhưng tritium thâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa sẽ làm tăng nguy cơ ung thư, theo bài báo được đăng trên tạp chí Scientific American năm 2014.

Phản ứng của quốc tế

Tepco đang liên lạc với các cộng đồng ngư dân và những nhóm bị ảnh hưởng khác, đồng thời quảng bá nông, lâm, thủy sản để tránh làm tổn hại danh tiếng của các sản phẩm trong khu vực.  

Tuy nhiên, các nhóm bảo vệ môi trường như Greenpeace lập luận rằng chính phủ Nhật Bản nên xây thêm bể chứa xung quanh nhà máy thay vì lựa chọn cách làm ít tốn kém hơn là xả nước ra biển. Nhiều người ngờ vực kế hoạch của Tepco vì công ty này không có uy tín tốt.

Các nghiệp đoàn nghề cá tại Fukushima kêu gọi chính phủ không xả nước từ nhà máy hạt nhân ra biển. Họ lập luận rằng hành động này sẽ khiến cho nỗ lực khôi phục danh tiếng ngư nghiệp của địa phương đổ sông đổ bể.

Tháng 10 năm ngoái, người đứng đầu các nghiệp đoàn nghề cá của Nhật Bản nói rằng việc xả nước của nhà máy ở Fukushima sẽ có "tác động thảm khốc" đối với ngành.

Các nước láng giếng của Nhật Bản cũng bày tỏ lo ngại. Ông On, phát ngôn viên bộ ngoại giao Hàn Quốc cho biết nước này "cực kỳ lo ngại rằng quyết định của chính phủ Nhật Bản có thể tạo ra tác động trực tiếp và gián tiếp lên người dân chúng tôi và khu vực xung quanh".

Hội đồng thành phố ở Busan và Ulsan, hai thành phố gần biển của Hàn Quốc, kêu gọi Nhật Bản hủy bỏ kế hoạch xả nước

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng quan ngại về quyết định xả nước thải hạt nhân ra biển của Nhật Bản, tờ Tân Hoa Xã (Xinhua News) cho biết. Ông Trần Lập Kiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao phát biểu rằng Trung Quốc kêu gọi phía Nhật Bản cần có trách nhiệm trong giải quyết vấn đề xử lý chất thải hạt nhân một cách thận trọng.

Giang

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.