|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ngoại trưởng Mike Pompeo và Tổng thống Trump mỗi người nói một kiểu về Huawei

16:13 | 23/08/2019
Chia sẻ
Vài ngày trước, Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố chắc nịch rằng Huawei là mối đe dọa an ninh quốc gia. Tuy nhiên, tuyên bố này lại mâu thuẫn với lời nói của Tổng thống Trump - người từng đề xuất đưa Huawei vào thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
1563358978427

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Reuters)

Có hay không khả năng đưa Huawei vào thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung?

Hồi đầu tuần này, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết lập trường của Mỹ về gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei đã rất rõ ràng.

"Chúng tôi không đưa ra thông điệp lẫn lộn nào hết", CNBC dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ hồi đầu tuần này. "Tổng thống Trump đã rất rõ ràng. Tôi không nghĩ có thông điệp gây bối rối nào ở đây".

"Mối đe dọa của việc tồn tại hệ thống viễn thông Trung Quốc bên trong mạng di động của Mỹ hoặc bên trong mạng di động của các nước khác gây ra rủi ro lớn. Đó là rủi ro an ninh quốc gia.

Nhiệm vụ của chúng tôi là tìm cách giảm rủi ro đó xuống hết mức có thể", ông nói.

Chính phủ Mỹ cáo buộc Huawei là rủi ro đối với an ninh quốc gia vì Trung Quốc có thể sử dụng thiết bị của hãng như một cửa hậu để thực hiện hành vi gián điệp. Tuy nhiên, Huawei đã kiên quyết phủ nhận cáo buộc nói trên.

Vào tháng 5, Huawei đã bị liệt vào danh sách đen thương mại của Mỹ, theo đó các doanh nghiệp nước này đều bị cấm hợp tác với gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc, trừ khi nhận được phê chuẩn của chính phủ. 

Chính phủ Mỹ đã gia hạn nới lỏng lệnh cấm đối với Huawei thêm 90 ngày, nhờ đó công ty Mỹ có thể bán một số mặt hàng nhất định cho Huawei.

Tuy nhiên, thông điệp của Tổng thống Trump đối với Huawei và quan trọng hơn là cách ông nhìn nhận mối quan hệ giữa Huawei và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung dường như khá lẫn lộn, mâu thuẫn với khẳng định của Ngoại trưởng Mike Pompeo.

"Vấn đề Huawei có thể được đưa vào thỏa thuận thương mại", ông Trump cho hay hồi tháng 5. "Nếu Washington và Bắc Kinh kí kết thỏa thuận, tôi có thể tưởng tượng đến việc Huawei sẽ được thêm vào dưới một hình thức hoặc một cấu phần nào đó của thỏa thuận".

Sau đó, đến đầu tháng 8, Tổng thống Mỹ lại tuyên bố: "Tôi không muốn hợp tác kinh doanh với Huawei vì họ là một mối đe dọa an ninh quốc gia".

Tuy nhiên, cùng lúc đó, chính quyền của ông lại gia hạn nới lỏng trừng phạt đối với Huawei thêm 90 ngày.

Bất nhất từ trường hợp CFO Mạnh Vãn Chu

CFO Huawei, bà Mạnh Vãn Chu, đã bị bắt giữ tại Canada hồi tháng 12 năm ngoái theo yêu cầu của Chính phủ Mỹ. Phía Mỹ hiện đang tìm cách dẫn độ CFO Huawei.

Sau khi bà bị bắt, ông Trump từng cho biết ông có thể can thiệp vào trường hợp của bà Mạnh nếu điều đó giúp bảo đảm một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.

"Nếu tôi nghĩ điều đó tốt cho nước Mỹ cũng như thỏa thuận thương mại lớn nhất từng được kí kết, tôi chắc chắn sẽ can thiệp", Reuters dẫn lời ông Trump hồi tháng 12/2018.

Trong một cuộc phỏng vấn với CNBC hồi tháng 4, khi được hỏi liệu con gái của mình có phải là con tin trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hay không, nhà sáng lập Nhậm Chính Phi - cha của bà Mạnh Vãn Chu đã đáp lại: "Có thể".

Trong khi tham gia một cuộc họp báo ở Ottawa (Canada), ông Pompeo từng được hỏi liệu bà Mạnh có phải là "quân cờ mặc cả" trong cuộc chiến thương mại. Phản ứng của Ngoại trưởng Mỹ, một lần nữa mâu thuẫn rõ rệt với bình luận trước đây của ông Trump: "Không."

Yên Khê