Nguy cơ vỡ nợ của doanh nghiệp Trung Quốc tăng cao trong năm 2019
Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – được kì vọng tăng trưởng 6,6% trong năm nay và 6,2% trong năm sau. Tháng 10 vừa qua, lợi nhuận của các tập đoàn công nghiệp có mức tăng trưởng thấp nhất 7 tháng. Số liệu này là điềm xấu về khả năng trả nợ của các doanh nghiệp trong năm 2019, đặc biệt là khi năm 2018 chứng kiến số vụ vỡ nợ vay trái phiếu trong nước ở mức cao kỉ lục.
Tỉ lệ tăng trưởng lợi nhuận ngành công nghiệp so với cùng kì năm trước của Trung Quốc. Nguồn: Bloomberg. |
Bà Cindy Huang, chuyên gia phân tích tại S&P Global Ratings nhận định: “Trong bối cảnh hoạt động cho vay và doanh số bất động sản đang chậm lại, các doanh nghiệp tư nhân sẽ chịu áp lực thanh khoản ngày càng lớn nếu khả năng tạo lợi nhuận không cải thiện. Các biện pháp hỗ trợ từ quí III đến nay đã thông thể đảo ngược làn sóng vỡ nợ vào tháng 11, đồng nghĩa với việc những chính sách này có thể chỉ giúp ích cho những công ty giao dịch cổ phiếu trên sàn hoặc các tập đoàn công nghiệp hàng đầu.”
Điều khiến cho tình hình thanh khoản càng thêm khó khăn là “bức tường” trái phiếu đáo hạn trị giá tới 3.500 tỉ nhân dân tệ (507 tỉ USD) mà các doanh nghiệp phi tài chính Trung Quốc phải vượt qua vào năm sau. Nếu các quyền chọn bán được thực hiện, con số đáo hạn trên sẽ tăng thêm 36%, khiến áp lực đối với dòng tiền của doanh nghiệp càng lớn. Trong năm 2018 này, các doanh nghiệp Trung Quốc đã vỡ nợ trái phiếu với tổng giá trị 108 tỉ nhân dân tệ, cao gấp hơn 3 lần năm ngoái.
Tháng 11 vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tái khẳng định sự hỗ trợ “chắc chắn” mà chính phủ dành cho khu vực kinh tế tư nhân và cam kết thực thi thêm các biện pháp như miễn giảm thuế và hỗ trợ tài chính. Ngân hàng trung ương của Trung Quốc (PboC) thì công bố gói tài trợ trị giá 150 tỉ nhân dân tệ - một phần trong kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân của ngân hàng này.
Dự báo của một số chuyên gia về năm 2019
Bà Cindy Huang, chuyên gia phân tích từ S&P Global Ratings:
Các doanh nghiệp đứng đầu chuỗi sản xuất (doanh nghiệp thượng nguồn – upstream companies) trong lĩnh vực hàng hóa có thể gặp khó khăn thanh khoản khi giá dầu, khí đốt và các hàng hóa khác sụt giảm; nhà đầu tư cũng nên cẩn trọng đối với các doanh nghiệp phát triển bất động sản qui mô nhỏ do doanh số đi xuống và khó khăn trong tái cấp vốn
Ông Mo Qian, giám đốc nghiên cứu đầu tư thu nhập cố định (fixed income) tại HFT Investment Management Co.:
Rủi ro tín dụng tại Trung Quốc năm 2019 nhiều khả năng sẽ có sự phân hóa, bởi các doanh nghiệp yếu kém sẽ tiếp tục sụt giảm lợi nhuận trong khi các biện pháp nới lỏng sẽ giảm gánh nặng tái cấp vốn đối với những DN khỏe mạnh.
Tỉ lệ vỡ nợ đối với những trái phiếu được các phương tiện tài chính của chính quyền địa phương bán ra công chúng có thể sẽ giảm do đầu tư vào cơ sở hạ tầng đang nở rộ. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên đặc biệt chú ý tới những tổ chức có khả năng đã tham gia vào hoạt động tài chính phi pháp ở vùng Đông Bắc và tỉnh Quý Châu.
Bà Chen Su - quản lí danh mục đầu tư trái phiếu tại ngân hàng Qingdao Rural Commercial Bank Co.:
Rủi ro vỡ nợ không có dấu hiệu suy giảm và tâm lí thị trường cần thêm thời gian để tiếp tục cải thiện do một số nhà đầu tư vẫn ưa thích trái phiếu phát hành bởi các doanh nghiệp đã có ngân hàng hỗ trợ.
Các doanh nghiệp phát triển bất động sản nhỏ và những phương tiện tài chính địa phương tồn tại như “xác sống” (zombie) có quan hệ làm ăn lỏng lẻo với nhóm doanh nghiệp tiện ích công có thể sẽ gặp rủi ro tín dụng lớn hơn.
Theo thống kê của Bloomberg, năm 2018, số vụ vỡ nợ trái phiếu tại Trung Quốc lên cao kỉ lục và các doanh nghiệp năng lượng chiếm tỉ trọng lớn nhất trong số này, dẫn đầu là tập đoàn dầu mỏ CEFC Shanghai International và tập đoàn khai thác than Wintime Energy Co.
Tổng giá trị vỡ nợ trái phiếu trong nước của các doanh nghiệp năng lượng Trung Quốc năm nay là 46,4 tỉ nhân dân tệ, xếp thứ hai là các doanh nghiệp hàng tiêu dùng với 31 tỉ nhân dân tệ.
Giá trị vỡ nợ của các doanh nghiệp Trung Quốc trong năm 2018. Nguồn: Bloomberg. |