|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nguyên nhân nào khiến đặc sản gạo ST25 bị giành trước quyền thương hiệu?

14:56 | 22/04/2021
Chia sẻ
Mặc dù gạo ST25 đã được thế giới công nhận là gạo ngon nhất, nhì thế giới thuộc nhóm tác giả Hồ Quang Cua của Việt Nam nhưng vì sao lại bị các doanh nghiệp nước ngoài đăng ký thương hiệu?

Các doanh nghiệp Mỹ đã đăng ký thương hiệu từ sớm

Những ngày gần đây, thông tin có đến 4 doanh nghiệp nước ngoài đăng ký thương hiệu gạo ST25 khiến nhiều người lo lắng. 

Tra cứu thông tin trên Upsto.report cho thấy hiện có 4 tổ chức, cá nhân có địa chỉ ở Mỹ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu liên quan sản phẩm gạo ST25.

Cụ thể, Transworld Foods với 2 đơn đăng ký nhãn hiệu đăng ký bảo hộ gồm "VIETNAM’S ST25 RICE, DAC SAN SOC TRANG", nộp đơn ngày 1/9/2020 và nhãn hiệu "No.1 GẠO ST25 VIỆT NAM LÀ GẠO TỐT NHẤT THẾ GIỚI", nộp đơn ngày 31/7/2020.

Ngon Fish Sauce đăng ký bảo hộ "Gao Thom ST25" "Dac san Soc Trang" nộp đơn ngày 22/10/2020; IT Enterprise Inc đăng ký nhãn hiệu ST25 nộp đơn ngày 18/6/2020 và TTM International Inc đăng ký ngày 10/8/2020.

Có thể thấy, các doanh nghiệp ngoại này đã đăng ký thương hiệu gạo ST25 từ năm 2020, chứ không phải thời điểm này mới diễn ra.

Căn cứ vào thời gian, đó là sau khi ST25 đạt giải nhất Cuộc thi gạo ngon nhất thế giới 2019 và trước thời điểm tháng 12/2020 khi ST25 tiếp tục ghi dấu với giải Á Quân Cuộc thi gạo ngon nhất thế giới năm 2020.

Vì sao doanh nghiệp Việt "bị cướp" thương hiệu "ngay trên tay"?

Vậy vì sao, một thương hiệu gạo do chính người Việt Nam lai tạo, phát triển và đã đạt những thứ hạng Nhất, Nhì trên thị trường thế giới lại dễ dàng bị các doanh nghiệp nước ngoài giành quyền sở hữu?

Chia sẻ với người viết về vấn đề này, GS Võ Tòng Xuân, Chuyên gia nông nghiệp, cho biết:  "Nguyên nhân chính là do nhóm tác giả Hồ Quang Cua vẫn chưa đăng ký bản quyền và việc chậm trễ này".

Danh tính 4 DN ngoại đăng ký thương hiệu gạo ST25, nguyên nhân nào khiến ST25 bị giành trước? - Ảnh 1.

(Ảnh: nongsansachphuongnam.com)

Trong khi đó, theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ, ông Hồ Quang Cua, "cha đẻ" của giống gạo ST25 cho biết ông chỉ chuyên tâm nghiên cứu, lai tạo ra các giống lúa, trong khi vấn đề đăng ký bản quyền thương hiệu rất phức tạp nên ít chú ý đến.

"Tại Mỹ, việc đăng ký thương hiệu rất dễ dàng theo kiểu “ai nhanh chân hơn sẽ thắng” mà không biết rõ nguồn gốc đó ở đâu, ai làm ra. Họ quy định rất dễ dàng. Điều này cũng đã xảy ra tại Việt Nam chúng ta như với nước mắm, hồ tiêu... trước đây. 

Tôi cho rằng, giá trị thật bao giờ cũng thắng. Họ không làm ra, không sản xuất, không có cánh đồng canh tác nào mà nói là của họ thì khó nghe lắm”, ông Cua chia sẻ.

Chỉ ra những rủi ro có thể gặp khi giống gạo vốn thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp Việt lại bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký thương hiệu trước, GS Xuân cho hay khi các doanh nghiệp nước ngoài đó đã đăng ký bản quyền thì một siêu thị ở Mỹ mua ST25 của Việt Nam, dù là để thương hiệu khác nhưng các doanh nghiệp đó vẫn có thể bắt mình với tội danh đánh cắp thương hiệu của họ, vì họ đã đăng ký đầy đủ giấy tờ.

"Hoặc họ về Việt Nam dùng một loại gạo khác nhưng dùng thương hiệu gạo ST25 đã đăng trí bản quyền thì họ cũng có thể bán ra thị trường. Cuối cùng tất giải gạo ST25 đều phải qua doanh nghiệp đó", GS Võ Tòng Xuân quan ngại.

Trước tình hình này, chuyên gia cho rằng về phía Việt Nam, cụ thể là nhóm tác giả Hồ Quang Cua phải thuê luật sư kiện các doanh nghiệp nước ngoài này bằng cách đưa ra các bằng chứng về lai tạo giống, phân tích DNA giống gạo..., từ đó giành lại quyền sở hữu thương hiệu gạo ST25

GS Xuân cho biết Việt Nam cũng có luật về quyền sở hữu trí tuệ, nhưng thực tế, để làm đúng luật sẽ tốn rất nhiều chi phí nên doanh nghiệp không chú trọng, đến khi làm ra bị người khác ăn cắp quyền sở hữu cũng không thể kiểm soát và đủ răn đe. 

Như Huỳnh