|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá gạo Việt Nam đang bị lung lay vì những thông tin giá gạo thế giới giảm?

10:40 | 13/04/2021
Chia sẻ
Căng thẳng cước tàu biển, container, lại thêm các đối thủ xuất khẩu như Thái Lan và Ấn Độ gần đây liên tục điều chỉnh giảm giá gạo xuất khẩu khiến giá gạo Việt Nam cũng theo đà sụt giảm.

Giá gạo sụt giảm cả xuất khẩu và trong nước

Từ giữa tháng 3 tới nay giá lúa gạo trong nước đã được chiều chỉnh giảm nhiều lần, trong bối cảnh ĐBSCL thu hoạch gần xong lúa Đông Xuân và miền Bắc chuẩn bị thu hoạch lúa Đông Xuân.

Số liệu của Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản cho biết giá lúa Đông Xuân tại các tỉnh ĐBSCL diễn biến giảm trong tháng 3/2021.

Cụ thể, tại An Giang, lúa IR50404 giảm từ 7.100 đồng/kg xuống 6.600 đồng/kg, với mức thấp là 6.400 đồng/kg ghi nhận ngày 16/3.

Tại Kiên Giang, lúa IR50404 giảm mạnh, từ 7.300 – 7.400 đồng/kg xuống còn 6.300 – 6.400 đồng/kg.

Tại Vĩnh Long, lúa IR50404 ướt giảm 200 đồng/kg, từ 7.000 đồng/kg xuống 6.800 đồng/kg; lúa hạt dài ướt giảm 300 đồng/kg xuống 6.900 đồng/kg; lúa khô tăng lên mức 9.500 đồng/kg. 

Khu vực

Giống lúa/gạo

Giá

Giảm

An Giang

IR50404

6.400

Gần 10%

OM 2514

6.600

5,7%

 

Gạo thường

11.000

 

 

Gạo jasmine

15.000

 

Kiên Giang

IR50404

6.300 - 6.400

13,7%

 

OM 6976

6.400 – 6.600

 

 

OM 5451

6.500 – 6.600

 

Vĩnh Long

IR50404 ướt

 6.800

Gần 3%

 

Lúa hạt dài ướt

6.900

 

Bạc Liêu

Lúa tài nguyên

7.300 – 7.750

 

Giá lúa, gạo tại một số địa phương trong tháng 3/2021. (Nguồn: Bộ NN&PTNT)

Không chỉ giá lúa gạo trong nước rớt giá, tại thị trường xuất khẩu, giá gạo của Việt Nam cũng quay đầu giảm. Dữ liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết trong phiên giao dịch ngày 8/4, giá gạo 5% tấm ở mức 483 - 487 USD/tấn, giảm 5 USD/tấn, tương đương hơn 1% so với phiên ngày 7/4.

Nhưng mức giá này giảm mạnh đến 35 USD/tấn, khoảng 6,8 - 7,5% so với mức giá đỉnh điểm là 522 USD/tấn ghi nhận ngày 26/3/2021.

Thị trường đang bị lung lay vì những thông tin giá gạo thế giới giảm - Ảnh 1.

Giá gạo xuất khẩu cập nhật ngày 8/4/2021. (Nguồn: Oryza/Hiệp hội lương thực Việt Nam)

Cùng chung xu hướng, trên thị trường thế giới, giá gạo của các thị trường chủ lực khác cũng đang đi xuống.

Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm xuống còn 465 - 482 USD/tấn vào tuần trước, tương đương 3,6 - 4,75% so với mức 488 - 500 USD của tuần trước nữa. Đây cũng là mức thấp nhất trong hơn 5 tháng của gạo Thái Lan, theo Reuters.

Tương tự, giá gạo đồ 5% tấm của nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, Ấn Độ, cũng giảm trong tuần thứ hai liên tiếp xuống 390 - 395 USD/tấn từ 393 - 398 USD của tuần trước nữa, vì đồng rupee xuống mức thấp nhất gần 5 tháng.

