|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nhà máy chân rết của Apple thâm nhập vào Việt Nam: Hiệu ứng lan toả về kinh tế không thể bỏ lỡ

15:32 | 16/04/2024
Chia sẻ
Số lượng nhà sản xuất cho Apple tại Việt Nam đã tăng gấp 4 lần sau một thập kỷ.

Vào mỗi sáng, trên Quốc lộ 17 - tuyến huyết mạch quan trọng dẫn đến một trong những trung tâm thiết bị điện tử mới nhất của thế giới, xuất hiện hình ảnh quen thuộc với hàng đoàn xe tải và xe bus chen chúc nhau trên đường.

Cách đó vài cây số, hàng nghìn công nhân làm ca đêm mệt mỏi lê bước rời một nhà máy sản xuất thiết bị điện tử, trong khi một nhân viên tuyển dụng khác dùng loa phóng thanh hướng dẫn cho đám đông bên ngoài một cơ sở khác. Đây là những người mới ra trường đang tìm kiếm việc làm tại Foxconn Technology Group, nhà cung cấp lớn nhất của Apple.

"Hôm nay chúng tôi có khoảng 150 đến 200 người và hầu hết đều sẽ được nhận việc”, một nhân viên tuyển dụng khác cho biết. 

 Một đơn vị tuyển dụng đang hướng dẫn công nhân ở Quế Võ, Bắc Ninh. (Ảnh: Bloomberg).

Sự sôi động ở Bắc Ninh hiện nay là kết quả của những thay đổi sâu sắc đang diễn ra trong ngành công nghiệp điện tử toàn cầu, đặc biệt là sự dịch chuyển sản xuất của Apple. Khi Mỹ tăng cường chiến lược kiềm chế sự trỗi dậy về công nghệ của Trung Quốc, "gã khổng lồ" trị giá 3.000 tỷ USD này buộc phải chuyển hoạt động sản xuất sang các khu vực khác ở châu Á, và Bắc Ninh chính là một trong những điểm đến được ưu tiên.

Điều này tạo ra sự phân mảnh trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đe dọa đẩy giá thành sản phẩm lên cao đối với lượng khách hàng khổng lồ của Apple. Nguyên nhân là do các nhà sản xuất, đơn vị logistics và doanh nghiệp đang phải vật lộn với việc sản xuất ở những địa điểm chưa phát triển và quản lý nhiều điểm nhập - xuất hàng. Các mẫu máy cao cấp có khả năng cao sẽ trở nên đắt đỏ hơn do gánh chi phí sản xuất tăng.

Dựa trên dữ liệu tổng hợp từ hơn 370 nhà cung cấp và vị trí nhà máy của họ, Bloomberg đã tiết lộ thông tin chi tiết về việc các đối tác sản xuất của Apple đang xây dựng năng lực mới ở đâu. Đây là bức tranh toàn cảnh rõ ràng nhất từ trước đến nay về sự mở rộng mạng lưới sản xuất của Apple sang các nước đang phát triển.

Số lượng và biểu đồ phân bố các nhà máy lắp ráp cho Apple trên toàn cầu. (Đồ hoạ: Bloomberg).

Việt Nam và Ấn Độ là những quốc gia hưởng lợi lớn nhất, trong khi các điểm nóng sản xuất quy mô nhỏ hơn xuất hiện ở những nơi khác tại châu Á. Các nhà sản xuất từ Mỹ và Nhật Bản đã giảm quy mô hoạt động tại Trung Quốc, ngay cả khi các công ty Trung Quốc tham gia vào danh sách nhà cung cấp với tốc độ chóng mặt. Trung Quốc vẫn chiếm phần lớn các nhà máy sản xuất thiết bị của Apple và sẽ vẫn là một phần không thể tách rời trong chuỗi cung ứng của công ty. Nhưng xu hướng chuyển đổi sang mạng lưới sản xuất phân tán hơn là điều không thể phủ nhận và đang diễn ra nhanh chóng.

“Apple là người đi đầu”, ông Chris Miller, tác giả của cuốn Chiến tranh Chip: Cuộc chiến giành công nghệ quan trọng nhất thế giới, nhận định.

