|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

PMI sản xuất của Trung Quốc tăng hai tháng liên tiếp, báo hiệu sự phục hồi có thể duy trì

17:00 | 30/04/2024
Chia sẻ
Hoạt động nhà máy của Trung Quốc mở rộng tháng thứ hai liên tiếp, củng cố hy vọng rằng sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể được duy trì.

Bloomberg dẫn dữ liệu từ Tổng Cục Thống kê Trung Quốc cho thấy chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) sản xuất đạt mức 50,4 trong tháng 4/2024, tốt hơn một chút so với dự báo. Ngoài ra, dữ liệu PMI do Caixin khảo sát cũng có tháng tăng thứ 6 liên tiếp.

Kết quả này mang lại sự khích lệ đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang dựa vào nền công nghiệp để bù đắp cho nhu cầu trong nước suy yếu, giúp nền kinh tế đạt được mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm 2024. 

PMI cao hơn 50 cho thấy hoạt động sản xuất đang mở rộng. (Ảnh: Bloomberg).

“Đơn đặt hàng xuất khẩu mới lại tăng vọt. Điều này phản ánh sức mạnh của các nền kinh tế phương Tây chứ không phải Trung Quốc”, ông Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng khu vực Đại Trung Quốc tại Australia & New Zealand Banking Group, cho biết. “Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy mức tiêu dùng tốt trên thực tế”.

Kinh tế trưởng khu vực châu Á của Bloomberg, bà Chang Shu nhận định: “PMI tháng 4 của Trung Quốc đưa ra những tín hiệu trái chiều. Về mặt tích cực, nền kinh tế Trung Quốc vẫn duy trì được động lực nhờ xây dựng và sản xuất mạnh mẽ. Nhưng không phải tất cả đều tích cực. Nhu cầu tư nhân yếu đã phản ánh qua sự chậm lại trong tốc độ tăng trưởng của đơn hàng mới và hoạt động dịch vụ”. 

Bắc Kinh đang kỳ vọng rằng sự bùng nổ của hoạt động sản xuất hướng tới xuất khẩu có thể bù đắp cho sụt giảm trong lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, chiến lược này đang vấp phải nhiều mối đe dọa địa chính trị. 

Các nước phương Tây đang cáo buộc Trung Quốc tạo ra quá nhiều năng lực sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp và bán phá giá tại thị trường xuất khẩu. Đồng thời, phương Tây cũng cảnh báo khả năng dựng lên những rào cản thương mại mới. Sự sụt giảm bất ngờ về lợi nhuận công nghiệp tại Trung Quốc vào tháng 4 cũng là một yếu tố rủi ro. 

Một cuộc khảo sát khác về PMI sản xuất do Caixin thực hiện cho ra kết quả 51,4 vào tháng 4, báo hiệu mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 2/2023. Chỉ số của Caixin chủ yếu phản ánh hoạt động của doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ tại Trung Quốc. Chỉ số này đã trên mức 50 kể từ tháng 11 năm ngoái. 

Ông Wang Zhe, nhà kinh tế cấp cao tại Caixin Insight Group, nhận định rằng sự mở rộng trong hoạt động sản xuất được thúc đẩy nhờ “nhu cầu nước ngoài vượt trội” nhưng cảnh báo rằng những kỳ vọng yếu vẫn là mối đe dọa chính đối với tăng trưởng.

Các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh có thể phải tăng chi tiêu công, hạ lãi suất để đạt mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh có những lo ngại rằng sự phục hồi thiếu cân đối sẽ khó duy trì khi chi tiêu hộ gia đình vẫn yếu.

“Một mặt, thật tốt khi thấy PMI tiếp tục tăng trưởng trong tháng 4. Mặt khác, tôi vẫn muốn Bắc Kinh gấp rút hơn trong việc hỗ trợ kinh tế, bao gồm triển khai các gói kích thích”, Giám đốc đầu tư Xin-Yao Ng tại adrdn, cho hay. 

Chính phủ Trung Quốc đang nhận được những lời kêu gọi tăng cường chi tiêu công khi các doanh nghiệp vẫn thận trọng trong việc mở rộng do biên lợi nhuận bị thắt chặt. Chi phí nguyên vật liệu thô tăng trong cả hai cuộc khảo sát, còn giá bán tiếp tục giảm, cho thấy các doanh nghiệp khó có thể chuyển chi phí gia tăng sang khách hàng. 

Ông Bruce Pang, nhà kinh tế trưởng khu vực Đại Trung Quốc của Jones Lang LaSalle Inc, cho biết: “Khoảng cách giữa hai thước đo phụ cho thấy lợi nhuận của các công ty có thể vẫn bị thu hẹp trong thời gian ngắn”.

Chính phủ Trung Quốc có thể có những giải pháp như đẩy nhanh phát hành trái phiếu để tài trợ cho hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng. Bắc Kinh cũng đang triển khai kế hoạch quốc gia nhằm cung cấp hỗ trợ tài chính, khuyến khích doanh nghiệp nâng cấp thiết bị, máy móc; thúc đẩy người tiêu dùng thay thế đồ gia dụng, ô tô cũ nhằm nâng cao tiêu dùng trong năm nay.

Dữ liệu PMI chính thức của hoạt động xây dựng và dịch vụ là 51,2, thấp hơn dự báo là 52,3 và kết quả 53 vào tháng 3/2024. 

Minh Quang

Tự doanh CTCK đẩy mạnh nắm giữ tiền gửi trong quý cuối năm
Tại cuối năm 2024, hơn phân nửa tài sản tự doanh của Chứng khoán SSI, VPS, ACBS, MBS hay Kafi là tiền gửi. VNDirect và VPBankS ghi nhận trái phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất mảng tự doanh. Trong khi đó, Vietcap và VIX dẫn đầu về nắm giữ cổ phiếu.