|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nguy cơ ẩn hiện sau con số tăng trưởng kinh tế đẹp đẽ của Trung Quốc

07:37 | 02/08/2020
Chia sẻ
Sau quí I sụt giảm, GDP quí II của nền kinh tế Trung Quốc đã tăng 3,2% so với cùng kì năm ngoái và cao hơn dự đoán của nhiều nhà phân tích. Tuy nhiên, đằng sau con số này là một quá trình phục hồi không cân đối, khiến Trung Quốc rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan trong chính sách tài khóa.

Kinh tế phục hồi không đồng đều trong quí II

Số liệu GDP quí II tốt hơn dự đoán cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đã phục hồi từ mức đáy, dẫn phần còn lại của thế giới dần bước ra khỏi những thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra.

Trong quí I, GDP của Trung Quốc giảm 6,8% - đánh dấu lần đầu tiên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có quí tăng trưởng âm trong 28 năm qua. Đến quí II, GDP của Trung Quốc phục hồi so với quí I và tăng 3,2% so với cùng kì năm ngoái.

Số liệu quí II cho thấy dường như nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi theo mô hình chữ V, điều mà vài tháng trước ít ai nghĩ là có thể xảy ra.

Tuy nhiên, bên dưới tít báo về GDP quí II của Trung Quốc là một quá trình phục hồi với đủ các cấp độ trong từng lĩnh vực cấu tạo nên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nhìn chung, cung đang vượt cầu, đầu tư tăng trưởng vượt mức tiêu thụ và các ngành công nghiệp chế tạo lại đạt được nhiều thành tựu hơn ngành dịch vụ, thương mại.

Nền kinh tế Trung Quốc phục hồi không đồng đều một phần là hệ quả của cách phản ứng với đại dịch khác nhau của các ngành kinh tế.

Khôi phục lại hoạt động sản xuất ở nhiều công ty chế tạo và công nghiệp đơn giản như nhấn nút khởi động trên một cỗ máy.

Tuy nhiên, để vực dậy tiêu dùng, các hộ gia đình ở đất nước tỉ dân phải cảm thấy đủ an toàn để quay về cuộc sống xã hội trước đây. Nỗi lo dai dẳng về nguy cơ đại dịch tái bùng phát đang làm chậm quá trình bình thường hóa cuộc sống.

Kích thích tài khóa của Bắc Kinh cũng góp phần khiến tăng trưởng quí II không đồng đều. Thiết kế của gói kích thích do chính phủ Trung Quốc công bố không mang lại lợi ích cân đối cho từng ngành.

Theo đó, phần lớn kích thích của chính phủ Trung Quốc tập trung vào việc khôi phục hoạt động sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng và giảm chi phí huy động vốn, vô tình mang lại lợi ích cho thị trường bất động sản và xây dựng nhà ở.

Ngược lại, các hộ gia đình lại không phải là người hưởng lợi trực tiếp từ kích thích kinh tế của Bắc Kinh. Thị trường việc làm và tăng trưởng tiền lương đều chậm phục hồi, chi tiêu tiêu dùng cũng do đó mà bị kìm hãm.

Tại sao Trung Quốc không 'nổ phát súng lớn' để kinh tế phục hồi mạnh mẽ hơn? - Ảnh 1.

Du khách tham dự một sự kiện kích thích tiêu dùng cho chính phủ Trung Quốc tổ chức hôm 6/6. (Ảnh: AP)

Hai hàm ý cho triển vọng kinh tế Trung Quốc

Thiết kế của chương trình kích thích tài khóa phần nào có thể lí giải mô hình phục hồi ở các nền kinh tế lớn.

Chẳng hạn, ở Mỹ, kích thích kinh tế tập trung vào bảo vệ việc làm và trợ cấp thu nhập cho người lao động. Điều đó đã dẫn đến sự phục hồi mạnh trong chi tiêu người tiêu dùng vào tháng 5, dù đợt bùng phát mới có thể cản trợ quá trình bình thường hóa kinh tế này.

Trong khi đó, ưu tiên của Trung Quốc là khởi động hoạt động sản xuất công nghiệp và chế tạo, khiến tiêu dùng bị chững lại trong tiến trình phục hồi. South China Morning Post nhận thấy, quá trình hồi phục không đồng đều chỉ ra hai hàm ý đối với triển vọng kinh tế của Trung Quốc.

Đầu tiên, các động lực tăng trưởng có thể dần cân bằng trở lại trong nửa cuối năm nay. Dù cơ sở hạ tầng và đầu tư bất động sản có khả năng phục hồi nhờ chính sách tài khóa, thị trường việc làm và tăng trưởng thu nhập trở lại bình thường mới giúp giải phóng nhu cầu bị dồn nén của các hộ gia đình, từ đó giúp tăng trưởng tiêu dùng bắt kịp với các lĩnh vực khác.

Giả định rõ ràng cho quan điểm trên là đại dịch COVID-19 sẽ không quay trở lại. Rủi ro này không nên bị đánh giá thấp khi mà bán cầu bắc sắp bước vào mùa lạnh.

Thứ hai, kinh tế phục hồi không đồng đều cũng có thể khiến chính phủ Trung Quốc phải tiếp tục kích thích tài khóa cho đến hết năm. Không chỉ có nguy cơ đại dịch tái bùng phát, mà nhiều tỉnh thành ở miền nam Trung Quốc đang hứng chịu lũ lụt nghiêm trọng. Mùa màng bị phá hủy, hoạt động kinh doanh gián đoạn và hàng nghìn ngôi nhà bị hư hại, ảnh hưởng đến hàng triệu người dân.

Giả sử chính phủ Trung Quốc có thể kiểm soát lũ lụt trong vài tuần tới, thiệt hại kinh tế ngắn hạn sẽ không đáng kể. Theo ước tính của SCMP, thiệt hại có thể tương đương 0,2 - 0,3% GDP của Trung Quốc.

Ước tính thiệt hại như trên tương đương ảnh hưởng của đợt lũ năm 2016, nhưng còn thua xa trận lũ lịch sử năm 1998.

Tuy nhiên, nếu mưa nặng hạt tiếp diễn và chính quyền địa phương không thể xử lí được tình hình, cú sốc kinh tế có thể lớn hơn. SCMP tin Bắc Kinh sẽ cảnh giác trước những rủi ro này và sẵn sàng can thiệp để bảo vệ đà phục hồi kinh tế.

Dù vậy, một số chuyên gia nhận định không nên kích thích tài khóa quá mạnh. Từ nay cho đến cuối năm, nền kinh tế Trung Quốc đang trên đà khôi phục những thiệt hại do đại dịch COVID-19 gây ra, nhanh hơn bất kì nền kinh tế lớn nào.

Mức tăng mạnh gần đây trên thị trường chứng khoán và giá bất động sản cũng sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách tại Bắc Kinh cân nhắc kĩ về một chương trình kích thích tài khóa qui mô lớn.

Nguyên nhân là một chương trình qui mô lớn như thế sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho thị trường tài sản tài chính trong khi không hỗ trợ nhiều cho đời sống người lao động, từ đó tạo ra khoảng cách lớn giữa nền kinh tế thực và thị trường vốn.

Yên Khê