Nhật Bản muốn xả nước thải hạt nhân ra biển: Mỹ ủng hộ, Trung - Hàn dọa đáp trả
Phát biểu tại cuộc họp nội các hôm 13/4, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga tuyên bố sẽ xả 1 triệu tấn nước thải phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra Thái Bình Dương trong hai năm. Ông Suga gọi quyết định trên là "lựa chọn thực tế nhất" sau nhiều năm bị trì hoãn vì vấp phải sự phản đối của công chúng và các lo ngại về an toàn khác.
Theo SCMP, Thủ tướng Suga khẳng định Nhật Bản sẽ "thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo nước xả thải tuyệt đối an toàn cũng như sẽ triệt để xử lý các thông tin gây sai lệch". Nội các Nhật Bản sẽ họp lại trong vòng một tuần tới để vạch ra chi tiết của kế hoạch.
Trung Quốc nổi đóa: Nhật Bản "cực kỳ vô trách nhiệm"
Cùng ngày 13/4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích chính phủ Nhật Bản là "cực kỳ vô trách nhiệm", đồng thời bày tỏ quan ngại về mức độ an toàn của nước xả thải phóng xạ và thông tin thêm là Bắc Kinh không được Tokyo tham vấn ý kiến.
"Phía Nhật Bản chưa thảo luận toàn diện vấn đề, hành động bất chấp sự phản đối của công chúng trong và ngoài nước, cũng như đơn phương quyết định xả nước thải hạt nhân của nhà máy Fukushima xuống Thái Bình Dương mà không hội ý đầy đủ cùng các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế", Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh.
"Hành động này là cực kỳ vô trách nhiệm và sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như sự an toàn của người dân các nước láng giếng và cộng đồng quốc tế", Bộ Ngoại giao Trung Quốc tiếp lời.
Trung Quốc kêu gọi Tokyo thay đổi quyết định, đồng thời nói thêm rằng họ sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến chung và "bảo lưu ý định sẽ đáp trả" Nhật Bản.
Hàn Quốc họp khẩn
Ông Koo Yoon-cheol, người đứng đầu Văn phòng Điều phối Chính sách của Hàn Quốc cho biết: "Chính phủ rất quan ngại về quyết định của Tokyo hòng xả nước thải phóng xạ từ nhà máy hạt nhân Fukushima ra biển".
Ông Koo đã chủ trì một cuộc họp khẩn cấp với các thứ trưởng để thảo luận về hướng phản ứng của Seoul sau thông báo của Nhật Bản. Vị quan chức cấp cao này cho biết Hàn Quốc sẽ "thực hiện mọi biện pháp cần thiết" để bảo vệ người dân Hàn Quốc trước nguồn nước bị ô nhiễm từ nhà máy Fukushima.
Hơn một chục nhà hoạt động xã hội Hàn Quốc đã tổ chức biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Nhật Bản ở Seoul vào ngày 13/4, lên án quyết định của Tokyo là một "hành động khủng bố hạt nhân".
Đảo Đài Loan cũng phát thông báo bày tỏ sự phản đối và quan ngại về hành động đã được lên kế hoạch của chính quyền Thủ tướng Suga.
Mỹ đứng về phía đồng minh
Tokyo Electric Power Company Holdings - đơn vị vận hành nhà máy Fukushima và các quan chức chính phủ Nhật Bản cho biết họ không thể loại bỏ tritium khỏi 1 triệu tấn nước thải hạt nhân sắp xả ra Thái Bình Dương.
Tritium là một chất phóng xạ ít gây nguy hiểm cho sức khỏe con người ở nồng độ thấp. Còn các chất phóng xạ khác như strontium và caesium đều có thể bị tách khỏi nước trước khi xả ra biển.
Đáng chú ý, Tokyo cho biết đang phối hợp chặt chẽ và có sự hỗ trợ từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Quyết định này dường như cũng nhận được sự hậu thuẫn của người đồng minh Mỹ.
Ông Ned Price - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay: "Trong tình huống hiếm hoi và đầy thách thức này, Nhật Bản đã cân nhắc các lựa chọn cũng như tác động tiềm tàng, họ minh bạch về quyết định của mình và dường như đã áp dụng các biện pháp phù hợp với tiêu chuẩn an toàn hạt nhân được công nhận trên toàn cầu".
"Chúng tôi hy vọng chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục phối hợp và giữ liên lạc với Mỹ trong quá trình giám sát việc xả thải hạt nhân", ông Price nhấn mạnh.
Tròn 10 năm trước, một trận động đất cực mạnh kèm theo sóng thần đã tàn phá nặng nề ba tỉnh đông bắc Nhật Bản là Iwate, Fukushima và Miyagi, khiến hơn 18.500 người thiệt mạng và mất tích, cùng nhiều nhà cửa bị hư hại.
Nghiêm trọng hơn, thảm họa thiên nhiên còn làm nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị hư hại, lõi các lò phản ứng số 1, 2 và 3 nóng chảy và gây rò rỉ phóng xạ. Đây được coi là sự cố hạt nhân tồi tệ nhất trên thế giới kể từ sau thảm kịch của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl (Ukraine) năm 1986.