|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Chính sách trợ giá mới nhằm kích cầu tiêu dùng của Trung Quốc khiến Apple ngộp thở

07:15 | 10/01/2025
Chia sẻ
Thị phần smartphone nước ngoài tại Trung Quốc sụt giảm mạnh, trong khi các chương trình trợ cấp mới lại mở ra lợi thế lớn cho các thương hiệu nội địa.

Các mẫu iPhone mới nhất của Apple gần như không được hưởng lợi từ chương trình trợ cấp mới của Trung Quốc nhằm thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Điều này tạo cơ hội cho các hãng điện thoại trong nước tăng doanh số nhờ chính sách kích cầu này.

Theo thông báo từ Ủy ban Cải cách & Phát triển Quốc gia cùng Bộ Tài chính Trung Quốc, chương trình sẽ trợ cấp 15% cho các sản phẩm như điện thoại thông minh, máy tính bảng và đồng hồ thông minh có giá dưới 6.000 nhân dân tệ (khoảng 818 USD). Chính sách này nằm trong kế hoạch mở rộng chương trình thúc đẩy ngành hàng tiêu dùng.

Bên trong một cửa hàng Apple Store tại Thượng Hải, Trung Quốc. (Ảnh:Shutterstock).

Mức trợ cấp tối đa là 500 nhân dân tệ cho mỗi giao dịch. Mỗi người tiêu dùng chỉ được áp dụng ưu đãi cho một sản phẩm trong mỗi danh mục.

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết cả các công ty trong và ngoài nước đều có thể tham gia chương trình này một cách công khai và bình đẳng.

Tuy nhiên, phần lớn các mẫu iPhone cao cấp, đặc biệt là dòng iPhone 16 ra mắt vào tháng 9, không đủ điều kiện tham gia vì giá của chúng vượt mức 6.000 nhân dân tệ.

Giá của iPhone 16 Pro và iPhone 16 Pro Max của Apple lần lượt khởi điểm từ 7.999 nhân dân tệ và 9.999 nhân dân tệ.

Mẫu iPhone 16 cơ bản với dung lượng 128 GB có giá 5.999 nhân dân tệ, nằm trong mức giới hạn của chương trình trợ cấp. Một số mẫu cũ hơn như iPhone 15 và iPhone 14 cũng đủ điều kiện vì giá khởi điểm lần lượt là 5.399 nhân dân tệ và 4.699 nhân dân tệ.

Tuy nhiên, chương trình trợ cấp mới của chính phủ lại gây bất lợi cho Apple và các hãng điện thoại cao cấp nước ngoài tại thị trường smartphone lớn nhất thế giới. Tại đây, họ phải cạnh tranh gay gắt với các thương hiệu nội địa như Vivo, Huawei, Xiaomi, Honor và Oppo, những nhà sản xuất đứng đầu thị trường Trung Quốc trong quý III năm ngoái, theo dữ liệu từ Counterpoint Research.

“Chính sách trợ cấp này có lợi hơn cho các nhà sản xuất Trung Quốc, vì mục tiêu là thúc đẩy tiêu dùng ở quy mô lớn hơn”, ông Ivan Lam, nhà phân tích cấp cao tại Counterpoint, chia sẻ với South China Morning Post.

Thị phần của các thương hiệu smartphone nước ngoài tại Trung Quốc đại lục, chủ yếu là Apple, đã giảm gần một nửa so với năm trước, theo dữ liệu được công bố bởi Học viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc (CAICT).

Theo CAICT, các hãng điện thoại nước ngoài chỉ bán được 3,04 triệu thiết bị tại Trung Quốc vào tháng 11 năm ngoái, giảm 47,3% so với 5,77 triệu thiết bị cùng kỳ năm 2023. Báo cáo không nêu rõ tên các thương hiệu cụ thể.

“Dù Apple vẫn nằm trong diện được hưởng trợ cấp, thương hiệu này chủ yếu hướng đến khách hàng cao cấp, những người ít quan tâm đến các chính sách hỗ trợ của chính phủ”, ông Ivan Lam, nhận định. 

Ông cũng cho rằng các mẫu iPhone cũ của Apple, với giá dưới 6.000 nhân dân tệ, có thể hưởng lợi từ chương trình trợ cấp vì chúng cạnh tranh trực tiếp với các mẫu cao cấp của các thương hiệu Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Lam cho rằng tác động của chương trình trợ cấp lên doanh số smartphone nội địa sẽ không lớn. Lý do là các nền tảng mua sắm trực tuyến và các kênh phân phối hiện đã có rất nhiều chương trình giảm giá hấp dẫn.

Đức Huy

M&A bất động sản một thập kỷ nhìn lại
Trong 10 năm qua, thị trường M&A bất động sản tại Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn biến động và có sự phát triển đáng chú ý. Các thương vụ M&A chủ yếu tập trung vào các phân khúc văn phòng, công nghiệp, nhà ở và khách sạn tại các thành phố trọng điểm như TP HCM, Hà Nội, Bình Dương và Đồng Nai.