Logistics, cạnh tranh từ các đối thủ đang làm khó hạt gạo

Chia sẻ với người viết, ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing của Công ty TNHH Vrice, cho rằng: "Giá gạo Việt Nam năm 2020 tăng cao nhưng vẫn xuất khẩu tốt do Việt Nam kiểm soát dịch bệnh tốt nên các nhà nhập khẩu bắt buộc mua hàng từ Việt Nam. Nhưng hiện tại các nước xuất khẩu chính đã thích nghi được dịch bệnh và chủ động hơn trong sản xuất nên Việt Nam không còn ưu thế như trước nữa".

Lý giải rõ hơn về những nguyên nhân khiến giá gạo sụt giảm, ông Có cho biết tình trạng thiếu phương tiện vận chuyển vẫn rất nghiêm trọng khiến việc xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp các doanh nghiệp thiệt hại đáng kể, việc thu mua lúa hiện cũng cầm chừng do doanh nghiệp chưa dám thương thảo các hợp đồng mới

"Đơn cử như tại công ty Vrice các đơn hàng giao đi châu Âu hiện tại không có chỗ booking khiến kế hoạch giao hàng phải chuyển qua tháng 5/2021, khi đó mới có thể tính tiếp nhưng không chắc sẽ giao được.

Mặc khác với những hàng hoá đã chuẩn bị sẵn và nằm kho chờ khiến công ty không thể mua hàng thêm được nữa vì không có nơi chứa hàng và không đủ vốn để xoay vòng mua hàng", ông Có chia sẻ.

Đáng chú ý, khi các doanh nghiệp xuất khẩu không thể đi hàng dẫn đến một tình trạng là thời gian thu hoạch của những cánh đồng sẽ bị kéo dài thêm, quá hạn cho phép nên chất lượng gạo đi xuống.

"Giá gạo trong nước những ngày gần đây sụt giảm 300-500 đồng/kg. Tuy nhiên sức mua vẫn chậm do lo ngại về chất lượng", đại diện Công ty TNHH Vrice cho biết.

Không chỉ gặp khó tại thị trường chính như châu Âu, theo ông Có ở các thị trường khác giao hàng cũng chậm, khi lấy hàng xong thì cũng nằm chờ ở cảng 1-2 tuần do kẹt cảng chuyển tải...

"Hàng nằm kho, chi phí lưu kho hao hụt tự nhiên mỗi tháng 5-7 triệu đồng/container. Chưa tính các rủi ro khác", ông Phan Văn Có cho biết.

Đây cũng là chia sẻ của ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An, khi cho rằng việc giá cước tăng cao khiến gạo Việt Nam khó cạnh tranh với các doanh nghiệp của các nước gần hơn hoặc vận chuyển thuận lợi hơn.

Cùng với tình trạng khan hiếm container, lại thêm các đối thủ xuất khẩu như Thái Lan và Ấn Độ gần đây liên tục điều chỉnh giảm giá gạo xuất khẩu đã khiến các nhà xuất khẩu gạo Việt điều chỉnh giảm giá theo.

Tuy nhiên, theo ông Bình thị trường chỉ đang bị lung lay vì những thông tin giá gạo thế giới giảm, doanh nghiệp đừng vội giảm giá gạo xuất khẩu theo thị trường thế giới với mục đích cạnh tranh. 

Vì thực tế, trong tình hình giá gạo đang giảm công ty Trung An cũng có thể trúng thầu lô gạo xuất đi Hàn Quốc với giá khá tốt. Đó là lô hàng hơn 11.000 tấn gạo lứt, mới bóc vỏ trấu, có giá 584 USD/tấn, trừ đi mọi chi phí vận chuyển, giá FOB xuất đi từ TP HCM khoảng 534 USD/tấn. 

"Giá gạo của đơn hàng này rất cao. Hiện gạo trắng 5% của Việt Nam đang có giá khoảng 530 USD, còn đơn hàng này có giá 584 USD/tấn, trừ giá vận chuyển khoảng 50 USD thì cũng còn 534 USD/tấn, mà gạo lứt thì chênh với gạo trắng hàng trăm USD nên thực tế là giá rất thuận lợi", ông Phạm Thái Bình chia sẻ.

Đồng thời ông Bình nhấn mạnh, dù giảm song giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn cao nhất hơn 9 năm qua và cao hơn khoảng 100 USD/tấn so với cùng thời điểm này năm ngoái.

Như Huỳnh