Số nhà máy cung ứng của Apple tại Trung Quốc tăng mạnh, vì sao?
Trong năm tài chính 2023 (kết thúc vào tháng 9), Apple đã bổ sung thêm 8 nhà cung ứng Trung Quốc. Theo South China Morning Post, đây là lần đầu tiên kể từ năm 2021, gã khổng lồ công nghệ Mỹ đưa vào nhiều nhà cung cấp từ Trung Quốc hơn so với việc cắt giảm. Năm ngoái, Apple loại bỏ 4 nhà cung ứng Trung Quốc.
Mặc dù Apple gần đây đã nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng và chuyển hướng sản xuất sang các quốc gia khác ở châu Á trong bối cảnh rủi ro địa chính trị gia tăng, song Trung Quốc đại lục vẫn là cơ sở sản xuất chính của công ty, chiếm hơn một phần ba số nhà máy với con số 187.
Tổng cộng có 157 nhà cung ứng tại Trung Quốc đại lục, tăng so với 151 nhà thầu của năm trước. Apple cho biết danh sách nhà cung cấp đại diện cho 98% chi tiêu trực tiếp của Apple vào vật liệu, sản xuất và lắp ráp các sản phẩm trên toàn thế giới. Dữ liệu về giá trị sản xuất và năng lực của từng nhà cung cấp không được tiết lộ.
Các nhà cung cấp Trung Quốc vẫn đóng vai trò quan trọng đối với Apple. Đây là tuyên bố của CEO Apple, Tim Cook trong chuyến công tác thị trường quan trọng của hãng vào tháng trước. Trong cuộc phỏng vấn với tờ China Daily, Tim Cook đã nói "không có chuỗi cung ứng nào trên thế giới quan trọng đối với chúng tôi hơn Trung Quốc".
Các nhà cung cấp Trung Quốc đại lục mới được bổ sung của Apple bao gồm Baoji Titanium Industry, một nhà sản xuất hợp kim có trụ sở tại tỉnh Thiểm Tây. Công ty này có khách hàng là các nhà sản xuất máy bay như Boeing và Airbus và họ cũng phục vụ ngành đóng tàu.
Một nhà cung cấp mới khác là San'an Optoelectronics, một công ty công nghệ màn hình có trụ sở tại thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến. Theo truyền thông Trung Quốc, công ty này được cho là đang cung cấp chip mini-LED cho iPad Pro và MacBook Pro của Apple.
Các công ty bổ sung khác bao gồm nhà cung cấp các giải pháp sản xuất thông minh - Shenzhen BSC Technology; công ty chuyên về vật liệu bán dẫn Zhejiang Tony Electronic và Jiuquan Iron & Steel.
Apple thường điều chỉnh danh sách nhà thầu mỗi năm dựa trên các lý do như vấn đề chất lượng và môi trường. Hãng cũng đã ký lại hợp đồng với ba nhà cung cấp Trung Quốc từng bị loại khỏi danh sách trước đây. Đó là nhà cung cấp giải pháp thiết bị điện tử thông minh Jones Tech, nhà lắp ráp khung kim loại và nhựa Zhenghe Group và công ty in ấn và đóng gói Paishing Technology.
Trung Quốc đại lục chiếm phần lớn trong số 13 nhà cung cấp mới của Apple trong năm ngoái. Hai nhà cung cấp đến từ Đài Loan, trong khi Nhật Bản, Na Uy và Ấn Độ mỗi nước đóng góp một nhà cung cấp. Tuy nhiên, Apple vẫn đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp Trung Quốc bằng cách tăng sản xuất ở Nam Á và Đông Nam Á.
Tata Electronics, một chi nhánh của tập đoàn Tata Group đa ngành của Ấn Độ, đã có tên trong danh sách nhà cung cấp mới nhất của Apple. Mặc dù quốc gia này chỉ đóng góp chưa đến 2% số nhà máy nơi các nhà cung cấp của Apple thực hiện sản xuất, nhưng các lô hàng của họ đang tăng vọt. Theo công ty The Trade Vision, xuất khẩu iPhone từ Ấn Độ dự kiến sẽ gần như tăng gấp đôi lên 12,1 tỷ USD trong năm tài chính này, từ 6,27 tỷ USD của năm trước.
Việt Nam cũng đã gia tăng số nhà máy sản xuất từ 25 (2022) lên con số 35 vào năm ngoái, dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về số lượng nhà máy cung ứng thiết bị cho Apple. Theo CNN, Apple đang có kế hoạch nhập thêm linh kiện từ Việt Nam, nhấn mạnh xu hướng của các công ty công nghệ toàn cầu là nhìn ra ngoài Trung Quốc để đảm bảo chuỗi cung ứng, cắt giảm chi phí và mở ra thị trường mới.
Nhà phân tích Dan Ives của Wedbush Securities đánh giá Việt Nam là “điểm dừng hoàn hảo để các công ty công nghệ đa dạng hóa bên ngoài Trung Quốc”. Ông Ives nói về Việt Nam: “Chúng ta không chỉ nói về sản xuất các thiết bị điện tử giá rẻ mà còn đang nói về chuỗi giá trị cao hơn… Điều đó thậm chí còn không nằm trong tầm ngắm (của các công ty nước ngoài) trong khoảng hai năm trước".