|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhà kinh tế trưởng của Moody's: Nguy cơ suy thoái kinh tế trong 12 - 18 tháng tới là 'cực kì cao'

16:52 | 16/10/2019
Chia sẻ
CNBC dẫn lời nhà kinh tế trưởng của Moody's cho biết khả năng suy thoái tấn công vào nền kinh tế toàn cầu trong 12 - 18 tháng tới là "cực kì cao", thậm chí các nhà hoạch định chính sách cũng không thể ngăn cản diễn biến này.
Global-ecomony-2018

Nguồn: European Business Magazine

Không xuất hiện suy thoái thì kinh tế toàn cầu sẽ yếu đi đáng kể

"Theo tôi, nếu xuất hiện một điều gì đó nằm chệch ngoài dự đoán, khả năng cực kì cao là chúng ta sẽ đón nhận một đợt suy thoái kinh tế", ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của tổ chức xếp hạng tín dụng Moody's Analyics, phát biểu.

"Thậm chí, nếu không có đợt suy thoái nào trong 12 - 18 tháng tới, tôi thấy khá rõ ràng là nền kinh tế thế giới sẽ yếu đi đáng kể", ông Zandi nói thêm.

Theo nhà kinh tế trưởng của Moody's, để tránh cho hoạt động kinh tế thế giới chững lại đòi hỏi nhiều yếu tố phải nằm trong kịch bản dự trù cùng lúc.

Lí giải cho nhận định của mình, ông Zandi nêu ra ba yếu tố gồm: Tổng thống Donald Trump không gây leo thang cuộc chiến thuế quan với Trung Quốc, Anh tìm ra giải pháp cho Brexit và ngân hàng trung ương trên toàn cầu tiếp tục kích thích tiền tệ.

ON-CI463_otherv_M_20171110154205

Nguồn: Barron's

Khi được hỏi về khả năng xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu, ông Zandi trả lời CNBC: "Tôi nghĩ khả năng là rất cao, cực kì cao".

Các nhà kinh tế khác lại tỏ ra ít lo ngại về suy thoái kinh tế hơn, tuy nhiên nhìn chung họ vẫn có cùng tâm lí với ông Zandi, rằng tăng trưởng toàn cầu sẽ tiếp tục yếu đi.

Ông Eswar Prasad, giáo sư tại Đại học Cornell, cho biết chi tiêu của người tiêu dùng đã góp phần hỗ trợ tăng trưởng ở nhiều nền kinh tế, ngay cả khi động lực ở các lĩnh vực khác chững lại. Tuy nhiên, ông Prasad nhận định thực tế này không bền vững.

Cụ thể, ông nói: "Chúng ta không thể phụ thuộc vào người tiêu dùng và hộ gia đình để thúc đẩy tăng trưởng. Vì vậy, mấu chốt là phải đưa ra một loạt chính sách giúp hồi sinh niềm của doanh nghiệp và người tiêu dùng, và cuối cùng thúc đẩy hoạt động đầu tư".

Vướng mắc giữa chính sách tiền tệ và tài khóa

Cũng vào ngày 15/10, Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu. Cụ thể, trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới, IMF dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3% trong năm nay và 3,4% vào năm 2020.

Lần điều chỉnh này thấp hơn mức dự báo tăng trưởng 3,2% và 3,5% lần lượt cho năm 2019 và 2020 mà IMF công bố hồi tháng 7.

Tổ chức này nhận định tăng trưởng chậm lại một phần là do rào cản thương mại và căng thẳng địa chính trị gia tăng. Đồng thời, họ kêu gọi các bên đưa ra một giải pháp "cân bằng" để chống lại các rủi ro trên.

"Chính sách tiền tệ không phải hướng giải quyết duy nhất và các nhà hoạch định nên kết hợp nó cùng với hỗ trợ tài chính khi có cơ hội và chính sách chưa quá bành trướng", IMF cho hay.

Theo CNBC, nhà kinh tế trưởng của Moody's nhất trí rằng chính phủ các nước nên tăng chi tiêu để củng cố nền kinh tế, tuy nhiên cảnh báo nhiều nền kinh tế lớn không nên đi theo hướng đó.

Lí giải nhận định kể trên, ông nêu: Khi hai đảng lớn của Mỹ còn đang đấu đá trong cuộc điều tra luận tội ông Trump, Quốc hội Mỹ dường như sẽ không thông qua bất kì kế hoạch cắt giảm thuế nào.

Còn ở châu Âu, mặc dù Đức có thể có nhiều không gian tài chính để tăng chi tiêu nhưng Berlin khó có thể thực hiện điều đó theo luật định.

Yên Khê