Cái bắt tay chiến lược Mỹ-Trung cũng khó nâng triển vọng kinh tế toàn cầu
Cái bắt tay kéo Mỹ và Trung Quốc sát gần nhau hơn sau 18 tháng tranh chấp thương mại. (Ảnh: Bloomberg)
Hôm 11/10, Trung Quốc đã đồng ý tăng gấp đôi lượng nông sản thu mua hàng năm từ nông dân Mỹ lên 50 tỉ USD.
Theo Bloomberg, động thái này tạo ra một "liều thuốc bổ" cho cộng đồng cử tri ở khu vực nông thôn Mỹ đang đóng vai trò quan trọng trong cuộc tranh cử năm 2020 của ông Trump, nhưng không có nhiều ý nghĩa đối với một quốc gia có GDP khoảng 21 nghìn tỉ USD như Mỹ.
Tối hôm 13/10, Tổng thống Trump đăng tải trên Twitter rằng Trung Quốc đã bắt đầu mua thêm nông sản, lặp lại lời ông đưa ra hôm 11/10 tại Nhà Trắng.
Đổi lại, Bắc Kinh đã thuyết phục Mỹ tạm ngừng tăng thuế theo kế hoạch trong tuần này vì nhiều quan chức Nhà Trắng đang lo ngại về sự chững lại của nền kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, vẫn còn trên bàn đàm phán là mối đe dọa kinh tế lớn nhất của ông Trump và cũng là đám mây đen tối nhất che mờ triển vọng kinh tế: thuế nhập khẩu đối với tất cả hàng hóa còn lại của Trung Quốc có hiệu lực vào ngày 15/12 sẽ khiến nhiều mặt hàng tiêu dùng phổ biến trở nên đắt đỏ hơn.
"Chúng ta vẫn còn nhiều thứ phải xử lí, tuy nhiên tôi tin tưởng hai bên sẽ nỗ lực lớn và dự đoán Mỹ - Trung sẽ kết thúc tranh chấp", Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho hay hôm 13/10.
Nhà đầu tư lại tỏ ra cảnh giác hơn. Thị trường chứng khoán Mỹ tuần trước đóng cửa trong sắc xanh khi căng thẳng thương mại lắng dịu. Dù vậy, sau khi nhà đầu tư nghe được thông báo của ông Trump về thỏa thuận thương mại giữa hai nước, giá các cổ phiếu kết phiên 11/10 thấp hơn đáng kể so với đỉnh đạt được trong ngày.
Thỏa thuận mà Tổng thống Trump gọi là "lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ" có một thiếu sót đáng kể: đây chưa phải là một văn kiện đã kí kết, mặc dù trên thực tế nó đã được đưa ra bàn thảo hơn một năm qua.
Vì vậy, các nhà kinh tế đã phản ứng bằng sự hoài nghi, họ không chắc ý nghĩa của thỏa thuận trên đối với hàng loạt dự báo tăng trưởng kinh tế đang đi xuống vì cuộc chiến thương mại kéo dài 18 tháng qua.
Nguồn: Bloomber/Bộ Nông nghiệp Mỹ
"Chưa có hướng đi khả thi nào để giảm thuế quan hiện tại và leo thang thuế quan vẫn là một rủi ro lớn", hai chiến lược gia Michael Zezas và Meredith Pickett của Morgan Stanley nhận định hôm 11/10.
"Do đó, chúng tôi không kì vọng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ phụ hồi đáng kể để thúc đẩy triển vọng tăng trưởng toàn cầu đi lên".
Ông Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng phụ trách mảng Trung Quốc tại Australia & New Zealand Banking Group (ANZ), cho biết bất chấp tiến bộ thương mại mới nhất này, căng thẳng khó có thể giảm bớt và rủi ro kinh tế sẽ kéo dài khi các cuộc đàm phán chuyển qua các giai đoạn khác nhau.
Rào cản còn cao
"Thỏa thuận giai đoạn một chủ yếu xoay quanh giao dịch mua nông sản, tạm dừng thuế quan và cơ hội tiếp cận thị trường", ông Yeung viết trong một ghi chú hôm 12/10 cùng hai đồng nghiệp Betty Rui Wang và Zhaopeng Xing.
"Tuy nhiên, các vấn đề chủ chốt về chuyển giao công nghệ và an ninh quốc gia vẫn còn phải đối mặt với rào cản cao ngất trước khi giải pháp xuất hiện".
Trong tuần này, nền kinh tế toàn cầu sẽ đón nhận nhiều dữ liệu kinh tế mới hơn.
Vào hôm 15/10, Quĩ Tiền tệ Quốc Tế (IMF) sẽ khởi động cuộc họp thường niên tại Washington và có khả năng cắt giảm dự báo tăng trưởng cho năm 2019 và 2020 trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới của họ.
Hồi tháng 7, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng cho năm nay xuống còn 3,2% và cho năm 2020 xuống 3,5%. Đây là lần cắt giảm dự báo lần thứ 4 của cơ quan này kể từ tháng 10 năm ngoái.
Tăng trưởng GDP quí III của Trung Quốc sắp công bố vào ngày 18/10 được dự báo sẽ chỉ đạt 6,1%, mức thấp nhất trong gần ba thập kỉ.
Tốc độ tăng trưởng trên khó lòng giúp Bắc Kinh khẳng định nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sắp sửa hoàn thành mục tiêu tăng trưởng dài hạn.
Để các nhà kinh tế lạc quan hơn về triển vọng tăng trưởng, kể từ giờ đến cuộc họp của diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương vào tháng 11 tới, Washington và Bắc Kinh sẽ phải nỗ lực hơn nữa nhằm giải quyết các vấn đề thương mại gai góc như thực thi và bảo hộ tài sản trí tuệ.
"Cho đến khi xuất hiện bằng chứng như vậy, chúng tôi phải kết luận rằng thỏa thuận thương mại giai đoạn một chỉ mang tính 'thiếu chắc chắn' chứ không 'lâu bền' gì", các chiến lược gia của Morgan Stanley viết.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/