Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á về số lượng nhà máy cung ứng cho Apple
Theo danh sách đối tác cung ứng cho Apple trong năm tài chính 2023, số lượng nhà máy sản xuất cho thiết bị của Apple tại Việt Nam đã tăng từ 25 (2022) lên 35. Điều này đưa Việt Nam trở thành "cứ điểm" hàng đầu khu vực Đông Nam Á cho các nhà cung cấp của Apple.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đứng thứ 4 thế giới về số lượng nhà máy cung ứng cho Apple, sau Trung Quốc (158); Đài Loan (49); Nhật Bản (44).
Hiện các nhà cung cấp cho Apple đang có nhà máy tại Việt Nam gồm các tên tuổi như: Advanced Semiconductor Engineering Technology, Lens Technology, LG Display, LG Innotek, Luxshare Precision, Murata Manufacturing, Samsung Electronics, Sharp, BYD, Goertek,...
Ngoài các tỉnh thành quen thuộc như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang,... nhà cung ứng Apple đã mở rộng địa điểm sản xuất tới các địa phương khác như Phú Thọ, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Nghệ An, Đà Nẵng, Tiền Giang, Bình Dương... trong những năm qua.
"Danh sách nhà cung cấp Apple đại diện 98% chi tiêu trực tiếp của chúng tôi cho vật liệu, sản xuất và lắp ráp sản phẩm trên toàn thế giới trong năm tài chính 2023", Apple cho biết.
Đa phần các nhà máy cung ứng cho Apple đều đặt ở châu Á, trong đó Trung Quốc Đại lục duy trì lượng nhà máy cung ứng dẫn đầu toàn khu vực. Tại Đông Nam Á, ngoài Việt Nam, các cơ sở sản xuất cung ứng cho Apple còn hiện diện ở Thái Lan (24); Singapore (23); Malaysia (19); Philippines (17), Indonesia và Campuchia (1).
Dữ liệu cho thấy Apple và các đối tác đang nỗ lực đa dạng hóa thông qua đầu tư vào các nước không phải Trung Quốc, trong đó Việt Nam là một điểm sáng.
Tháng 6/2023, Compal Electronics, đơn vị sản xuất iPad và Apple Watch đã thuê đất ở Việt Nam để xây dựng nhà máy mới mở rộng công suất. Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Thái Bình, Compal Electronics Việt Nam đầu tư vào khu công nghiệp Liên Hà Thái với tổng vốn đăng ký đầu tư 260 triệu USD, ước tính khi đi vào hoạt động doanh thu đạt khoảng 1,2 tỷ USD vào năm 2029 và 6,8 tỷ USD vào năm 2037.
Compal đã sản xuất các sản phẩm Apple tại Việt Nam với nhà máy ở Vĩnh Phúc. Các nhà máy lớn của hãng ở Trung Quốc đặt tại Trùng Khánh và Giang Tô, cũng như Phetchaburi tại Thái Lan.
Một trong những nhà cung cấp lớn nhất của Apple là Foxconn cũng đang dịch chuyển dần dây chuyền sản xuất iPad và MacBook sang Việt Nam. Năm 2022, công ty đã công bố khoản đầu tư 270 triệu USD để thành lập chi nhánh mới tại Việt Nam.
Mới đây, trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính, CEO Tim Cook cho biết Apple coi trọng sự tham gia của các nhà phát triển ứng dụng Việt Nam vào các sản phẩm của Apple cho khắp toàn cầu. Các hoạt động của Apple đã tạo hơn 200.000 việc làm tại Việt Nam. Hãng cũng đã chi khoảng 400.000 tỷ đồng cho khoảng 150 nhà cung cấp tại Việt Nam từ năm 2019 tới nay.
Bên cạnh đó, CEO Apple cam kết hãng sẽ mua nhiều hơn các linh phụ kiện do các đối tác sản xuất tại Việt Nam, đồng thời hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và tăng cường khoản chi cho nhà cung cấp tại Việt Nam.
Ngoài việc trở thành "cứ điểm" sản xuất của Apple, Việt Nam cũng được hãng "Táo khuyết" ưu ái khi khai trương cửa hàng Apple trực tuyến tại thị trường vào hồi tháng 5 năm ngoái. Sau đó, công ty cũng đưa dịch vụ thanh toán Apple Pay tới Việt Nam.
Theo CNN, Apple đang có kế hoạch nhập thêm linh kiện từ Việt Nam, nhấn mạnh xu hướng của các công ty công nghệ toàn cầu là nhìn ra ngoài Trung Quốc để đảm bảo chuỗi cung ứng, cắt giảm chi phí và mở ra thị trường mới.
Nhà phân tích Dan Ives của Wedbush Securities đánh giá Việt Nam là “điểm dừng hoàn hảo để các công ty công nghệ đa dạng hóa bên ngoài Trung Quốc”. Ông chỉ ra số lượng lớn kỹ sư được đào tạo trong nước là một trong nhiều yếu tố.
Đánh giá về Việt Nam, ông nói: “Chúng ta không chỉ nói về sản xuất các thiết bị điện tử giá rẻ mà còn đang nói về chuỗi giá trị cao hơn… Điều đó thậm chí còn không nằm trong tầm ngắm (của các công ty nước ngoài) trong khoảng hai năm trước".
Việt Nam và Ấn Độ nổi lên như điểm dừng chân mới trong nỗ lực đa dạng hoá chuỗi cung ứng của các công ty công nghệ. Theo ông Ives, sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các công ty nước ngoái là nguồn cung lao động thay vì thị trường tiềm năng. Trong khi đó, Ấn Độ lại sở hữu cả hai.