“Apple là một trong những nhà sản xuất thiết bị điện tử lớn nhất thế giới. Họ cũng là công ty có lợi nhuận cao nhất. Vì vậy, họ có rất nhiều sức ảnh hưởng đối với các nhà cung cấp và cách thức hoạt động của những doanh nghiệp này”, ông nói.

Cuộc chiến thuế quan  bùng nổ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump thúc đẩy đáng kể việc Apple dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, nền móng cho việc này đã được đặt ra từ rất lâu trước đó.

Nhiều công ty bắt đầu tìm kiếm địa điểm sản xuất mới khi tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc khiến tiền lương tăng cao. Chính phủ Ấn Độ, Việt Nam và các nước khác tích cực thu hút các doanh nghiệp này bằng cách cung cấp ưu đãi đầu tư, cải cách tiền lương và cải thiện cơ sở hạ tầng.

Apple và các doanh nghiệp tương tự hiện đang đổ hàng tỷ USD đầu tư vào những khu vực này trên toàn cầu. Vào năm 2012, không có nhà cung cấp nào liên quan đến Apple hoạt động ở Ấn Độ. Hiện tại, đất nước này là nơi đặt trụ sở của 14 nhà cung cấp. iPhone 15 mới là mẫu máy đầu tiên được xuất xưởng trực tiếp từ Ấn Độ chỉ vài tuần sau khi rời các nhà máy ở Trung Quốc.

Trong 10 năm qua, Việt Nam đã chứng kiến sự gia tăng gấp 4 lần số công ty lắp ráp sản phẩm Apple. Sự dịch chuyển lịch sử này hứa hẹn tạo ra hàng triệu việc làm bên ngoài Trung Quốc. Tại Việt Nam, lực lượng lao động ngành điện tử đạt 1,3 triệu người vào tháng 6/2022, gấp 4 lần so với năm 2013. Ở Ấn Độ, theo ước tính của Hiệp hội Thiết bị di động và Điện tử Ấn Độ, ngành này đã tạo ra tới 1 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp kể từ năm 2018.

 10 nhà cung cấp lớn nhất của Apple có cơ sở sản xuất tại Việt Nam và Ấn Độ. (Đồ hoạ: Bloomberg).

“Tái cơ cấu chuỗi cung ứng thực sự mang lại những cơ hội đáng kể cho các công ty tham gia vào quá trình chuyển đổi này, đồng thời cho cả các quốc gia”, Jeffrey Jaensubhakij, Giám đốc đầu tư của quỹ đầu tư quốc gia Singapore GIC, phác họa bức tranh chung của ngành.

Tuy nhiên, việc sản xuất phân tán ở nhiều quốc gia - một số thị trường kém xa Trung Quốc về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân công và chuyên môn về chuỗi cung ứng nói chung - làm tăng nguy cơ chậm trễ trong vận chuyển và chi phí leo thang.

“Thách thức đặt ra là các chuỗi cung ứng vốn đã rất hiệu quả thì nay bị phân mảnh”, ông Jaensubhakij nói. “Điều này sẽ làm tăng chi phí và do đó tiếp tục đẩy lạm phát lên theo thời gian”.

Các trung tâm sản xuất mới của Apple hiện chỉ chiếm một phần tương đối nhỏ trong tổng sản lượng. Giá thành sản phẩm cho người tiêu dùng biến động như thế nào vẫn chưa rõ ràng, và một phát ngôn viên của Apple từ chối bình luận.

“Giá của các sản phẩm Apple thực sự có thể tăng lên để phản ánh chi phí tiềm ẩn cao hơn” do di chuyển chuỗi cung ứng”, nhà phân tích Steven Tseng tại Bloomberg Intelligence cho biết. “Tuy nhiên, có khả năng những khoản tăng chi phí như vậy có thể không được phản ánh đầy đủ vào giá bán ra, vì điều đó có thể ảnh hưởng đến nhu cầu của thị trường”.

Mặc dù Trung Quốc có những lợi thế mà Ấn Độ không thể sánh được trong tương lai gần, bà Veena Jha, Giám đốc điều hành IKDHVAJ Advisers, dự đoán giá bán lẻ của iPhone sẽ không thay đổi nhiều.

“Điều chúng ta có thể thấy là các mẫu smartphone cao cấp trong thời gian đầu sẽ đắt hơn do các bộ phận hoặc thiết kế phức tạp”, bà nói. “Về lâu dài, chi phí giữa Trung Quốc và các nước khác sẽ tương đương nhau”.

Tất nhiên, việc phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc cũng đi kèm với những rủi ro riêng.

Trong những năm “Zero Covid,” các chính sách bất ổn của Bắc Kinh đã làm tắc nghẽn nguồn cung ứng mọi thứ, từ điện thoại đến ô tô. Tại “Thành phố iPhone” của Foxconn - một khu phức hợp rộng lớn ở miền trung Trung Quốc, nơi hàng trăm nghìn công nhân phải chịu đựng các đợt phong tỏa kéo dài - tình trạng bất ổn bạo lực vào cuối năm 2022 đã hạn chế hoạt động sản xuất trong nhiều tuần và có thể là giọt nước tràn ly đối với các nhà sản xuất.

Và chính quyền của ông Joe Biden hiện đang hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với công nghệ tiên tiến của Mỹ như chip, làm leo thang căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Quan điểm này nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ cả hai đảng ở Washington, D.C., từ các nhà hoạch định chính sách lo ngại những tiến bộ của Trung Quốc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và máy tính lượng tử sẽ tạo ra thách thức cho lợi ích quân sự của Mỹ.

Các nhà sản xuất hợp đồng của Đài Loan (Trung Quốc) thống trị chuỗi cung ứng của Apple và phần lớn công việc của họ vẫn được thực hiện tại các khu phức hợp khổng lồ ở Trung Quốc đại lục. Nhưng họ cũng là lực lượng chính đằng sau việc mở rộng sản xuất ở nước ngoài. Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi sớm từ chiến lược đa dạng hóa của họ, mặc dù Foxconn và Pegatron Corp. cũng đang lên kế hoạch đầu tư lớn vào Ấn Độ.

Trên những cánh đồng lúa ở Bắc Giang, một khu phức hợp trị giá hàng tỷ USD của Foxconn dự kiến sẽ sản xuất máy tính xách tay Macbook đang được xây dựng trên một khu đất rộng bằng 93 sân bóng Mỹ. Những khoản đầu tư lớn như vậy tạo ra hiệu ứng lan tỏa về kinh tế: Danh sách của Apple bao gồm 25 nhà cung cấp tại Việt Nam, nhưng theo ông Đào Xuân Cường, Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh này cho biết hơn 300 nhà thầu phụ khác cũng đã mở nhà máy tại riêng Bắc Giang.

Nhà máy của Foxconn tại Việt Yên, Bắc Giang. (Ảnh: Bloomberg).

Các công ty Trung Quốc như GoerTek - nhà sản xuất AirPods và BYD - đơn vị sở hữu nhà máy lắp ráp iPad, cũng đang mở rộng hoạt động ở Việt Nam. Đây là thực tế mà các công ty Trung Quốc và Mỹ đều phải đối mặt: Khi Washington tìm cách kiềm chế tham vọng công nghệ của Bắc Kinh, việc thiết lập sản xuất ở những địa điểm hầu như không bị ràng buộc bởi những hạn chế địa chính trị đó sẽ mang lại lợi ích.

Việt Nam đã thu hút các nhà sản xuất công nghệ bằng các khoản giảm thuế và miễn phí thuê đất. Các quan chức địa phương cũng dành sự quan tâm đặc biệt cho Apple, thực hiện các cuộc đàm phán với Cupertino và cung cấp đất xây dựng ký túc xá cho công nhân nhà máy.

Tất cả những nỗ lực này đang mang lại hiệu quả mong muốn. Ngành điện tử chiếm 32% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào 2022, gấp đôi so với một thập kỷ trước.

“Về mặt kinh tế, đây là động lực tăng trưởng tiềm năng mà không quốc gia nào thực sự có thể bỏ qua”, bà Sonal Varma, nhà kinh tế học tại Nomura Holdings Inc., cho biết. “Đây là cơ hội có một không hai”.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Đức Huy (theo Bloomberg)